Đề xuất một mức giá nước sinh hoạt 9.700 đồng/m3: Ai lợi, ai thiệt?

Thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Vinh rộ lên thông tin Công ty CP Cấp nước Nghệ An có văn bản đề xuất UBND tỉnh xem xét điều chỉnh giá nước sạch, trong đó, đối với đối tượng hộ dân cư thì áp dụng một mức giá 9.700 đồng/m3. Thông tin này gây dư luận nhiều chiều, và có những băn khoăn.

Tìm hiểu, ngày 4/1/2021, Công ty CP Cấp nước Nghệ An có Tờ trình 02/TTr- CNNA.KT “Về việc đề nghị điều chỉnh giá nước sạch” gửi UBND tỉnh và các sở liên quan. Tại đây, đối với đối tượng sử dụng nước sinh hoạt là hộ dân cư (bao gồm cả các hộ gia đình ở nhà tập thể, sinh viên ở ký túc xá), Công ty CP Cấp nước Nghệ An đề xuất xem xét cho áp dụng một mức giá nước sinh hoạt là 9.700 đồng/m3; bỏ không áp dụng giá lũy tiến bậc thang như hiện nay (giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho TP. Vinh và vùng phụ cận gồm 4 bậc: 8.300 đồng/m3 (mức sử dụng từ 0 – 10m3/hộ/tháng); 9.700 đồng (mức sử dụng từ 11 – 20m3/hộ/tháng); 13.000 đồng (mức sử dụng từ 21 – 30m3/hộ/tháng); 14.500 đồng (mức sử dụng trên 30m3/hộ/tháng).

Để được xem xét, Công ty CP Cấp nước Nghệ An báo cáo về tình hình sản xuất và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn; về giá tiêu thụ nước sạch hiện tại. Đặc biệt, để nhấn mạnh “sự cần thiết phải điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch”, đơn vị này chi tiết các yếu tố cấu thành về giá, từ chi phí giá nước thô, giá cả đầu vào; tài sản và chi phí khấu hao, chi phí lãi vay, nhân sự,… và nhiều các chi phí phụ khác. Đồng thời, chi tiết bảng giá nước sạch ở một số tỉnh/thành phố trên toàn quốc để so sánh.

Công ty CP Cấp nước Nghệ An dẫn ra Khoản 2, Điều 7, Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT ngày 15/5/2012  với quy định: “Trong trường hợp ở những nơi có nguồn nước và công suất cấp nước dư thừa so với nhu cầu tiêu dùng thì có thể chưa thực hiện giá tiêu thụ nước sạch cho sinh hoạt theo cơ chế giá lũy tiến mà áp dụng theo mức giá sinh hoạt bình quân nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nước sạch, an toàn vệ sinh, mặt khác cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp cấp nước phát triển mạng phân phối nước, nâng cao hiệu quả sản xuất”. Cho rằng, trên địa bàn tỉnh đang có nguồn nước và công suất cấp nước dư thừa; nhiều nơi nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm, với các chỉ số kim loại nặng cao hơn mức cho phép… Qua đó, khẳng định việc áp dụng giá nước sinh hoạt 4 bậc sẽ hạn chế người dân dùng nước sạch, khuyến khích người dân tìm nguồn nước giá rẻ không đảm bảo chất lượng; gây nhiều bất cập, gây khó khăn cho khách hàng và Công ty CP Cấp nước Nghệ An trong quá trình quản lý và tiêu thụ (khách hàng sử dụng nước càng nhiều thì phải trả tiền nước ở mức giá càng cao; khách hàng bị thiệt hại trong trường hợp đường ống, van nước sau đồng hồ của khách hàng bị rò rỉ…).

Thông tin từ UBND TP. Vinh, trên toàn địa bàn hiện có 80.088 hộ gia đình, 344.519 khẩu. Với số liệu này, bình quân mỗi hộ có 4 khẩu. Cụ thể hơn ở phường Cửa Nam, theo ông Trần Văn Trí – Chủ tịch UBND phường, tính đến hết năm 2020, phường có hơn 3.900 hộ gia đình, khoảng 18.000 khẩu. Với số liệu này, cho thấy ở phường Cửa Nam, số hộ 4 khẩu chiếm đa số. Còn ở phường Lê Lợi, theo Bí thư Đảng ủy phường Lê Lợi, ông Nguyễn Quốc Thắng thì có khoảng 16.000 nghìn dân, gần 4.000 hộ. Như vậy, bình quân mỗi hộ ở phường Lê Lợi cũng là 4 khẩu.

Thực hiện một khảo sát nhỏ tại Tổ dân cư số 1, khối 2, phường Cửa Nam, TP. Vinh. Nơi đây có 14 hộ dân, thu nhập ở mức trung bình khá: Số khẩu/hộ dao động từ 2 – 5 người; chỉ có 2 hộ gồm 7 khẩu (trong đó có 3 trẻ nhỏ). Những hộ dưới 4 khẩu, sử dụng nước sạch sinh hoạt dưới 10m3/tháng; các hộ có từ 4 – 7 khẩu sử dụng nước sinh hoạt dao động từ 12 – 17m3/tháng, chỉ cá biệt trong  một vài tháng Tết và Hè thì sử dụng trên 20m3/tháng.

Từ khảo sát thực tế sử dụng nước sạch sinh hoạt ở tổ dân cư số 1, khối 2, phường Cửa Nam, đối sánh với số liệu dân cư của một số phường và toàn thành phố Vinh, có thể thấy lượng nước sạch sinh hoạt mà các hộ gia đình trên địa bàn TP.Vinh đang sử dụng là dưới 20m3/tháng; số hộ sử dụng vượt 20m3/tháng nếu có thì cũng chỉ là thiểu số.

Đặt ra câu hỏi: Nếu áp dụng một giá nước 9.700 đồng/m3 như Công ty CP Cấp nước Nghệ An đề xuất thì ai sẽ được lợi? Ai sẽ chịu thiệt thòi?

Thử làm phép tính của học sinh lớp 2: 1 hộ gia đình sử dụng từ 10 – 20m3/tháng, theo đơn giá hiện tại (gồm hai giá: 8.300 đồng/m3 cho mức sử dụng từ 0 – 10m3, và 9.700 đồng cho mức sử dụng từ 11 – 20m3). Sẽ được kết quả tổng số tiền của hộ gia đình phải trả cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An sẽ là từ 83.000 đồng/tháng tĩnh tiến đến 180.000 đồng/tháng. Còn nếu áp dụng một giá nước 9.700 đồng/m3, sẽ phải trả cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An là từ 97.000 đồng tịnh tiến đến 194.000 đồng/tháng.

Với cách tính giản đơn này, sẽ thấy nếu áp dụng một giá nước 9.700 đồng/m3, những hộ gia đình sử dụng dưới 20m3/tháng đều “giúp” Công ty CP Cấp nước Nghệ An tăng lợi nhuận. Trong đó, những hộ gia đình sử dụng từ 10 – 20m3/tháng sẽ tăng lợi nhuận cho Công ty CP Cấp nước Nghệ An 14.000 đồng/tháng, còn nếu tính theo năm sẽ là 168.000 đồng! Nếu đem con số 168.000 đồng/hộ/năm nhân với một tỷ lệ lớn trong 80.088 hộ gia đình trên toàn địa bàn thành phố Vinh thì lợi nhuận tăng thêm/năm của Công ty CP Cấp nước Nghệ An là không hề đơn giản! Và dĩ nhiên, khi Công ty CP Cấp nước Nghệ An gặt hái lợi nhuận thì ở chiều ngược lại, đại đa số các hộ gia đình ở thành phố Vinh sẽ phải chịu thiệt hại.

Xung quanh vấn đề nước sạch sinh hoạt, người dân mong gì? Đứng ở vị trí người sử dụng nước sạch sinh hoạt để tham khảo ý kiến nhiều hộ gia đình thì cơ bản gồm có 2 vấn đề: Thứ nhất, nước phải đảm bảo về chất lượng, đúng với tên gọi “nước sạch sinh hoạt”; thứ hai, giá nước có sự tương đồng với các khu vực đô thị lân cận, phù hợp với mức thu nhập.

Về giá nước sạch sinh hoạt ở các thành phố của hai tỉnh lân cận Thanh Hóa, Hà Tĩnh thì như thế nào? Tìm hiểu, giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các hộ dân cư ở thành phố Thanh Hóa được quy định tại Quyết định số 2919/QĐ-UBND ngày 1/8/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa, áp dụng giá lũy tiến bậc thang, gồm 4 thang: 8.200 đồng/m3 (mức sử dụng từ 0 – 10m3/hộ/tháng); 10.000 đồng ( mức sử dụng từ 11 – 20m3/hộ/tháng); 11.600 đồng (mức sử dụng từ 21 – 30m3/hộ/tháng); 16.200 đồng (mức sử dụng trên 30m3/hộ/tháng).

Còn tại thành phố Hà Tĩnh, giá tiêu thụ nước sạch áp dụng cho các hộ dân cư được quy định tại Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 27/8/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, áp dụng giá lũy tiến bậc thang, gồm 4 thang: Mức từ 1m3 – 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) là 6.500 đồng; Mức từ trên 10m3 – 20m3 (hộ/ tháng) là 8.100 đồng; Mức từ trên 20m3 – 30m3 (hộ/tháng) là 9.800 đồng; Mức trên 30m3 (hộ/tháng) là 12.200 đồng.

So sánh, sẽ thấy mức giá nước sạch áp dụng cho các hộ dân trên địa bàn TP. Vinh nhỉnh hơn mức giá áp dụng cho các hộ dân TP. Thanh Hóa, và cao hơn hẳn mức giá áp dụng cho các hộ dân TP.Hà Tĩnh. Vì sao vậy? Phải chăng vì nước sạch mà Công ty CP Cấp nước Nghệ An cung ứng có chất lượng cao hơn các đơn vị cấp nước ở TP.Thanh Hóa và TP.Hà Tĩnh? Hay là do thu nhập của các hộ dân TP. Vinh cao hơn thu nhập của các hộ dân TP. Thành Hóa và TP.Hà Tĩnh? Hẳn nhiên, không có cơ sở để khẳng định điều này!

Ngày Nước Thế giới năm nay, Bộ TN&MT truyền ra một loạt các thông điệp để kêu gọi toàn xã hội thực hiện tiết kiệm nước. Đó là: “Nước là tài nguyên thiết yếu giúp bảo vệ sức khỏe, sinh kế, môi trường, các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế bền vững”; “Nước là tài nguyên quý giá! Hãy sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả”; “Bảo vệ tài nguyên nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta”; “Hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người”; “Nước là tài nguyên hữu hạn và thiết yếu, sử dụng nước tuần hoàn vì một tương lai bền vững”.

Nghiên cứu Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT ngày 15/5/2012 thì thấy  Công ty CP Cấp nước Nghệ An trích dẫn Khoản 2, Điều 7 tại Tờ trình 02/TTr- CNNA.KT  không đầy đủ. Cụ thể, đã bị cắt gọt phần đầu, điểm a, Khoản 2, Điều 7 với nội dung: “Giá tiêu thụ nước sạch cho sinh hoạt áp dụng theo cơ chế giá lũy tiến, những hộ sử dụng lượng nước theo định mức sử dụng nước thấp hơn được áp dụng mức giá thấp hơn và ngược lại. Giá tiêu thụ nước cho các mục đích sử dụng khác áp dụng cơ chế một giá, nhưng có mức giá khác nhau theo từng mục đích sử dụng nước…”.

Với quy định rất cụ thể này, khẳng định là Chính phủ có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước sạch sinh hoạt; đối với những người dân thực hiện tiết kiệm thì được hưởng mức giá thấp hơn so với người không thực hiện tiết kiệm!.

Chưa hết, cho đến thời điểm hiện tại, dân cư trên địa bàn TP.Vinh đã cơ bản sử dụng nước sạch sinh hoạt. Vì vậy, việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An trích dẫn một phần Khoản 2, Điều 7 của Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT, đề xuất áp dụng một giá nước vì mục tiêu nhằm “khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nước sạch, an toàn vệ sinh” cũng không sát đúng với tinh thần của Thông tư.

Gọn lại, từ quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT năm 2012 đến những thông điệp trong ngày Nước Thế giới năm 2021, là có sự thống nhất xuyên suốt trong tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước. Mà như thế, cơ chế chính sách ưu đãi cho những người sử dụng tiết kiệm nước vẫn tiếp tục phải được duy trì, cụ thể ở đây là về giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt.

Từ đó thấy rằng, việc Công ty CP Cấp nước Nghệ An đề xuất điều chỉnh áp dụng một mức giá 9.700 đồng/m3 nước sạch đối với đối tượng hộ dân cư trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận là không phù hợp!