1.Hôm qua con gái nhìn một bức tranh trong sách giáo khoa, tranh vẽ cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm. Cô nhỏ hỏi mẹ, sao nhà mình chẳng bao giờ ăn cơm đầy đủ như vậy, chỉ có con với bà hoặc con với mẹ thôi?
Giờ ăn của con gái là giờ học thêm của anh trai, là giờ bố đang bận duyệt chương trình cuối ngày… Vì thế, may ra chỉ còn ngày chủ nhật để có những bữa cơm hiếm hoi đầy đủ.
Bỗng nhớ tới những bữa cơm ngày tôi còn nhỏ. Ngày mà nhà còn nghèo xác xơ. Vào những ngày mưa lâm thâm, gió bấc lạnh hun hút, con gà mẹ nuôi lười biếng rặn ra một, hai quả trứng bé xíu xiu. Hai quả trứng xíu xiu ấy phải trộn thêm bột đậu nành (chế độ dành hỗ trợ cho trẻ con chống suy dinh dưỡng) mới đủ một đĩa trứng trông đầy đặn, màu vàng nhạt giữa mâm cơm. Món ăn ấn tượng đến mức mấy chục năm không ăn vẫn không quên được vì gọi là trứng rán nhưng chỉ ám mùi vị bột nành ngầy ngậy chán ngán. Và canh rau muống luôn là món thường trực bốn mùa, bởi mẹ có hẳn một vườn rau muống nho nhỏ tự cấy trồng để ăn ven sông Lam. Mùa nào rau cũng tốt.
Căn phòng mùa đông luôn phải gài chặt cửa sổ tránh gió lùa, cửa chính chỉ mở he hé. Một cây đèn dầu thắp lên leo lét, thi thoảng gió len vào phòng vẫn đủ sức lay tắt ngọn đèn. Mẹ lập cập tìm bật lửa để châm đèn, con gái vô tư nói: Có đĩa trứng thôi, không cần đèn cũng xén được mỗi người một miếng là hết rồi, cần chi đèn hở mẹ?. Nhiều lần, câu nói của con khiến mẹ cười chảy nước mắt, chẳng biết vì vui hay buồn. Tôi vẫn nhớ những ngày khó khăn ấy, không phải vì ám ảnh chuyện khó nghèo, chỉ đơn giản rằng để thấy vui và biết ơn vì mình đã được lớn lên từ những ngày khó khăn đến vậy.
Nếu để chọn ra một món ăn gợi nhớ về mùa Đông nhất, với tôi sẽ là món cá nục kho mật mía của mẹ. Đó mới quả thực là món ăn phát ghiền mỗi độ mùa đông về bởi vị cá biển mặn mòi hòa quyện hương sả thật nồng, mật mía ngọt thanh, lại thêm vài lát ớt cay xé cũng đủ xua gió lạnh đi xa rồi.
Tôi mê món cá nục kho ấy tới mức, khi lớn lên, đi học xa nhà, mẹ vẫn luôn nấu thêm đùm đùm, gói gói cho mang theo vào ký túc xá ăn. Mợ tôi mỗi lần thấy mặt cô cháu cả năm không gặp vẫn hỏi, có ăn cá kho mật mía không, để mợ nấu? Và cũng như mẹ, sau bữa ăn, mợ thường gói thêm để tôi mang về dùng.
Mà nào riêng mẹ hay mợ, nhiều bà mẹ phố Vinh vẫn kho món ăn giản dị đưa cơm ngày đông ấy cho con. Ngày kia, tôi lướt facebook một cô bạn của bạn. Bạn ấy là cựu học sinh trường Phan, thành công ở Hà Nội. Mùa đông, mẹ chuẩn bị mang cho con nồi cá nục kho. Mùa đông, tưởng chỉ cảm xoàng, bạn không nhập viện điều trị dứt bệnh mà chỉ khám sơ sơ rồi vẫn đi công tác nước ngoài theo lịch từ trước. Cô bạn ấy đi xa để rồi mãi mãi không thể trở về nhà mình dù đã đến thang máy chung cư, chỉ còn vài bước chân. Khi nhìn lại hình ảnh nồi cá mẹ bạn ấy kho, nâu nồng màu mật, đỏ đỏ màu ớt, sống mũi tôi cay sè khi đọc: Cá kho con thích đây này, H. ơi, sao không về ăn…
2. Khi còn ở với bố mẹ, đôi khi tôi vẫn khó chịu vì chuyện ăn cơm xong mẹ cứ ngồi bên mâm cơm đợi mọi người ăn xong xuôi, lẽ ra mẹ có thể đi nghỉ sớm đi, vì mẹ hay bị nhức lưng. Bao giờ mẹ cũng là người cuối cùng đứng dậy. Bên mâm cơm mà bố tôi còn cà kê khá lâu ấy, mẹ ngồi đan áo, trò chuyện, đôi khi háo hức hát: “Hoa đẹp Chăm Pa, đã bao tháng ngày”… Đó là khúc hát gắn với thời tuổi trẻ của mẹ, đi công nhân hỏa tuyến bên Lào. Dấu ấn để lại của những ngày xông pha ấy là làn da ám khói sau những ngày sốt rét rừng và khúc hát mà tôi nghĩ vẫn ẩn chứa một nụ cười trong nó.
Thực ra thì sau đó, có hàng tá việc để mẹ làm chứ không phải rảnh rang quá. Nhưng mẹ vẫn nán lại như thế bên mâm cơm mỗi ngày. Nếu ngày ấy mẹ tôi vội rời mâm cơm thì chắc chẳng bao giờ tôi thấy một câu hát có thể khiến lòng mình được sẻ chia đến vậy: Hoa đẹp Chăm Pa, đã bao tháng ngày… Đó là câu hát mà sau bao nhiêu tháng ngày khi nghĩ về, tôi lại nhớ ánh mắt tươi vui tỏa lan những háo hức trên gương mặt mẹ suốt mỗi bữa cơm. Hình như chưa bao giờ mẹ mang một khuôn mặt phiền muộn vào bữa cơm gia đình. Và câu hát này nữa: “Mùa đông, cha ngồi uống rượu, mẹ gồi đan áo. Ngoài sân cây bàng lá đổ”… Những câu hát cứ như thể rút ra từ cõi xa vắng của mình với những hình ảnh và tâm trạng đúng y sì như thế.
Có lần, bố chồng tôi bức xúc nói, muốn biết nề nếp một gia đình, hãy nhìn vào mâm cơm. Đó là lúc ông bà vào chơi, con trai đi nhậu với bạn, các cháu đứa đi ăn với bạn, đứa đang chui trong phòng riêng không xuống nhà vì chưa thấy đói. Bố mẹ chồng ngồi ăn với con dâu, mà theo bố, có khi con dâu cũng chả muốn ngồi ăn bữa cơm khi chồng đi đằng chồng, con đằng con như vậy.
Nếu không có cớ ngồi ăn chung nhau, ông bà có khi cũng chẳng gặp mặt thằng cháu mình, dù chung nhà nhưng khác phòng. Vì cứ ra khỏi nhà thì thôi, ở nhà là cháu lại chui vào ốc đảo của mình. Không ngồi chung bữa cơm là từ chối sẻ chia với nhau rồi.
3.Chúng ta tốn khá nhiều thời gian cho một bữa ăn. Và đó là thời gian cần nên tốn. Không chỉ để ăn, mà là để chia sẻ. Vì thế, dù có tiết kiệm bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày thì cũng không nên tiết kiệm thời gian cho một bữa ăn, nhất là bữa ăn với gia đình.
Chiều tối qua, khi đưa con đi tập ở một lò võ, mắt tôi cay sè khi thấy người đàn ông tuổi ngoài 50 mặt mũi hí hửng, nói như reo lên rằng: Tập xong rồi, về ăn cơm với mẹ thôi. Mặt anh vui thật vui, bất chấp lưng áo ướt đầm mồ hôi vì vất vả luyện tập.
Điều bình dị của người đàn ông ấy, là ước mơ không thể chạm tới của tôi. May ra có thể trông thấy ảo ảo thật thật trong giấc mơ khi mẹ đã đi xa.
Bắt chước cách nói của ai đó về quá khứ và tương lai: Bạn không thể tạo ra tương lai nhưng hoàn toàn có thể tạo ra quá khứ ngọt ngào hay không, bởi đơn giản ngày hôm nay là quá khứ của ngày mai. Rồi kí ức của con cái tôi có ngọt ngào nhớ về những bữa cơm gia đình như một sợi dây gắn kết tình thân như tôi từng có hay không là do sự để tâm của mẹ nó ngày hôm nay.
Và vì thế, tôi luôn cố thu xếp để cùng ăn với con gái mình, nhìn con bé tỉ mẩn xúc ăn, trò chuyện này qua chuyện khác không đầu không cuối. Và mắt vẫn thường xuyên cười tít lại khi nghe con bé nịnh nọt rằng mẹ nó nấu ăn ngon tuyệt vời, dù bữa ăn “ngon tuyệt” ấy có khi thật đơn giản, chỉ là cơm nóng vừa nấu lên nắm thật chặt với rong biển và cá hộp mua ở siêu thị bắt chước theo kiểu Hàn.
Tôi trân trọng từng khoảnh khắc ấy, bởi biết rằng, trong đời này ai mà tránh được rất nhiều ngày không được ăn cơm cùng bố mẹ…