Làng hai thứ tiếng

Người Tày với tập quán canh tác là trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên thường chọn những vùng thung lũng, bằng phẳng và gần sông, suối để lập làng. Ngôi làng ấy đã có hàng trăm năm, với nhiều thế hệ người Tày đã sinh sống. Và vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, làng đã lặng lẽ đón nhận thêm hàng trăm hộ gia đình người Kinh ở Nam Định, Thái Bình lên khai hoang, lập nghiệp. Người Kinh lên đấy thì không đủ ruộng để trồng lúa, nhưng cũng tạm đủ vườn, bãi để chăn nuôi, trồng hoa màu, và dựa vào rừng, vào sông làm nguồn sống.

Điều kỳ lạ là chúng tôi đã hòa mình vào đời sống của người bản địa, từng chút, từng chút một, năm này qua tháng khác, vài thập kỷ đã trôi qua, làng ngày một đông lên, nhưng chưa bao giờ có xô xát, mâu thuẫn giữa những gia đình người Tày với người Kinh. Mấy chục năm sống ở làng, tôi nhận thấy từng chút một sự dịch chuyển trong phong tục, tập quán, lối sống, sinh hoạt của hai bên. Người Kinh ở Nam Định, Thái Bình lên, thường dùng cuốc để làm cỏ, nhưng thấy người Tày dùng một thứ dụng cụ mà họ gọi là quà, tức cái cuốc bướm, mà nó hiệu quả hơn rất nhiều, thì cũng chuyển sang dùng thử. Thấy họ dùng dao quắm để phát nương rất nhanh, gọn gàng, thì cũng dùng dao quắm. Người Tày vốn ăn Tết Rằm tháng Bảy to lắm, to nhất trong năm, còn người Kinh năm nào cũng linh đình Tết Nguyên đán. Thế là từ lúc nào đó, làng có hai cái Tết. Người Kinh ăn chung Tết Rằm tháng Bảy, người Tày ăn chung Tết Nguyên đán. Bánh trái bên này mang tặng bên kia ăn thử, bên kia lại sang bên này gói hộ, luộc hộ.

Trong cái chuỗi năm tháng kỳ lạ của đời người ấy, có rất nhiều điều người ta không thể lường trước được. Như là bố mẹ tôi, cũng như nhiều ông, bà khác, đã từng nghĩ rằng sau này chết thì sẽ về tận Nam Định, Thái Bình mà nằm cạnh tổ tiên. Nhưng rồi ở mãi trong ngôi làng ấy, sinh con đẻ cái, dâu, rể, cháu chắt đông đàn dài lũ, lại tự dưng nhận ra đấy mới là mảnh đất mà mình vừa biết ơn, vừa mang nợ. Và tận đáy lòng là một niềm biết ơn sâu sắc tới những người dân bản địa, đã lặng lẽ cưu mang, chia sẻ, mở rộng tấm lòng để dung chứa tất cả những ồn ào khác biệt, cả những phiền toái phức tạp.

Sau này, dù có đi đâu thật xa, mỗi khi ngoái lại trong tôi vẫn đầy mến thương ngôi làng ấy, nhà sàn nằm xen lẫn với nhà mái ngói, tiếng Tày lẫn với tiếng Kinh, và những buổi chiều tắt nắng trai, gái rộn rã náo nhiệt trêu đùa nhau bằng cả hai thứ tiếng trên dòng suối nhỏ giữa làng…

Kỹ thuật: Chôm Chôm