Tháng Chạp

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là tâm trạng ai nấy đều bồn chồn khó tả. Việc kết thúc một năm trong văn hóa phương Đông khác với phương Tây chính là ở những tâm trạng thế này. Trong khi cả thế giới đã bước sang năm 2021, đón Giáng sinh, đón năm mới tưng bừng từ lâu rồi, thì người Việt vẫn cắm cúi làm lụng, gắng gỏi cho xong việc. Việc lớn, việc bé gì cũng dồn sạch vào tháng Chạp. Cứ là phải xong trước Tết Nguyên đán mới yên tâm mà… đón Xuân. Cái tâm trạng này, xem ra nó rất là bất thường so với thế giới. Nhưng nó lại là lẽ thường với người Việt. Tại sao không dàn công việc ra cả năm mà làm, tại sao không lo mua bán, sắm sanh sớm hẳn lên cho đỡ cập rập, mà lại cứ dồn hết cả vào tháng Chạp? Là vì không ai đi lo sắm sanh, sửa sang, trang trí nhà cửa, hay dành dụm món nọ, món kia nếu không phải là Tết đã rầm rập kéo đến nơi rồi. Và cuối cùng thì, người ta chờ mỏi mòn một cái Tết, rốt cuộc chính là để được đoàn tụ. Phải rồi, chính là để được đoàn tụ mà thôi. Tết Dương lịch hay bất kỳ ngày lễ nào trong năm được nghỉ việc, về quê cũng được mà bận không về cũng không sao. Nhưng đã là Tết Nguyên đán thì giàu nghèo, sang hèn gì cũng nhất nhất phải về. Sẽ thật là buồn cho những ai không có quê để mà về.

Thế nên, tháng Chạp là tháng quan trọng nhất trong năm. Nó dồn cảm xúc của người ta lên đến đỉnh điểm. Nó khiến cho ai ai cũng cảm thấy phải đi nhanh hơn, làm nhiều hơn, gấp gáp vội vã hơn. Tôi nhớ mẹ tôi hay có câu: Để dành đến Tết. Cái gì ngon cũng để dành, phần cho con cháu về. Cho dù là thời nay thì có ai, ở đâu lại thiếu thốn món nọ, món kia đâu. Nhưng cứ thích để dành. Rồi ở quê, có mấy con gà cũng chăm chút cho mượt óng ra. Hoặc dăm ba nhà chung nhau mổ một con lợn để gói bánh chưng thì cũng ra sức mà vỗ cho béo mầm, hồng hào ụt ịt trong cái tháng Chạp này. Còn mỗi tháng này để mà chuẩn bị thôi. Mà chuẩn bị thế, náo nức thế, rốt cuộc cũng chỉ có nhõn 3 ngày Tết thôi chứ dông dài gì đâu.

Hóa ra là cái tâm thế chuẩn bị mới là tâm thế gây xốn xang nhất trong con người ta.

Phố xá những ngày tháng Chạp tự dưng đông đúc. Kỳ lạ chưa! Quanh đi, quẩn lại thì cũng chỉ có bằng ấy người thôi, mà không hiểu sao từ nông thôn ra thành phố tự dưng lại đông nghìn nghịt ra. Ai ai cũng kêu đường đông quá, nhưng lại vẫn cứ nhao ra đường cho đông hơn.

Tháng Chạp, dù có nhộn nhạo tất bật, thì cứ nghĩ mà xem, nếu không có nó, bao nhiêu người Việt chúng ta sẽ có gì để mà đi đến Tết.

Ảnh minh họa: Hải Vương – Thương Vang – Internet

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Mai Trung Dũng

    Cảm ơn tác giả đã nói lên được tâm trạng của nhiều người.