Ngày 13/10 tại Vĩnh Long đã xảy ra một tai nạn thương tâm: 6 học sinh thuộc một trường học ở huyện Châu Thành bị dây điện trước cổng trường rơi xuống khiến các em bị điện giật, 2 em tử vong. Nhiều người chia sẻ tin đó trên trang cá nhân của mình với những dòng thể hiện sự xót thương. Không xót thương sao được khi chúng ta cũng là con người, và nhiều người trong chúng ta là những bậc cha mẹ đang có con ở tuổi đến trường phải đối mặt với đủ mọi rủi ro!
Trong khi xót thương trước những tai nạn thương tâm như vậy, có mấy người trong chúng ta tự hỏi, tại sao những tai nạn như thế lại xảy ra thường xuyên ở nước mình? Chúng ta cứ đổ mọi nguyên nhân cho các hiện tượng tự nhiên như mưa giông, sấm sét, và hồn nhiên sống cho tới khi những tai nạn vừa thương tâm vừa “lãng xẹt” như vậy ập xuống đầu mình?
Có bao nhiêu người tự hỏi, liệu mình có vô can, khi những vụ tai nạn như thế xảy ra với đồng loại? Phải chăng chúng ta đã có thói quen thỏa hiệp và tặc lưỡi trước sự lộn xộn, vô trách nhiệm ở xung quanh mình? Hàng ngày chúng ta tận mắt nhìn thấy nguy cơ dẫn đến những tai nạn thương tâm ấy. Chúng ta nhìn thấy những công trường xây dựng với những giàn giáo được bắc cẩu thả, lỏng lẻo ngay phía trên đường dân sinh nườm nượp người qua, những chiếc cần cẩu cẩu chuyển động trên cao, có thể làm rơi những vật nặng vào bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Trước những cảnh ấy, chúng ta thậm chí đã rùng mình khi nghĩ tới khả năng xấu nhất, nhưng rồi khi chúng ta đi qua chúng, ra tới vùng an toàn, chúng ta thở phào vì chẳng có chuyện gì xảy ra với ta cả. Chúng ta quá bận rộn, quá thờ ơ, quá vô cảm để nghĩ xem những người tiếp theo đi qua chỗ đó liệu có ai phải hứng rủi ro hay không. Sự bận tâm của chúng ta, nếu có, không đủ lớn để thúc đẩy chúng ta báo cho nhà chức trách, hoặc chí ít nên tiếng yêu cầu một sự cảnh báo cần thiết về độ rủi ro. Cũng theo cách ấy, hàng ngày chúng ta tham gia giao thông cùng với những xe công-ten-nơ được ví như “sát thủ” đường bộ, với những người chuyên chở vật liệu cồng kềnh, thậm chí chở cả một thanh sắt có chiều dài bằng cả chiều dài lòng đường trên một chiếc xe máy cà tàng. Có quyền hay không có quyền can thiệp, chúng ta cũng tặc lưỡi, “nó không đâm vào mình là phúc rồi!” . Và đường ai người nấy đi, đi mà không nghĩ cần phải có một biện pháp khẩn cấp để chấm dứt tình trạng đó, hoặc cần phải gọi điện cho cảnh sát giao thông ngay tức thì để họ có thể loại bỏ nguy cơ gây tai nạn một cách sớm nhất có thể.
Không, chúng ta không có thói quen làm điều đó. Bao nhiêu người chúng ta đã đi qua một cái miệng cống hở hoác, nghĩ đến nguy cơ ai đó sẽ bị nước cuốn xuống cái miệng cống ấy trong một trận mưa lớn? Chuyện cái nắp cống hở được coi là chuyện vặt, chẳng phải của ai cả, thế nên năm nào ở nước ta cũng xảy ra những cái chết thương tâm không thể nào tưởng tượng nổi: chết do bị nước cuốn xuống cống!
Trước khi cái dây điện ở trước cổng trường học ở Vĩnh Long bị đứt, rơi trúng người 6 em học sinh vô tội, liệu có ai tự hỏi những búi dây điện tồn tại ở ngay phía trên một cổng trường học nơi mật độ người ra vào rất đông liệu có hợp lý không? Đã ai nghĩ đến việc báo cho cơ quan chức năng hoặc khăng khăng yêu cầu cơ quan điện lực có sự kiểm tra thường xuyên để loại bỏ nguy cơ xảy ra tai nạn, đảm bảo sự an toàn cho các em học sinh của trường học ấy cũng như những người khác?
Nhìn ra xung quanh mình với vô số những hiểm nguy tiềm ẩn từ cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể nhận ra chính mình đã trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô ý thức biết bao khi đã góp phần tạo nên các thực trạng đáng báo động như giao thông lộn xộn, thực phẩm bẩn tràn lan, tình trạng ô nhiễm sông hồ nghiêm trọng, việc sử dụng thuốc diệt cỏ như một tập quán canh tác… hoặc đã nhắm mắt bỏ qua, thay vì đồng lòng tạo ra một sự thay đổi từ ý thức của số đông thông qua giáo dục hoặc sự can thiệp của luật pháp.
2 năm trước tại bãi biển An Bàng, Hội An, tôi đã được một thanh niên trẻ “dạy” cho một bài học đáng nhớ về ý thức xã hội, ý thức cộng đồng. Đó là một buổi chiều ngột ngạt, dù là ở bên bờ biển. Trên một bãi hóng gió đã bị biến thành chuỗi nhà hàng phục vụ đồ giải khát, một người đàn ông đứng tuổi (có lẽ là người địa phương) điềm nhiên ngồi phía đầu gió hút thuốc. Ông ta đang nhả khói đầy vẻ khoan khoái thì một thanh niên trẻ bước tới, nói với ông ta bằng giọng hòa nhã nhưng đầy sức mạnh: “Chú không thể ngồi ở đầu gió hút thuốc như thế này. Chú nhìn xem bao nhiêu người, cả trẻ con người già, sẽ phải ngửi khói thuốc của chú!” Người đàn ông đang hút thuốc ngừng lại, ngơ ngác vài giây, rồi như cảm thấy ngượng, ông rụi điếu thuốc xuống cát và đứng dậy bỏ đi chỗ khác. Là người quan sát và cũng là người hưởng lợi, tôi cảm phục người thanh niên ấy và thấy ngượng cho bản thân mình. Sau trải nghiệm đó tôi đã vài lần có đủ dũng cảm để thực hành bài học mà người thanh niên ấy đã dạy tôi trên bãi biển, bởi tôi nghĩ chúng ta góp phần giảm bớt được một người mắc ung thư phổi, còn tốt hơn là tất cả cùng quyên góp tiền tỉ để giúp một người bị ung thư phổi giai đoạn cuối chữa bệnh.
Tôi không muốn thông qua bài viết này dán nhãn “có lỗi” cho bất cứ ai, nhưng tôi tin nếu xã hội của chúng ta có nhiều người như chàng thanh niên tôi kể trên thì chắc chắn những tai nạn thương tâm như vụ tai nạn tại cổng một trường học ở Vĩnh Long sẽ giảm đi rất nhiều.