Con vẹt phản chủ

Ngày trước tôi nuôi một con vẹt. Đừng tưởng vẹt biết nhại theo tiếng người mà nghĩ nó thông minh, kỳ thực loài vật này hết sức bướng bỉnh và khó thuần phục. Nó sẽ không vì được ta chăm bẵm mà nhận thức chủ nhân, càng đừng nói đến việc biết nghe lời. Tôi có thói quen mỗi buổi chiều khi đi làm về đều cho nó ăn một viên đường. Có lần nhà hết đường, tôi quên mua, con vẹt chết tiệt kia liền nhân lúc tôi thay nước vào lồng mà mổ vào tay tôi một cái đau điếng. Quả thực là con vật phản chủ. Thật may ít lâu sau đó, con vẹt này tự xổ lồng bay đi mất dạng. Nếu không tôi cũng không rõ mình còn bị nó mổ thêm bao nhiêu lần nữa.

Bạn tôi lại không may mắn được như thế. Nó không nuôi vẹt nhưng có một ông anh trai ăn tàn phá hại. Nghe nói thằng cha ấy dính vào cờ bạc từ thời học phổ thông. Đến nay đã 30 tuổi, đã có một vợ và hai đứa con nhưng vẫn bệnh cũ khó bỏ. Năm nào cũng thế, cứ đến tầm 25 Tết, hắn ta lại vác mặt về báo tin vui cho cả nhà buồn. Nhẹ nhàng thì vài trăm triệu mà hôm nào cao hứng vung tay quá trán là hắn ta lại ôm cục nợ vài tỷ về xin bố mẹ tiền đi trả nợ. Của nả trong nhà cũng đã sớm đội nón ra đi theo thằng con phá gia chi tử, bố mẹ nó vốn đã về hưu nay cũng phải còng lưng kiếm việc làm để có tiền trả nợ cho con. Đến nỗi có lần bẵng đi một thời gian không thấy con trai về nhà báo nợ, bố mẹ nó nửa tin nửa ngờ, vẫn ki ki, cóp cóp tiền đề phòng “có biến”. Quả nhiên không phụ lòng mong đợi, Tết năm đó, không những khoản tiền tiết kiệm của hai ông bà già không cánh mà bay, ngay đến căn nhà mà ông bà, vợ và hai đứa con của hắn đang ở cũng phải đưa đi thế chấp ngân hàng để vay tiền gán nợ.

Trong một chiều Đông ảm đạm, bạn tôi ngồi vắt tay lên trán kể cho tôi nghe bằng giọng vô cảm rằng khoản tiền nó tích cóp bao lâu nay tính để sang năm mua nhà và đón bố mẹ lên ở cùng cho khuây khoả cũng phải đưa cho bố mẹ để trả nợ hộ thằng anh trai ăn hại kia. Vừa thương bố mẹ già rồi còn phải gánh thay con khoản nợ, vừa thương thân mình vất vả làm lụng bao lâu nay thành dã tràng xe cát. Nó mạnh miệng tuyên bố với tôi rằng sẽ từ mặt gã anh trai khốn nạn kia, từ nay hắn ta sống chết ra sao cũng không liên quan gì đến nó. Tôi tặc lưỡi không nói gì. Một con vẹt năm xưa nếu không tự bỏ đi chắc tôi cũng không nỡ đuổi. Huống chi là anh em ruột thịt.

Điều đáng buồn là, những người lợi dụng tình thương của ta, chà đạp lên công sức của ta, khiến ta buồn phiền và khổ tâm nhất lại thường là những người thân cận với ta nhất. Trách họ một, có khi nghĩ lại càng trách mình hai, ba. Nếu ta không dễ dãi nuông chiều khi họ yêu sách, tặc lưỡi cho qua khi họ quá phận, thì họ đã không quen thói ỷ lại rồi thành ra bạc bẽo vô ơn như vậy. Có phải chúng ta thường khách sáo nói cảm ơn, xin lỗi với người ngoài nhưng lại vô tư đón nhận từ người thân của mình như một lẽ hiển nhiên? Để rồi nếu có một ngày nhu cầu không được đáp ứng, ta lại cho rằng họ có lỗi với mình.

Tôi đoán không sai. Bạn tôi chán nản kể rằng anh trai nó sau khi trốn biệt tăm tích để lại món nợ mấy tỷ cho người nhà, mới đây vẫn mặt dày nhắn tin hỏi vay tiền nó và còn kèm thêm một câu “Bao giờ anh về, rảnh anh qua nhà chơi”. Kể đến đây, bạn tôi chán ghét nhổ một bãi nước bọt và thốt lên “Ai mời mà đến”. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một ngày thằng cha ấy vác mặt đến thật, bạn tôi khó mà mở miệng nói ra được câu thả chó đuổi khách.

Suy cho cùng, vẫn là máu mủ tình thân, sinh ra đã vướng vào thân, không được chọn lựa mà cũng khó buông bỏ. Nghĩ lại thấy mình cũng thật may mắn, cùng lắm chỉ nuôi nhầm con vẹt mà thôi.