KHÁ BUỒN VÌ KHÁ BẢNH
Khá Bảnh bị bắt là tin tức nổi bật nhất tuần qua.
Lại nói thêm về Khá Bảnh, trước tiên phải khẳng định đây là một hiện tượng đột biến của mạng xã hội và cũng là một case study thú vị khiến nhiều anh em trong ngành truyền thông phải dở khóc dở cười. Khá là một “người trong giang hồ”, không ai biết chính xác Khá làm gì nhưng đều mặc định một điều: Nhân vật này hiển nhiên có liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp. Ngược đời ở chỗ, nhiều khán giả lại bày tỏ thái độ đồng tình với Khá Bảnh, lấy nhân vật này ra làm chuẩn mực về cách sống mà Khá Bảnh định nghĩa là “Sống có tình nghĩa”. Khá Bảnh là hình tượng tốt hay xấu, điều này còn gây tranh cãi nhưng không thể phủ nhận một điều: Khá Bảnh cực kỳ thành công trong việc xây dựng hình tượng, thể hiện qua kênh Youtube đạt hơn 1 triệu lượt theo dõi, cao hơn cả những nghệ sỹ hoạt động lâu năm. Sự “trỗi dậy” của Khá Bảnh, sau đó là nhiều nhân vật giang hồ khác như Phú Lê, Huấn Hoa Hồng,… khiến nhiều người phải thốt lên: Giang hồ nước ngoài thì chém giết nhau tranh giành địa phận, giang hồ Việt Nam thì đấu võ mồm tranh giành nút vàng Youtube.
Thấy gì qua hiện tượng Khá Bảnh? Tôi nghĩ đó là biểu hiện của khủng hoảng niềm tin trong xã hội hiện nay. Hay chính xác hơn và trung lập hơn, hãy gọi đó là cuộc cách mạng của ý thức hệ. Nếu như thế hệ bố mẹ chúng ta, những người sinh ra trong khoảng 1 thập kỷ sau khi đất nước giành độc lập trở về trước định nghĩa thành công trong xã hội bằng trình độ học vấn thì thế hệ từ nửa sau 8x trở đi lại có quan điểm hoàn toàn khác. Nhiều nghề nghiệp mới sinh ra từ sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ. Nhiều nghề nghiệp cũ dần lụi tàn đi. Cuộc cách mạng đó khiến sự nhìn nhận của xã hội cũng thay đổi. Ngày xưa là cầm đồ thu họ, ngày nay là dịch vụ hỗ trợ tư vấn tài chính cá nhân, ngày xưa là thất nghiệp, ngày nay là freelancer… Sự thay đổi không chỉ dừng ở cái tên mà ở cả cách xã hội nhìn nhận và đánh giá.
Những nghề nghiệp như bác sỹ, kỹ sư, giáo viên,… không phải không còn được xem trọng trong xã hội ngày nay, nhưng rõ ràng sức nặng của chúng đã giảm sút đáng kể. Nhiều vụ việc gây bức xúc liên quan đến những nghề nghiệp này, thậm chí vị thế xã hội của những nghề nghiệp này bị lợi dụng để làm việc xấu, khiến cộng đồng mất niềm tin với những người vốn dĩ từng được xã hội trọng vọng. Trong bối cảnh đó, sự hụt hẫng do niềm tin bị đánh mất đòi hỏi được lấp đầy, từ đó sinh ra những nhân vật như Khá Bảnh. Tôi tin rằng những người hâm mộ Khá Bảnh chắc chắn phải nhìn thấy ở Khá giá trị gì đó, điều gì đó mà họ không thể tìm thấy ở ai khác. Đó phải là những giá trị tích cực trên một khía cạnh nhất định dù ít dù nhiều.
Khá không hẳn là xấu. Nhưng việc cộng đồng tôn vinh, ngưỡng mộ và làm theo Khá thì tôi thấy thật sự đáng ngại. Chẳng lẽ xã hội của chúng ta đã suy đồi đến mức thế hệ trẻ bây giờ không còn ai hơn Khá để mà thần tượng? Nếu 100 năm sau con cháu chúng ta nhìn lại lịch sử, liệu chúng sẽ nghĩ gì khi mà di sản nổi bật nhất thế hệ chúng ta để lại là điệu múa quạt và kiểu tóc như… của một tay giang hồ?