Những ngày này học sinh, sinh viên cả nước vẫn đang trong đợt “nghỉ Tết kéo dài” và nếu không xảy ra thêm biến cố nào nữa học sinh chỉ có thể trở lại trường từ đầu tháng 3. Nguyên nhân nghỉ học thì tất cả đã rõ, do dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra. Tuy nhiên, câu chuyện học sinh nghỉ học cũng tạo ra vô số cuộc “bút chiến”, “khẩu chiến”, “tâm thư chiến” của các bậc phụ huynh cũng như cư dân mạng xã hội.
Khi các cơ quan thông tin đại chúng bắt đầu thông tin về một loại dịch bệnh lan nhanh, lây từ người sang người và gây tử vong cho nhiều người tại Trung Quốc, người dân trong nước bắt đầu chú ý, tuy nhiên nhiều người vẫn cho rằng là chuyện tận đẩu tận đâu, chẳng dễ gì tác động đến mình. Bởi thế, mọi người vẫn đón một cái Tết Canh Tý vui vẻ, vẫn du Xuân cùng với gia đình và bạn bè.
Đến khi thông tin về dịch bệnh do virus Corona trở nên đầy đủ hơn và cực kỳ đáng sợ, mọi người mới nháo nhào lo lắng. Cùng lúc, ở trong nước ghi nhận các trường hợp lây nhiễm virus Corona thì tâm lý người dân trở nên bấn loạn. Loạn từ cái khẩu trang đến chai nước rửa tay, loạn từ đón tiếp vị khách nước ngoài đến hành vi ứng xử với những người bạn trong nước. Nhưng hoảng hốt nhất có lẽ vẫn là các bậc phụ huynh. Mọi người lên báo, đăng đàn trên mạng xã hội kêu gọi ngành Giáo dục cho học sinh nghỉ học, nghỉ ngay và luôn. Nhiều gia đình có con nhỏ đã chủ động cho nghỉ khi chưa có động thái nào của trường, lớp. Trên báo chí và kênh thông tin đại chúng, những từ khóa “hot” nhất vẫn là: virus Corona, nCoV, Covid-19, Vũ Hán, người chết… Người ta không kêu gọi nữa mà là kêu gào để học sinh được nghỉ học.
Ở chiều hướng ngược lại, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, “sao lại phải xoắn”, việc học sinh nghỉ học sẽ kéo theo bao nhiêu hệ lụy: gia đình phải bố trí người trông coi, không phụ huynh nào còn có tâm trí làm việc, đời sống kinh tế sẽ sụt giảm, chất lượng giáo dục sẽ bị tác động, học sinh ở nhà chắc gì đã an toàn…
Trước tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh, lần lượt các trường đại học rồi trung học phổ thông cho học sinh nghỉ học. Những tỉnh, thành phố nào mà học sinh chưa được cho nghỉ thì thể nào trên mạng xã hội cũng đầy rẫy những trách móc, quy kết, phản ứng thái quá của phụ huynh học sinh. Khi học sinh đã được cho nghỉ, phụ huynh ngay tắp lự khẳng định, các trường đã rất đúng đắn, rất kịp thời. Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng, nhà trường đã “đẩy quả bóng trách nhiệm” cho phụ huynh trong công tác phòng dịch bệnh…
Việc cho nghỉ học hoặc kéo dài kỳ nghỉ đối với học sinh, sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như ngành Giáo dục các tỉnh, thành phố căn cứ vào diễn biến của dịch bệnh, theo sự định hướng, chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan và của Chính phủ. Tuy nhiên, những phản ứng trái chiều của phụ huynh đã gây ra không ít khó khăn đối với công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Trong khi những băn khoăn, lo lắng, hoang mang của phụ huynh phần lớn đều bắt nguồn từ sự cảm tính, tâm lý đám đông và cả sự thiếu kiến thức. Kể cả khi học sinh đã được cho nghỉ, thì người ta lại cũng lên mạng kêu ca: Nào là nghỉ dài ngày quá ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, con cái thi cử đến nơi rồi không đến trường biết làm sao!
Nói chuyện này lại nhớ đến Luật An ninh mạng. Trước khi dự luật được Quốc hội thông qua đã có rất ý kiến người phản đối, thậm chí nhiều đối tượng cố tình tạo ra một làn sóng phản ứng dữ dội nhằm đánh lừa dư luận và mục đích gạt Luật An ninh mạng ra khỏi đời sống. Trong khi đó, việc ban hành bộ luật này nhằm đảm bảo tính pháp lý, công khai, minh bạch đối với hoạt động của tất công dân trên diễn đàn mạng xã hội. Luật còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người trong đời sống xã hội. Và đến khi Luật An ninh mạng được thông qua, có hiệu lực thi hành đã không còn ai có thêm điều tiếng gì nữa. Nhiều đối tượng từng ra mặt phản đối bộ luật này, từng công khai kêu gọi người khác “hợp sức” với mình để chống dự luật thì nay trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật trên mạng xã hội và tìm kiếm sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi Luật An ninh mạng.
Qua câu chuyện này, kinh nghiệm rút ra là, ý kiến của người dân luôn là kênh thông tin quan trọng cần được nghiên cứu, xem xét kỹ, nhưng mỗi chủ trương, chính sách được thực thi không phải để làm đẹp lòng tất cả mọi người. Chính vì vậy, trước diễn biến khó lường của Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh, thành phố và ngành Giáo dục các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn và sự chỉ đạo của Chính phủ để quyết định việc trở lại trường của học sinh. Sự an toàn của học sinh là trên hết, các bậc phụ huynh hãy để cho những người có trách nhiệm, có chuyên môn làm việc. Việc tốt nhất phụ huynh nên làm lúc này là tìm hiểu để bảo vệ sức khoẻ của mình và gia đình một cách an toàn.