Chí Phèo vừa được sách kỷ lục Guinness công nhận là người đàn ông sống thọ nhất thế giới ở tuổi 145. Sau khi chia tay Thị Nở dưới chân lò gạch vào mùa Thu năm ấy, Chí Phèo đã có một ước mơ quái dị, đó là sang Paris bán bánh mì dạo. Mãi đến tận sau này khi bị tước giấy phép đi bộ vì nồng độ cồn, Chí bỏ rượu chuyển hẳn sang bia hơi thì Chí mới nhận ra cái ước mơ ngày đó không hề quái dị tẹo nào.
Chí tự an ủi rằng mỗi ngày bao nhiêu người vẫn đang sấp ngửa lo cho được cái visa đấy thôi. Nhà nhà du học, làng làng xuất khẩu, mỗi khi người ta coi đi nước ngoài như một cuộc đào tẩu khỏi cái nghèo thì việc Chí mơ bán bánh mì dạo dưới gầm trời châu Âu cũng nào đâu có gì khuất tất! Ít nhất cũng sạch sẽ hơn vị hàng xóm mỗi năm công tác mấy chục chuyến nước ngoài bằng tiền chùa! Đi không biết chán, không biết sốt suột, cũng không biết ngượng. Có kẻ còn tìm cách lẻn vào đoàn công tác này nọ để rồi sang đến sân bay nước bạn là “một đi không trở lại”. Nói về chỉ số ngang nhiên, chắc Chí còn lâu mới xứng với đám nhọ nghẹ kia. Tóm lại ước mơ của Chí giản dị và tràn đầy thơ nhạc, ai cười Chí là cười lên nỗi đau của văn hóa.
Hiển nhiên ước mơ xuất ngoại của một gã nát rượu và chưa bao giờ biết dùng bàn chải đánh răng như Chí là điều xa xỉ vào hàng bậc nhất của các điều xa xỉ thời bấy giờ. Nén chặt ham muốn, nhưng trong mỗi giấc chiêm bao Chí lại cùng thùng bánh mì bên chân cột tháp Eiffel huyền thoại. “Ai bánh mì nóng giòn đê”… tiếng rao ồm ồm thuần Việt của Chí trôi dọc theo triền sông Seine hiền hòa… Sáng nào thức dậy Chí cũng vén lá chuối làm một ngụm nước lã thật to để nuốt tất cả những giấc mơ kỳ ảo ấy trọn vẹn vào lòng.
Rồi ngày nọ, Chí đang ngáp ngang ngáp dọc vì chưa có cái gì bỏ bụng thì một gã đàn ông bảnh bao tìm đến:
– Chào chú Chí!
– Lại là Bá Kiến à?
– Dạ không. Cháu là hậu duệ 7 đời của cụ Bá, cháu làm cán bộ địa chính xã ta đấy chú!
– Có việc gì?
– Thưa chú, cháu đến để thông báo với chú là toàn bộ khu lò gạch của chú nằm trong quy hoạch, sắp tới xã sẽ thu hồi để nhà đầu tư xây trung tâm thương mại.
– Tao không cần thương, lại càng ghét mại, tao chỉ cần công bằng!
– Rất công bằng thưa chú, hội đồng đền bù đã tính toán kỹ rồi, chú có 200 mét vuông đất ở, cộng 5.000 mét vuông đất nông nghiệp… nôm na chú có 2 tỷ đồng!
– Mày đừng có giết người bằng những cú sốc. Tao sống đơn giản đến mức Bá Kiến còn phải rúm ró, mày là cái thá gì mà đưa ra những con số mất dạy?
– Dạ, thật mà chú, 2 tỷ thật đó chú!
– 4 tỷ, không nói nhiều, không chịu được nhiệt thì lượn cho nước nó trong! Bọn mày thâu tóm đất vàng, bốn cái lò gạch gia truyền nhà tao mà chỉ tính 200 mét vuông đất ở à?
– Chú ơi, bọn cháu đến đo đạc kỹ lắm rồi. Nhà chú một nhân khẩu nên hạn mức tối đa chỉ được 200 mét vuông đất ở thôi ạ!
– Thế suất con Thị Nở đâu, nó nấu cháo hành cho tao ăn đương nhiên nó là vợ tao. Mày đã bao giờ được ăn cháo hành của vợ chưa? Mày có biết khái niệm “Hôn nhân thực tế” là như nào không?
– Dạ, nhưng…
– Phắn! Tao sống với cái lò gạch này tám chục năm rồi, giờ sống thêm tám chục năm nữa chả sao hết!
– Là cháu nói vậy vì muốn tốt cho chú, chú không chấp hành sau này công ty nó gọi dân xã hội đến cưỡng chế thì thiệt ngược thiệt xuôi! Dạ thôi, chào chú cháu về.
– Này, nỡm!
– Dạ chú gọi cháu?
– Quay lại tao bảo!
– Dạ, chú có chuyện gì muốn nói nữa ạ?
– 4 tỷ, làm đi, tao chỉ lấy 3 còn 1 là của mày!
– Dạ, dạ, dạ… cháu biết là chú sẽ là người gương mẫu chấp hành mà!
– Tao là Chí Phèo thời 4.0, hiểu chưa, nỡm!
Thế là Chí ta đổi đời, cả làng nơi Chí cư ngụ cũng ầm ầm sắm xe ô tô, xây nhà biệt thự. Những người phụ nữ vàng treo trĩu cổ, cấy mũi, độn ngực độn mông lộn tùng phèo, còn số thanh niên choai choai thì than ôi, nhậu, nhậu và nhậu! Cuộc cách mạng kinh tế làng Đông được đánh vần lại bằng ba chữ “tiền đền bù”.
Khi có tiền, bản năng sinh tồn của gã đàn ông nát rượu kinh niên ấy mới bắt đầu hồi phục. Gã muốn cưới vợ, sinh con, cũng muốn một gia đình chồng xe tơ vợ dệt vải nhưng khốn nỗi là Thị Nở đã ôm tiền hụi cao chạy xa bay. Sẵn tiền đền bù xúng xính, Chí bay sang xứ Xiêm thuê người mang thai hộ. Trời không phụ người, Chí được lên báo Xiêm vì bà mẹ đẻ thuê cho Chí thành công ca sinh 4: 2 trai 2 gái. Những đứa trẻ kháu khỉnh theo Chí về làng khi những đồng tiền đền bù cuối cùng đã lần lượt đội nón không quai ra đi. Đúng là trời sinh voi sinh cỏ, 4 đứa con của Chí đứa nào cũng khỏe như vâm, học hành lại đâu vào đấy. Cu cậu cán bộ địa chính xã ngày nào cùng câu lạc bộ hạt giống đỏ lần lượt bị “truất quyền thi đấu”. Mỗi lúc say bia hơi, Chí lại đến trước cổng tổ hợp khách sạn Bá Kiến vỗ ngực mà hát rằng: “Con vua mà chạy làm vua/ Không khéo nửa mùa lại quét lá đa”.
Lại nói về 4 đứa con nhà Chí, cả 4 đứa đều học cái loại sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” nên thông thái lắm. Cu cậu đầu kinh doanh bất động sản, đặt tên công ty là Alibaba và 40 tên cướp. Làm ăn như diều gặp gió, tiền vô như nước. Nó còn viết sách dạy nhân viên cách lừa khách hàng kiếm tiền. Nó vừa bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chí chép miệng: “Ngày xưa tao chỉ ăn vạ chứ có ăn cướp đâu”.
Hai đứa con gái, một đứa làm cảnh sát còn một đứa lại theo nghiệp kinh doanh. Cô chị chả khác gì tính bố, hôm vừa rồi đại náo ở sân bay, bị cư dân mạng “ném đá” cho chấn thương sọ não nằm mất mấy tháng. May mà chỉ bị giáng cấp chứ không thì còn đâu là niềm tự hào họ Chí!
Đứa em gái nữa thì lại mở kinh doanh giày dép. Mọi việc đang suôn sẻ bỗng đâu lao vào đánh con bé nhân viên vì tội dám đòi tiền lương! Đã ngắn não lại còn ngốc mồm, chỉ là chủ hiệu giày quèn mà lại dám thách cả chủ tịch thành phố. Càn quá đi! Vừa bị xử phạt hành chính 200 ngàn! Ừ phạt 200 ngàn cho nó khiếp vía mà thành tử tế, Chí nhếch mép nghĩ vậy.
Niềm an ủi đối với Chí chỉ còn thằng út. Nó chín chắn, điềm đạm. Chả biết căn duyên thế nào mà lại vào chùa đi tu. Ừ thì tu cũng được, tu còn hơn tù! Giờ cũng lên đến chức đại úy hay đại đức gì đó. Oai lắm, đi đâu người vái nườm nượp, thu nhập ngày những 3 tỷ đồng! Mà cư dân mạng cũng khắt khe với nó quá đi, chỉ là nó mắc chứng hoang dâm, cà kê xin cô nhà báo tý khí mà cư dân cũng mỉa mai này nọ.
Chuyện là vậy, người ta còn nói rằng ở tuổi 145, Chí bỏ bia hơi, trở lại với chai rượu nút lá chuối, ngày ngày vừa dặt dẽo dọc sông Kênh Bắc vừa lẩy Kiều…
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”.
Tất nhiên vì đi dọc Kênh Bắc nên Chí phải đeo khẩu trang, mà đã đeo khẩu trang thì những điều Chí nói cũng chỉ một mình Chí nghe thôi!