Anh Q có thời gian “cặp kè” với một bạn nữ đồng nghiệp. Như bao câu chuyện ngoại tình kinh điển khác, một ngày đẹp trời chính thất phu nhân phát hiện ra sự tồn tại của nàng nhân tình bé nhỏ. Thế là chẳng những tung hê hết lên mạng, cô vợ còn chi tiền thuê viết bài và chạy quảng cáo trên các trang tin, fanpage hóng hớt thị phi, khiến cặp đôi “trồng sừng” chỉ sau một đêm đã nổi lềnh phềnh hơn cả bao năm phấn đấu xây dựng thương hiệu hot girl của cô nhân tình. Cô vợ tuyên bố đang làm thủ tục ly hôn và đăng tin rao bán nhà để đường ai nấy đi, giải thoát cho nhau khỏi cuộc hôn nhân mà người chồng mô tả trong các tin nhắn vụng trộm với nhân tình là “bế tắc”.
Thế rồi đùng một cái, lại thấy hai vợ chồng đăng ảnh đi du lịch tình cảm thắm thiết như chưa hề có cuộc chia ly (có lẽ mấy cơn bão chưa kịp vào bờ đã tan cũng phải chào thua tốc độ “quay xe” của họ). Mấy người “lỡ” có buông lời mắng nhiếc ông chồng và ủng hộ ly hôn đâm ra chưng hửng và khó xử. Buồn cười ở chỗ, sau này mỗi lần cô vợ đăng status nói bóng, nói gió nhắc lại chuyện cũ, chẳng ai dám vào ý kiến ý cò gì vì sợ vạ mồm. Thế là chỉ có hai vợ chồng kẻ tung người hứng, vợ thì chì chiết trách móc còn chồng thì dỗ dành thề thốt tình cảm thắm thiết đến nỗi tưởng như sắp đẻ thêm đứa nữa đến nơi.
Nhưng đấy chỉ là những gì họ trưng ra trên facebook thôi, chứ ở trong chăn mới biết chăn có rận. Cuối cùng hai người họ quả thực không ly hôn, anh kia cũng chấm dứt hoàn toàn với cô bồ để về với vợ con nhưng tình cảm vợ chồng có được như trước nữa hay không rõ ràng là một câu hỏi vô nghĩa.
Anh Q nói trên chính là một người bạn của tôi. Bạn bình thường thôi nên tôi cũng chẳng lên tiếng bảo vệ hay chỉ trích gì anh ta khi câu chuyện rùm beng trên mạng xã hội. Dĩ nhiên tôi không cho hành động ngoại tình của anh ta là đúng, cũng chẳng đồng tình với cách làm của vợ anh ta, dù rằng sự thông cảm ít nhiều vẫn có vì dù chị ta vẫn là người bị phản bội. Có lẽ người phụ nữ ấy quá yếu đuối để đành lòng buông bỏ một người đàn ông tồi nhưng đã trở nên quen thuộc, buông bỏ một cuộc hôn nhân sứt mẻ và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà đã từng là mái ấm hạnh phúc của mình. Nhưng suy cho cùng, biết đâu ở tận cùng của sự yếu đuối ấy là sự mạnh mẽ để bỏ ngoài tai dư luận và bất chấp tôn nghiêm của bản thân mà giữ gìn một gia đình “bình thường” cho hai đứa con thơ.
Tôi biết nhiều người cũng lựa chọn giống anh Q và vợ anh, nhưng cũng có nhiều người lựa chọn quay lưng với quá khứ tổn thương để rẽ sang những lối đi tìm hạnh phúc mới. Một mối quan hệ khác mà họ tìm thấy ở đó nhiều hơn sự đồng điệu. Một cuộc hôn nhân khác đem đến cho họ cảm giác an toàn hơn. Hoặc một cuộc sống tự do không còn trói buộc với vô số trách nhiệm và những nỗi lo cần san sẻ với người đồng hành. Càng ngày, người ta càng bớt đặt nặng lý do hy sinh vì con cái mà níu kéo cuộc hôn nhân tan vỡ. Đó cũng là một quan điểm đáng để suy nghĩ và vẫn gây nhiều tranh cãi. Liệu bọn trẻ sẽ hạnh phúc hơn khi bố mẹ chúng đằng thằng đường ai nấy đi nếu không còn yêu hay khi sống trong một thứ hạnh phúc giả tưởng và mong manh có thể biến mất bất cứ lúc nào như bong bóng xà phòng?
Và đó có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất giữa hôn nhân và tình yêu. Trong tình yêu, hạnh phúc hay khổ đau chỉ là chuyện của hai người. Còn hôn nhân bản thân nó vốn đã là một hệ sinh thái nơi người ta có thể cộng sinh cũng có thể huỷ diệt nhau, nơi niềm vui và nỗi buồn đâu chỉ là vật sở hữu của riêng ta mà là tài sản chung của những đứa con và những mối quan hệ xung quanh. Chính sự mâu thuẫn chồng chéo đó làm nên tính người của giống loài chúng ta: Một sinh vật ích kỷ suốt đời đi tìm nơi chốn mình thuộc về.