Chủ tịch về quê giả vờ rửa xe bị bạn khinh thường và cái kết, Chủ tịch giả vờ đi xe bò bị người yêu cũ bắt gặp và cái kết, Chủ tịch giả vờ nộp hồ sơ xin việc bị đuổi ra ngoài và cái kết,… là những tựa đề của một chuỗi clip phim ngắn đang thu hút hàng chục triệu lượt xem trên mạng. Trào lưu này hot đến nỗi không cần biết nội dung là gì, cứ gắn thêm cụm từ “Chủ tịch và cái kết” là cư dân mạng thi nhau vào xem. Mấy anh em trong ngành truyền thông bọn mình cũng cố gắng xem thử một tập phim “Chủ tịch” để bám trend và cái kết là… không đủ kiên nhẫn để xem cái kết. Nội dung nghèo nàn, diễn xuất nhạt nhẽo, hình ảnh tuềnh toàng, muốn chê lắm nhưng nhìn đến số view thì bọn mình chỉ còn biết cúi đầu hổ thẹn. Đúng là, đừng bao giờ khinh thường cộng đồng mạng!
Tại sao mô týp cười người hôm trước hôm sau người cười, nhân vật nghèo khổ bần hàn bị khinh thường lật ngược thế cục, trở thành người giàu lại được ưa chuộng đến vậy? Mình nghĩ, có lẽ bởi nhiều người xem nhìn thấy chính mình trong đó. Không hẳn ở sự túng thiếu về vật chất mà ở sự thèm khát một vị thế trong xã hội. Đó là những người luôn mang trong mình nỗi ấm ức về sự bất công (theo góc nhìn chủ quan) mà họ phải chịu đựng. Bất công vì người khác giàu hơn mình, bất công vì người khác thành công hơn mình, bất công vì người khác xinh đẹp hơn mình, bất công vì người khác được mọi người yêu quý hơn mình, bất công vì người khác được tôn trọng hơn mình… Sự ấm ức đó là biểu hiện của sự tự ti, bất mãn với những gì mình đang có. Tâm lý đó rất dễ phát triển theo chiều hướng lệch lạc thành sự ganh ghét, đố kỵ và thậm chí là lòng tham với những thứ thuộc về người khác.
Con người là một loài động vật vừa phức tạp vừa mâu thuẫn. Chúng ta vừa muốn đề cao cái tôi cá nhân nhưng đồng thời vẫn muốn thuộc về một tập thể. Ở đó, chúng ta thấy an toàn khi quan điểm của mình được đồng tình và thấy bản thân có giá trị khi được tập thể tung hô. Người ta vẫn luôn cho rằng vật chất là động cơ có lực đẩy mạnh nhất nhưng những lời khen mới là thứ ma túy khiến con người sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả đánh mất chính mình. Cũng như câu chuyện về quả táo vàng dành cho người xinh đẹp nhất – nguồn cơn của cuộc chiến thành Troyes trong thần thoại Hy Lạp: ba vị nữ thần xinh đẹp là Hera, Athena và Aphrodite trở mặt với nhau vì tranh đoạt một quả táo. Con người chúng ta cũng sẵn sàng chà đạp lên nhau trong cuộc chiến tranh giành hư vinh – cho dù hư vinh đó chưa chắc đã có giá trị hơn một quả táo thối.
Cứ cho là sau cuộc chiến đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và đôi khi cả máu, khi đã đứng trên tầm cao cho người đời tung hô (một cách thật lòng hoặc giả dối), có khi nào chúng ta tự nhìn lại mình trong gương và thắc mắc: Mình có tôn trọng mình không?. Hay sau tất cả, chúng ta chẳng còn gì ngoài một lương tâm nham nhở như chó gặm, che đậy bởi tấm áo choàng và chiếc vương miện hào nhoáng? Tôi cho rằng, bị chính bản thân khinh thường còn đáng khinh thường hơn nhiều so với việc bị người khác khinh thường. Bởi suy cho cùng, chẳng ai thủ thỉ vào tai ta những lời vuốt ve mãi, cũng chẳng ai gào thét vào tai ta những lời miệt thị mãi. Chỉ có tiếng nói lương tâm là luôn ở trong bạn (kể cả khi đó là một lương tâm chó gặm). Và nó sẽ sủa vào tai bạn sự thật. Chỉ sự thật mà thôi.