Anh bạn ở Hà Nội muốn về dự đám cưới cậu lính ruột tại một tỉnh xa. Nghe nói các nơi bây giờ sợ người Hà Nội đem theo Cô Vi, anh đắn đo mãi. Cuối cùng anh nghĩ ra kế vẫn đi dự đám cưới nhưng nói từ vùng khác đến chứ không dám nhận từ Hà Nội.
Hóa ra cũng có lúc người ta không muốn nhận là “người Hà Nội”. Hồi còn đi học, thấy vài cô, cậu giới thiệu sinh ra ở Hà Nội với chút tự hào, tôi hay hỏi: Người Hà Nội khác biệt ở chỗ nào? Đa số không trả lời được. Chỉ 1 – 2 người vớt vát theo thói quen: “Họ thanh lịch”.
Có lần tôi vào khu vực phố cổ, nơi tập trung Hàng nọ, Hàng kia, ngồi xem bóng đá với một nhóm người ở quán trà. Mỗi lần tuyển thủ Việt Nam sút ra ngoài, họ lại văng tục chửi thề. Quán trà mà lầy nhầy toàn những thứ nhớp nháp không tiện nói ra. Giờ giải lao giữa hai hiệp, lân la hỏi chuyện, một cậu giới thiệu mấy anh em nhà ở quanh đây rồi hất hàm về phía con ngõ sâu thông thống ở một Hàng nào đó.
Chợt nhớ lời một nhà văn hóa học: Hàng nọ, Hàng kia thực ra đến từ các vùng như Thái Bình, Nam Định, mang theo cái nghề, nếp làm lụng, buôn bán. Theo năm tháng sinh tồn, sự cục bộ, thói quen sống với giá trị ảo, nghĩ một đằng, nói một nẻo (tâm lý đối phó với lý trưởng, cường hào, khen trước mặt, chửi sau lưng trong không gian quần cư chật chội từ hàng trăm năm trước) càng được nhân lên. Nhìn từ góc độ nào đó, người Hàng nọ, Hàng kia còn nhà quê hơn cả nhà quê. Ngõ nhỏ, phố nhỏ thực chất là ngôi làng phóng to. Tòa building cũng như lũy tre làng, chỉ có giá trị vật chất cao hơn mà thôi.
Nhưng để họ tự nhận mình là “người nhà quê” thì chỉ có Cô Vi làm được. Và chỉ có Cô Vi mới đủ khả năng thức tỉnh: Ở thời đại này, người vùng nào, nước nào không quan trọng bằng cá nhân người đó như thế nào, có lợi cho xã hội hay mang nguy cơ gây hại cho xã hội.
Cách đây ít lâu, một cô bạn từ châu Âu trở về. Trên máy bay, nhìn nước da trắng, cặp mắt hơi hí của cô, hàng chục hành khách phương Tây thảng thốt, nghi ngại: “Chinese! Chinese!”. Khi tiếp viên giải thích: “She is Vietnamese!”, tất cả mới thở phào, tiếng vỗ tay rần rần vang lên. Thời bao cấp, bên bát bo bo nấu vội, người Việt Nam thều thào nói với nhau: “Nhiều người nước ngoài mơ một sáng mai thức dậy bỗng nhiên trở thành người Việt Nam”. Nay không cần truyền tai nhau trong trí tưởng tượng xanh xao của thời đói ấy, người Việt Nam (chứ không phải người Trung Quốc) nghiễm nhiên được công dân các nước phát triển hoan nghênh nồng nhiệt.
Ít ngày trước, mạng xã hội lan truyền những comment cay độc của người Hàn Quốc khi chứng kiến Việt Nam phải ứng phó những ca nhiễm mới từ châu Âu: “Rồi chúng mày cũng toang như Hàn Quốc thôi”, “Chúng mày có dám cấm cửa châu Âu như với Hàn Quốc không?”, “Nước kém phát triển mà còn lên mặt”… Những câu này hơi lạ, vì bấy lâu người Hàn Quốc khi nói đến Việt Nam thường vuốt ve: “Rồi Việt Nam cũng phát triển thôi”, “Việt Nam rất nhiều tiềm năng”… Chỗ này phải mở ngoặc: Người ta chỉ động viên với người đi sau, nhỏ hơn, thiệt thòi hơn mình và chỉ ganh tỵ với người có điểm hơn mình.
Người Việt Nam được vỗ tay và bị ganh tỵ. Chỉ có Cô Vi làm được!
Cứ sau mỗi sự kiện chấn động, thế giới lại ngoặt sang một giai đoạn mới. Sau thế chiến hai, loài người phân làm hai cực. Bức tường Berlin sụp đổ đánh dấu thế giới chấm dứt thời kỳ chiến tranh lạnh, mở ra giai đoạn thế giới phẳng, đa phương, đa cực. Sau sự kiện 11/9 với tòa tháp đôi khổng lồ tan biến, nhiều công ty tìm đến những văn phòng thấp, nhỏ hơn và tăng cường làm việc online để tránh trở thành mục tiêu khủng bố, thế giới chính thức bước sang kỷ nguyên công nghệ thông tin. Ở đó, điều lớn lao, vĩ đại không nhất thiết đồng nghĩa với sự bề thế, cồng kềnh, đông đúc; thậm chí đồng nghĩa với sự vô hình, không gian ảo. Một phần mềm của Bill Gates nặng 0 gram nhưng trị giá hàng tỷ USD, nhiều hơn cả núi than đá. Steve Jobs không quan tâm mình quản lý bao nhiêu nhân viên nhưng chắc hẳn nhớ rất rõ những phiên bản Apple được bao nhiêu người trên thế giới đón nhận.
Chẳng nói đâu xa, mỗi lần Cô xuất hiện, người Việt Nam lại chứng kiến những đổi thay. Rượu Cô Nhắc (Cognac) tràn vào Việt Nam là lúc người Việt bớt ảnh hưởng từ Trung Quốc, dần làm quen với “xe bíp bíp”, “đèn giộng ngược”, điệu nhảy đầm “đĩ thõa”. Văn minh Âu Tây thâm nhập. Năm 1953, Cô Nhi (Cogny) nắm quyền chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ. Tên ông gắn liền với cuộc chiến Điện Biên Phủ, quyết định việc người Pháp chấm dứt sự hiện diện tại miền Bắc Việt Nam. Những năm cuối bao cấp, trước màn hình xanh đỏ lòe nhòe của chiếc tivi Liên Xô to đùng đoàng, người ta chỉ thấy mông các cô ngoáy sùng sục trong những băng nhạc Disco, vì vậy, gọi luôn là nhạc Đít Cô. Một thời bế quan tỏa cảng, tàu viễn dương được gọi là tàu Mút Cô. Có thể vì một thương hiệu tàu nào đó hoặc có thể giữa lúc phim ảnh hiếm hoi, các anh thủy thủ đem về kiểu hôn mút sâu vào lưỡi (mút cô) từ bên kia đại dương lạ lẫm so với kiểu hôn quệt vào má choen choét thoảng mùi thuốc lá Sa Pa trong lần tỏ tình run rẩy của đám trai mới lớn. Đít Cô và Mút Cô kèm theo hình ảnh hàng hóa tràn vào của giai đoạn giao thương.
Rồi đây với Cô Vi, một loạt quan điểm về giá trị sẽ thay đổi. Thịnh vượng không hoàn toàn nằm ở con số tăng trưởng. Giá trị của mỗi quốc gia không hoàn toàn được đo bằng USD. Cái gọi là tăng trưởng bền vững gắn với môi trường, sức khỏe được thấm thía thay vì chỉ xuất hiện trước micro. Cái gọi là siêu cường mới nổi, đế chế vĩnh cửu bị xem xét lại. Mô hình đại đô thị hàng chục triệu dân không được ưu tiên, thay vì đó là mô hình đa trung tâm, phát triển phân tán. Thêm một bước để thấy rõ hơn không hẳn cứ bề thế, đông đúc là to tát. Một tổ chức mang ảnh hưởng lớn có thể chỉ gồm vài người, một cuộc họp quan trọng có thể diễn ra trên không gian ảo. Học ít đi, chỉ duy trì những kiến thức, kỹ năng trọng tâm không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thậm chí còn tốt hơn cho tương lai. Những nhà kinh doanh thành đạt là những người ứng dụng trơn tru Toán cấp một, chứ cứ vùi đầu vào Toán cao cấp thì đa số nghèo…
Mà thôi, nói chuyện vĩ mô làm gì, trước mắt chỉ thấy việc muốn nhận là “người nhà quê” thay vì nhận là “người Hà Nội” (điều này chí lý vì cả nước Việt Nam là nhà quê, trong mỗi người Việt Nam vẫn đang có một ông nông dân ngồi chồm hổm).
Chỉ có Cô Vi làm được!