Không quay lưng trước cái xấu!

“Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt” – Martin Luther King, Giải Nobel Hòa bình năm 1964.

Vâng, tôi đã nhớ đến câu nói trên của Martin Luther King, ngay sau khi đọc, nghe, xem, rồi biết có một bộ phận cán bộ trường học, giáo viên đang bị bôi nhọ, khủng bố bởi người của một tổ chức tài chính, dù họ chẳng hề dính líu, hay có liên quan.

Nhớ đến câu nói trên của Martin Luther King, bởi những gì xảy đến với họ thật đáng sợ. Làm sao không sợ được, khi họ – các cán bộ quản lý nhà trường, những giáo viên vốn chỉ biết đến cây bút, viên phấn, trang giáo án để trao truyền kiến thức cho các thế hệ học trò – thường xuyên phải nhận điện thoại của những người lạ gọi đến lăng mạ chửi bới, đe dọa mạng sống của bản thân và những người thân. Hay cứ mỗi lần mở tài khoản facebook cá nhân, lại thấy ảnh chân dung mình bị cắt ghép, đính kèm những bài viết có nội dung lăng mạ, và những dòng bình luận bỉ bôi đủ thứ xấu xa…

Một vị hiệu trưởng và con của mình bị bôi nhọ trên Facebook dù bản thân không hề vay nợ. Ảnh: T.H
Một vị hiệu trưởng và con của mình bị bôi nhọ trên Facebook dù bản thân không hề vay nợ. Ảnh: T.H

Như thầy Nguyễn Trọng Giáp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Thành 2 đã nói: “Họ liên tục gọi điện quấy rầy, đe dọa. Họ gọi mỗi ngày mấy cuộc, bất kể giờ giấc, với nhiều số điện thoại khác nhau. Cứ nghe máy là quát nạt, đe dọa với những từ ngữ tục tĩu”. Hay trao đổi của cô Ngô Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đăng Lưu: “Hầu như ngày nào cũng nhận 4 đến 5 cuộc điện thoại đòi nợ, dù đang là giờ nghỉ trưa. Cứ nhấc máy là họ quát nạt, chửi bới. Nói hiệu trưởng mà thế này, thế nọ. Tôi rất sốc”… Ngay đến cả người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh, là Đại biểu Quốc hội, GS-TS Thái Văn Thành cũng không tránh được phiền phức. Ông bộc bạch: “Đây không phải là trường hợp duy nhất, tôi cũng bị rất nhiều lần rồi. Họ hết điện thoại, nhá máy rồi nhắn tin, gửi email…, rất phiền phức. Tôi cũng đã trình báo lên cơ quan công an”.

Nhớ đến câu nói của Martin Luther King, bởi biết sự việc đáng sợ này không chỉ mới diễn ra một vài ngày. Sự thật đáng sợ này, đã không chỉ có nhiều cán bộ, giáo viên lên tiếng trên báo chí. Mà ngay như Sở GD&ĐT, vì những sự việc tương tự liên quan xảy đến với cán bộ, giáo viên, từ đầu tháng 1/2022 đã tham vấn cơ quan thực thi pháp luật, ban hành Văn bản số 159/SGD&ĐT-CTTT gửi đến các Phòng Giáo dục và các trường học trên địa bàn. Ở văn bản này, Sở GD&ĐT cảnh báo về những “ma trận” do các tổ chức tín dụng đen dăng ra cùng các “chiêu trò” cho vay tiền qua mạng xã hội, để cán bộ, giáo viên biết, tránh không trở thành nạn nhân. Đồng thời còn hướng dẫn cán bộ giáo viên có “ứng xử” phù hợp: “Trong trường hợp bị các đối tượng cho vay nặng lãi ghép ảnh, bôi nhọ, vu khống lên mạng xã hội, hộp thư điện tử…, yêu cầu thanh toán khoản nợ mình không hề vay, hoặc ép buộc chuyển tiền… kịp thời thông báo cho bạn bè, người thân biết, đồng thời báo cáo cơ quan, đơn vị và làm đơn trình báo đến cơ quan công an…”.

Cũng chính vì sự việc diễn ra không mới chỉ một vài ngày, khiến tôi thêm nghiền ngẫm câu nói của Martin Luther King, cảm thấy ngành Giáo dục và những cán bộ, giáo viên bị xâm hại, vẫn còn đang đơn độc?

Nhưng tôi tin sẽ không tái diễn mãi tình trạng này!

Văn bản trình báo công an của một trường học ở Nam Đàn. Ảnh: T.H
Văn bản trình báo công an của một trường học ở Nam Đàn. Ảnh: T.H

Chẳng thể có chuyện, vì chồng (hoặc vợ) của một giáo viên vay nợ, chậm trả nợ thì đối tượng cho vay có quyền dùng chiêu trò trấn áp, đe dọa, vu khống hàng chục đồng nghiệp, Ban Giám hiệu nhà trường để gây sức ép đòi nợ. Chẳng thể có chuyện, vì một giáo viên vay nợ, chậm trả nợ thì thì đối tượng cho vay có quyền dùng chiêu trò gây sức ép, vu khống, đe dọa cán bộ lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục, Sở GD&ĐT.

Điều 155, 156 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã quy định rất rõ về tội làm nhục người khác và tội vu khống. Những hành vi vu khống, bôi nhọ, làm nhục, đe dọa cán bộ, giáo viên, hay bất kỳ cá nhân nào trong xã hội (đã có thông tin nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở các lĩnh vực khác cũng trong tình trạng này), thì dù là do đối tượng, tổ chức nào thực hiện, cũng vi phạm pháp luật.

Có thể hôm nay, chúng còn tồn tại. Nhưng đã vi phạm pháp luật, thì là cái xấu, cái ác, sớm hay muộn xã hội cũng sẽ lên án. Để chúng phải bị pháp luật nghiêm trị, để phải bị loại trừ!