Công ty cũ

CÔNG TY CŨ

Nói xấu công ty cũ là điều cấm kỵ – điều này ai cũng biết. Vì ngoài việc sướng mồm mình ra thì hầu như nó chẳng đem lại lợi ích gì, đôi khi còn phản tác dụng. Thử tưởng tượng bạn là nhà tuyển dụng, liệu bạn có muốn tuyển một nhân viên luôn mồm nói xấu công ty cũ mà không suy nghĩ: Liệu sau này có đến lượt mình lên thớt?

Tất nhiên trong nhiều trường hợp, công ty bị đem ra bêu riếu ấy cũng chẳng tốt đẹp hay oan uổng gì. Bạn tôi khi rời khỏi công ty cũ và yêu cầu rút bảo hiểm mới bàng hoàng nhận ra: tiền đóng bảo hiểm bị công ty trừ vào tiền lương (dĩ nhiên điểm này cũng có vấn đề) không rõ đã đi về đâu khi mà sau nửa năm nghỉ việc và nhiều lần đánh đường lên công ty “xin xỏ”, công ty cũ chỉ ậm ừ rồi im tịt luôn. Chưa kể lương tháng làm việc cuối cùng của nó bị “giữ” đến tận 2 tháng sau mới được thanh toán – chả hiểu vì lý do gì? Những “dư chấn tâm lý” do chính sách đãi ngộ kỳ cục của công ty cũ khiến bạn tôi khi chuyển sang công ty mới làm việc đã hỏi câu đầu tiên với đồng nghiệp tiền bối: Anh ơi, ở đây có giữ lương không?

Trên thực tế, rất dễ kiếm một công việc trả lương ổn với yêu cầu tuyển dụng đầu vào không cao. Rõ ràng đó là miếng bánh ngon lành với sinh viên mới tốt nghiệp với hồ sơ cá nhân tương đối “hẻo” về kinh nghiệm. Thậm chí nhiều công ty tuyển cả thực tập sinh hoặc nhân viên part-time – nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên. Công ty cũ nơi bạn tôi làm việc cũng là một trong những cái tên sáng giá khiến các bé sinh viên chưa hoặc mới ra trường đỏ mắt. Nhưng đời chưa bao giờ là mơ, và đồng tiền chưa bao giờ dễ dàng – dĩ nhiên ở đây tôi chỉ bàn đến những đồng tiền trong sạch. Rất nhanh chóng, giấc mộng của các em sẽ vỡ như bong bóng xà phòng khi nhận ra cái gọi là thực tập sinh hay part-time tại những công ty cỡ nhỏ thường đồng nghĩa với bóc lột lao động. Đồng lương rẻ mạt, khối lượng công việc lớn, chính sách đãi ngộ dở tệ (hay nói đúng hơn là không có), nhiều nơi còn chủ trương không ký hợp đồng lao động để dễ bề “bắt nạt” nhân viên hoặc vì một số lý do liên quan đến vấn đề thuế má, pháp lý. Tóm lại, người lao động trẻ trở thành con mồi ngon cho các nhà tuyển dụng trong cuộc săn đầu người. Không chịu được điều kiện làm việc tồi tệ? Mời em nghỉ rồi tôi lại đăng tin tuyển dụng lứa mới. Các công ty có thể thiếu tiền nhưng không bao giờ thiếu nhân lực giá rẻ.

Bạn tôi may mắn chuyển sang công ty mới nơi môi trường làm việc tốt hơn, minh bạch hơn và sòng phẳng hơn. Mừng cho nó. Rồi đôi khi lúc nào đó không kìm nổi, nó vẫn kể chuyện công ty cũ không phải để hạ bệ hay công kích. Nói để không có thêm ai khác bị đối xử như nó từng bị. Có thể lời nói của mình nó chỉ là hạt muối bỏ bể, nhưng thử tưởng tượng nếu công ty đó đủ tồi để 101/100 nhân viên cũ đều nói xấu. Nói xấu công ty cũ là không nên, nhưng để nhân viên cũ nói xấu công ty thì người đứng đầu hẳn nên xem lại mình trước nhất.