Nội trợ thông thái!

Thời gian gần đây, thông tin rau chợ, rau trôi nổi “phù phép” tuồn vào các siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch gây xôn xao dư luận. Thông tin này khiến người dân bất bình, phẫn nộ, bởi họ đã phải bỏ ra một số tiền lớn để mua rau giá cao trong các cửa hàng, siêu thị với mong muốn được sử dụng rau an toàn. Thế nhưng, niềm tin của họ đã bị “phản bội” khi những mớ rau, củ, quả được gắn mác “sạch”, đạt tiêu chí này, tiêu chuẩn nọ lại là rau trôi nổi ở chợ đầu mối, có nguồn gốc tận nước Tàu xa xôi!

Trong khi đó, những mô hình rau sạch trong nhà lưới, rau an toàn, rau VietGAP và rau hữu cơ làm ra lại chẳng có ai mua, “đỏ mắt” tìm nơi tiêu thụ nhưng vẫn “tắc” đầu ra, bởi không thể cạnh tranh với rau trôi nổi về giá cả và mẫu mã! Và điều người dân biết rõ là nếu trồng rau an toàn, hữu cơ thì rất dễ bị sâu bệnh, rau cằn không được “mướt mắt” như rau phun hóa chất, sử dụng đạm lân vô tội vạ nhưng khi ra chợ, vẫn chọn rau non, rau xanh, rau mướt mát để ăn? Hóa ra, thói quen đó của người tiêu dùng đã vô tình “tiếp tay” cho rau bẩn có “đất sống”. Điều này, được coi là “họa từ miệng” theo đúng nghĩa đen khi số người mắc các bệnh đường tiêu hóa ngày càng nhiều, số ca ung thư, tử vong vì ung thư ngày một tăng…

Trước những bất cập, nghịch lý đó của thị trường, anh Kim Nam, một nông dân – người tiên phong về mô hình rau hữu cơ ở huyện Nam Đàn đã trăn trở với ý định triển khai thử nghiệm chương trình tạm gọi là “Ăn rau trả trước”. Nghĩa là, anh cần tập hợp khoảng 30 – 50 gia đình đăng ký sử dụng rau sạch của vườn anh, cho anh ứng trước mỗi tháng 500.000 – 700.000 đồng (gọi là tiền cọc, nhằm đảm bảo rau hữu cơ làm ra có nơi tiêu thụ ổn định), còn anh sẽ đứng ra tổ chức sản xuất rau sạch, rau hữu cơ đúng chuẩn, đa dạng sản phẩm theo mùa, cung ứng, sơ chế và ship “tận bếp” cho các hộ đăng ký. Cái lợi của các hộ tham gia mô hình là được ăn rau sạch có địa chỉ, có nguồn gốc rõ ràng với mức giá hợp lý (vì không qua khâu trung gian tiêu thụ); không mất công đi chợ, đi siêu thị (do được ship tận nhà) và cả không mất công nhặt rau (vì đã được sơ chế). Đặc biệt, các hộ được giám sát, được kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng rau định kỳ, đột xuất. Cuối tuần được lên vườn tham quan, trải nghiệm việc trồng rau, bắt sâu, nhổ cỏ và hái rau mang về…

Thoạt nghe, tôi nói với anh: “Ổn, quá ổn! Anh làm đi, chắc chắn thành công. Giờ ai chả có nhu cầu ăn rau sạch. Nhất là sau vụ nhập nhằng rau bẩn, rau sạch ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch…!”. Nhưng anh lại trầm tư: “Cũng không đơn giản đâu em! Anh cam kết là sạch từ nông trại đến bàn ăn. Song, thứ nhất, là do làm rau sạch thì chi phí cao, giá thành cao hơn nên để người dùng chấp nhận không phải dễ. Thứ hai, thói quen dùng rau xanh non mướt mát đã ăn sâu vào tiềm thức, để thay đổi cũng không phải ngày một ngày hai. Thứ ba, dân ta thường ăn mớ nào trả tiền mớ đó, mỗi ngày ít nhất tốn 15.000 – 20.000 đồng tiền rau (mua rau trôi nổi) nhưng để bỏ ra 500.000 – 700.000 đồng đặt trước tiền rau thì lại khó chấp nhận”. Nhưng anh cho biết là anh sẽ thử, sẽ gây dựng niềm tin, thuyết phục người tiêu dùng bằng chất lượng. Bởi thực phẩm hàng ngày, không chỉ đơn thuần là “cọng rau, con cá, miếng thịt” mà là sức khỏe, thể chất của bao thế hệ…

Do đó, người tiêu dùng hãy thay đổi, trở thành nhứng người nội trợ thông thái, biết phân biệt, lựa chọn những gì tốt nhất cho bữa ăn gia đình, để dần dần hạn chế những bệnh tật từ miệng mà ra…


Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu