Lòe

Đang ngập tràn trên báo chí cũng như mạng xã hội là cuộc tái chiến gay gắt giữa một bên là nước mắm và bên còn lại cũng xưng là… nước mắm. Nói hài hước như cư dân mạng thì đây là cuộc chiến của  hai anh em song sinh khác cha không cùng mẹ!

Năm 2012, khi gã khổng lồ mang thương hiệu Starbucks thò “bước chân tư bản” đầu tiên vào thị trường đồ uống Việt Nam, một đại gia cà phê thuộc hàng ông kẹ của xứ núi Tây Nguyên đang làm mưa làm gió lúc ấy đã mỉa mai rằng “Starbucks bán một thứ nước đường có mùi cà phê”. Tưởng rằng hãng cà phê lừng danh thế giới nhưng tận bên kia bán cầu sẽ “bể trận” ngay trên mảnh đất hình chữ S thân yêu của chúng ta. Thú thực đã có kẻ hả hê khi cho rằng Starbucks đáng nhận  bài học vỡ lòng của thị trường văn minh khi dám mang nước đường sang “lòe” dân Việt Nam. Tưởng vậy, thế rồi ai ngờ họ đã phải dụi mắt chứng kiến những đoàn người dài ngoằng ngoẵng xếp hàng trước Starbucks để được đến lượt thưởng  thức cái thứ “Nước đường có mùi cà phê” ấy. Té ra Starbucks không lòe, dân Việt cũng không dễ bị lòe. Tìm hiểu mới biết trước khi “bán nước đường” ở Việt Nam thì Starbucks đã có 17.800 cửa hàng cà phê ở 49 quốc gia cơ mà, đúng rồi, với thị trường thì khách hàng là thước đo, thế giới này đâu dễ lòe như thế. Đấy là chuyện cà phê, một thứ đồ uống có vị đắng nhưng cũng có vị ngọt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, còn chuyện nước mắm thì lại khác. Lòe, lòe được và kinh hãi nhất là… được lòe!

Lòe là một cách diễn đạt ngắn gọn về sự dối trá, tuy nhiên nó không chỉ là sự dối trá thông thường mà là lối qua mặt một cách ngang nhiên hơn, trâng tráo hơn, ma mãnh hơn và thậm chí là tiểu nhân hơn. Không có một thứ dối trá nào đàng hoàng nhưng lòe là thứ dối trá bỉ ổi nhất, đáng sợ, đáng ghét, đáng khinh bỉ nhất của những dối trá. Phải cá biệt và hi hữu lắm người ta mới dùng đến chữ lòe để mô tả sự lừa lọc dối trá và vụ “nước mắm công nghiệp” tác giả xin phép được mượn một chữ lòe.

Nếu không phải là nước mắm mà cũng tự xưng là nước mắm lại còn có vẻ muốn đè đầu cưỡi cổ nước mắm thì lòe chứ còn gì nữa. Theo quy chuẩn Việt Nam hiện hành, sản phẩm được gọi là nước mắm là sản phẩm thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối, trong thùng có nắp đậy và trong thời gian thông thường là 6 tháng. Như vậy tất cả những gì không “thu được từ quá trình lên men hỗn hợp cá và muối, trong thùng có nắp đậy thời gian thông thường là 6 tháng” thì không phải là nước mắm. Thế thôi, rất rõ ràng.

Còn nhớ năm 1990 khi còn là sinh viên học ở Hà Nội, chúng tôi ăn cơm tập thể. Thời ấy đói kém nên nhà bếp sáng tạo ra một thứ nước chan cơm ngon tuyệt cú mèo. Các chị ấy dùng gạo rang cháy sém, cho vào nước và đun sôi lên, nêm muối, mì chính và tất nhiên cũng nhỉ vào đó vài thìa nước mắm thiệt để lấy mùi, rồi cũng mấy cọng hành, rồi cũng mấy nhát ớt như thật. Món này cả một nồi to để miễn phí ở giữa nhà bếp, đứa nào thiếu thức ăn thì cứ đến đấy múc dùng. Chúng tôi gọi vui là nước mắm Phú Quốc, các chị nhà bếp quen dần cũng gọi theo như vậy. Tuy nhiên không ai lòe ai ở đây cả, là chúng tôi chủ động gọi vậy để đánh lòe cái lưỡi. Đấy là nước gạo rang, phục vụ miễn phí. Không ai dối trá ai, vui vẻ, rõ ràng và quan trọng là ngon miệng. Đến mức cậu bạn cùng phòng phải thốt lên “Hay bọn mình đóng chai đưa ra chợ bảo là nước mắm bán lấy tiền mua gạo”. Tưởng đó là một câu nói vui, là thứ ngôn ngữ dí dỏm và mỉa mai riêng có của thời bao cấp ai dè vài chục năm sau nó trở thành chuyện thực. Thứ “nước mắm Phú Quốc” được đun bằng gạo rang của chúng tôi ngày ấy giờ chễm chệ trong mọi siêu thị, ngạo nghễ trong mọi bàn ăn và bén rễ trong mọi ngõ ngách. Chỉ có điều bây giờ nó không thô mộc và vụng dại như ngày xưa.

Trở lại với “cuộc chiến nước mắm”. Rõ ràng thứ nước được pha chế bằng hóa chất, hương liệu và  “bồi dưỡng” vào đó 1% nước mắm thì không thể là nước mắm. Gọi nó là nước mắm không phải oan cho nước mắm mà sợ là sỉ nhục nước mắm.

Tại sao cư dân mạng và báo chí lại sục sôi như vậy? Người ta căm thù cái nước gia vị công nghiệp đóng chai ấy ư? Không! Không ai ghét cả, thậm chí nó khá bắt mắt, tiện dụng và ngon miệng nếu xét ở góc độ tiêu dùng. Người ta giãy nảy lên là vì nhác thấy một ý đồ đánh lộn trắng đen được chính cái cơ quan quản lý chất lượng “mớm” thông qua một văn bản dự thảo về quy chuẩn! Người ta lo sợ chính sách bị thao túng, bị bẻ cong bởi những lợi ích không chính thống hoành hành như nó đã từng hoành hành. Người ta lo sợ nước mắm truyền thống – một đỉnh cao ẩm thực độc đáo, một sản phẩm chứa đựng yếu tố văn hóa và thành quả được chưng cất ngàn đời của cha ông bị chiếm đoạt ngang nhiên và thô bạo. Người ta mường tượng và dự báo về một thảm họa  tuyệt chủng nước mắm bằng chính lòng tham núp bóng thị trường.

Người ta cần sự công bằng, người ta vì sự công bằng. Không ai dám đuổi và cũng không ai có quyền đuổi cái thứ nước vị mặn dóng chai ấy ra khỏi thị trưởng. Cũng không ai cấm họ dùng 1%, thậm chí là 0,01 % nước mắm để “làm hàng” cả. Chỉ là người ta đề nghị, chính xác là yêu cầu tất cả các sản phẩm đã vào thị trường thì tiết chế sự hung hăng và chơi cho đàng hoàng. Nếu “anh” ngon, anh tốt anh đẹp, anh cứ đặt tên cho nình rồi thiên hạ sẽ chọn anh và khước từ “chúng tôi”. Thậm chí lúc ấy biết đâu tôi lại phải khúm núm lấy 1% của anh để nhỏ vào sản phẩm của mình. Sao anh không đặt cho mình một cái tên cho nó chính danh mà lại cứ bíu vào cái tên cha sinh mẹ đẻ của tôi để làm gì? Để thôn tính hay để vô ơn bạc nghĩa với tôi? Anh sống ký sinh lên cơ thể tôi rồi chính anh lại hoại sinh tôi thì sao? Tóm lại, tôi không có quyền triệt hạ anh nhưng anh cũng không có quyền đó với tôi. Cuộc chơi của thị trường văn minh không là cuộc chơi của những kẻ à uôm chụp giật.

Với vốn từ vựng khổng lồ của tiếng Việt thiết nghĩ anh thừa khôn ngoan và tỉnh táo để chọn cho mình một cái tên. Có thể là nước chấm, có thể là nước mặn dinh dưỡng, có thể là nước gia vị, thậm chí anh có thể tùy hứng mà tuyên bố kiểu như “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” kệ anh. Tôi thắc mắc, tôi dữ dội là vì anh và cả những người bên trên anh cứ phải chày cối bám cho được cái tên của tôi để làm gì? Để bức tử tôi? Vụ “Nước mắm truyền thống nhiễm asen” năm ngoái đã khiến bao gia đình phải tán gia bại sản  chắc anh chưa quên chứ. Đó là đạo đức. Tôi không xỉ vả gì anh, cũng không chống đối gì anh thậm chí ủng hộ anh, tôi sẵn sàng cho anh mượn vị ngọt ngàn năm của tôi mà nâng cấp chất lượng. Miễn là anh đừng lòe tôi, đừng lòe người tiêu dùng và đừng lòe cơ quan quản lý . Tôi cũng mong sao cơ quan quản lý đừng vì anh mà lòe dân. Xét ở góc độ đạo đức thì không nên lòe, xét ở góc độ pháp luật thì không được phép lòe và xét ở góc độ năng lực thì không thể lòe. Mạo danh ngần ấy năm cũng “đủ oi” rồi đấy, trả lại tên cho tôi và hãy tự đặt tên cho mình. Nó không chỉ là văn minh mà còn là tự trọng, là danh dự. Bảo vệ sản phẩm các anh là bảo vệ cái của các anh, bảo vệ truyền thống là bảo vệ cái của chúng ta. Còn nếu như sau vụ này các anh vẫn cứ khăng khăng xưng mình là nước mắm cũng được thôi. Nhưng để người tiêu dùng dễ nhận diện đề nghị cơ quan quản lý cho gọi chúng tôi là nước mắm Truyền Thống còn gọi các anh là nước mắm… Lòe.