Hậu chiến thắng: Bão xe và bão rác

Sáng ngày 7/12 trên mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh, những đoạn video “đi bão”.  Hoạt động “đi bão” không phải là hoạt động tự phát mới xảy ra. Báo chí đã từng đưa tin về những cơn bão giao thông ở nhiều tỉnh thành sau những chiến thắng trước đây của đội tuyển bóng đá Việt Nam, nhưng chưa bao giờ hoạt động đó có xu cơ trở thành “mốt” hoặc “phong trào” như ở giải bóng đá AFF Cup này. Mạng xã hội Facebook ghi nhận việc “đi bão” diễn ra ở không chỉ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà ở rất nhiều tỉnh thành trên cả nước, với số lượng hàng nghìn người cùng nhiều phương tiện xe máy, thậm chí cả ô tô. Hoạt động đi bão không chỉ diễn ra một thời gian ngắn sau trận đấu, mà kéo dài thậm chí tới 1 hoặc 2 giờ sáng. Với tâm trạng phấn khích, thậm chí sau khi đã sử dụng rượu bia trong lúc tập trung nhau lại xem trận đấu, không phải ai cũng có thể làm chủ tay lái của mình khi đi bão. Hậu quả là hàng loạt những vụ va chạm giao thông đã xảy ra. Chưa có thống kê cụ thể về các vụ tai nạn liên quan đến hoạt động “đi bão” của cổ động viên sau sự kiện này, tuy nhiên sáng ngày 7/12 ông Uông Việt Dũng,  đại diện của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết lượng tham gia giao thông tăng đột biến và sự cố giao thông trong đêm 6/12 tăng lên. Cụ thể, đã có 78 vụ vi phạm giao thông liên quan đến hoạt động “đi bão” bị xử lý. Đáng chú ý là vụ tai nạn xảy ra khi 2 xe máy “đi bão” với tốc độ cao đâm nhau trực diện trên cầu Chương Dương (Hà Nội) lúc 23 giờ ngày 6/12 khiến những người trên cả 2 xe đều bị thương, trong đó có người bị thương nặng.

Ai cũng có quyền thể hiện cảm xúc của bản thân theo cách mình muốn, và việc thể hiện niềm tự hào, sự quan tâm, ủng hộ, tinh thần cổ vũ đối với đội bóng nước nhà là điều tích cực miễn sao các cách thể hiện những cảm xúc đó lành mạnh, không gây hại cho bản thân, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, đến cộng đồng. Đặt mình vào vị trí của những người mẹ, người vợ, có con, có chồng bị tai nạn trong các cuộc đi bão chúng ta sẽ hiểu được cảm giác bất tán thành,thậm chí phẫn nộ trước hoạt động “đi bão” gây hậu quả đáng tiếc sau một sự kiện lẽ ra chỉ mang lại niềm vui.

Nhắc đến những chuyện không vui sau chiến thắng của đội bóng Việt Nam tối 6/12 ,tôi cũng muốn nói đến những hình ảnh khu vực quanh sân Mỹ Đình ngập rác được chia sẻ nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Một “bãi rác” lớn đã hình thành tại khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình đã mọc lên chỉ sau một đêm với đủ các loại rác thải sinh hoạt từ các vỏ cốc dùng một lần, giấy gói thực phẩm, ống hút, túi lynon, đến đồ ăn thừa…Không thể tin nổi cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu và mất vệ sinh, thiếu văn hóa này lại xuất hiện tại một sân vận động quốc gia, giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, sau một sự kiện thể thao tầm khu vực. Ai đã tạo ra cảnh tượng khó coi, đáng buồn này? Tất nhiên, khi trách những người xả rác, chúng ta không thể không xét đến trách nhiệm của các nhà quản lý khi cho phép hoạt động kinh doanh ăn uống mọc như nấm ở khu vực này, mà không kèm theo cách quy định vệ giữ vệ sinh và mỹ quan đô thị, hoặc tối thiểu là đặt các thùng rác dễ tiếp cận. Nếu như việc “đi bão” ít nhiều có thể thông cảm được dựa trên sự tôn trọng quyền thể hiện cảm xúc của mỗi người, thì cảnh rác rưởi ngập ngụa ở những nơi diễn ra hoạt động xem và cổ vũ bóng đá thật khó có thể biện hộ được bởi nó thể hiện ý thức kém và thói quen xấu của số đông. Sau chiến thắng trong lĩnh vực thể thao, người Việt Nam chúng ta buộc phải nhìn vào sự thất bại của văn hóa. Còn lâu người Việt Nam chúng ta mới chạm tới bậc thềm của văn minh nếu như, là những người ở tuổi trưởng thành, chúng ta chưa học vỡ lòng bài học vứt rác đúng chỗ.