Có một câu nói rằng: “Nếu bạn muốn trở nên giàu có thì đừng làm bác sĩ”, hoặc “Nếu bạn là bác sĩ, đừng bao giờ nghĩ bạn có thể thay đổi được thế giới”. Vì thế, nếu ai đó muốn thành người giàu có, bạn hãy bỏ ý định để trở thành một bác sĩ. Tôi khuyên bạn nên tìm một nghề khác thích hợp hơn. Hoặc nếu bạn nào muốn làm một điều gì đó rất to lớn như thay đổi cả thế giới thì tôi cũng khuyên bạn nên nghĩ lại khi bạn có ý định ghi danh vào một trường y khoa.
Nghề bác sĩ là một nghề đặc biệt, ở đó chỉ có sự hy sinh, cống hiến và đồng cảm với nỗi đau của đồng loại. Khi bạn bị người đời nguyền rủa bạn cũng đừng vội nóng nảy và tức giận, cũng chẳng cần phải thanh minh mạnh mẽ quá vì bổn phận của bạn là phục vụ và giúp đỡ người khác. Bạn nên tuân lệnh, không phải tuân lệnh người khác mà tuân lệnh trái tim của chính mình.
Bạn không thể thay đổi thế giới nhưng bạn có thể thay đổi tiến triển của một bệnh, bạn có thể giúp cho người khác giảm đi nỗi đau và sự rối loạn bằng những liều thuốc hay các tác động tâm lý và có thể trong số bệnh nhân của bạn có người sẽ thay đổi được thế giới.
Khi bạn có tiền hoặc có quyền lực cũng không có nghĩa là bạn sẽ thực sự hạnh phúc. Tôi muốn nói về một bác sĩ trẻ, người đã có những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp vì có cả tiền tài và danh vọng, nhưng trước khi chết vì căn bệnh ung thư anh ấy đã kịp hiểu ra ý nghĩa của hạnh phúc thực sự là gì và cái gì có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Đó là bác sĩ người Singapore, Richard Teo Keng Siang. Câu chuyện của anh ấy không chỉ là một câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa mà nó, ở một khía cạnh nào đó, có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Người ta biết đến anh, nhớ về anh không phải vì anh đã thành công trong việc tạo ra một câu chuyện cảm động từ chính cuộc đời mình mà là bài học anh đã rút ra từ bi kịch mà anh trải qua.
Anh ấy đã nhận ra không phải nghèo là bất hạnh: “Đừng nghĩ rằng người nghèo mới phải khổ. Điều này không đúng. Những người nghèo khó vốn không có gì. Họ dễ dàng chấp nhận. Do đó, họ hạnh phúc hơn các bạn và tôi”.
Như một người anh, một người đồng nghiệp, anh ấy đã phơi bày tâm can của mình qua những lời nói từ trái tim, từ những trải nghiệm qua nhiều cung bậc khác nhau của cả sự thành công lẫn thất bại, để nói với các sinh viên rằng: “Đừng quên khi thành danh, các em đưa tay đến những người cần giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt cho họ. Bây giờ ở vị trí người tiếp nhận, tôi hiểu rõ. Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi ngỡ như vậy là hạnh phúc. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình”.
Tôi tin anh ấy nói đúng: Hạnh phúc thực sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình.
Sau 20 năm tốt nghiệp trường y khoa, tôi chiêm nghiệm ra rằng có hai thứ quan trọng mà các bác sĩ cần có để hành nghề, đó là THUỐC và TÌNH THƯƠNG. Người bệnh đến với bạn cần hai thứ đó, thứ mà nhiều người đang cần trong thế giới hiện đại ngày nay.
Mẹ Teresa (1914 -1997), người phụ nữ sinh ra ở Albania nhưng được vinh danh công dân danh dự cao nhất ở Ấn Độ, được mệnh danh là “Vị Thánh của người cùng khổ”; là một trong những khuôn mặt nổi bật nhất của thế kỷ XX và đã từng đoạt giải Nobel về Hoà bình năm 1979, đã nói rằng: “Căn bệnh lớn nhất ở phương Tây ngày nay không phải là bệnh lao hay bệnh hủi; đó là chính là sự không có ước muốn, không được yêu thương và không được quan tâm. Chúng ta có thể điều trị bệnh thể chất bằng THUỐC nhưng chỉ có thể điều trị sự cô đơn, trống trải và tuyệt vọng bằng TÌNH THƯƠNG. Có nhiều người trên thế giới đang chết vì một mẩu bánh mì, nhưng có nhiều người hơn thế đang chết vì thiếu tình yêu thương. Sự nghèo đói ở phương Tây là một loại nghèo đói khác biệt, nó không chỉ nghèo đói của sự cô đơn mà còn của tinh thần. Có một sự khao khát tình yêu thương, cũng như có một sự khao khát ở Chúa trời”.
Ngành Y tế những năm gần đây đang cố gắng thay đổi phong cách và thái độ phục vụ để hướng tới sự hài lòng người bệnh. Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để làm cho người bệnh hài lòng đó là THUỐC và TÌNH THƯƠNG, như Mẹ Teresa đã nói. Nói rộng ra, THUỐC có nghĩa là trình độ chuyên môn và trình độ khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong y tế. TÌNH THƯƠNG chính là thái độ phục vụ từ TÂM, là y đức của nhân viên y tế.
Bổn phận của bác sĩ là cống hiến và giúp đỡ người khác, khi chúng ta mất điều đó chúng ta không còn là bác sĩ nữa. Các bạn và tôi đều hiểu rằng chúng ta đang đứng ở đâu. Nghề y vẫn luôn luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý. Nếu bạn không chịu được áp lực nghề nghiệp nữa bạn có thể từ bỏ nghề y. Chúng ta không hề run sợ khi chiến đấu với sự chết đang đến từng giây với người bệnh, chẳng lẽ chúng ta sợ áp lực của một số ít người đang quy chụp một số cái chưa tốt cho cả ngành y. Tôi vẫn tin có nhiều người tốt vẫn thông cảm và chia sẻ với những công việc hàng ngày của các bác sĩ.
Vì vậy, hãy nghĩ đến những gì sẽ phải làm cho bệnh nhân chứ đừng nghe những gì người khác nói về bạn. Bạn có thể được vinh danh sau cả một đời cống hiến vất vả, nhưng bạn cũng có thể bị dìm xuống chỉ sau một sơ suất nhỏ. Cuộc sống là vậy. Bạn buộc phải lựa chọn cách sống cho riêng mình. Cách sống cho riêng bạn không phải là sự lựa chọn đúng đắn, mà còn phải sống cho cả người khác nữa. Chỉ khi đó bạn mới cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với nghề bác sĩ.
Có thể bạn sẽ có những quan điểm khác tôi về một số khía cạnh nào đó. Tôi nghĩ sự khác biệt đó là tất yếu, chính những khác biệt đó mới tạo nên cuộc sống. Chúng ta cần phải tôn trọng sự khác biệt đó. Tuy nhiên, tôi lại tin rằng bạn và tôi sẽ đồng thuận ở một quan điểm: Nghề y vẫn luôn luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý.