Có một điểm chung ở các Hoa hậu Việt Nam đi thi trong và ngoài nước là các vòng thi khác họ xinh đẹp bao nhiêu thì ở phần thi ứng xử, họ lại nhạt nhoà bấy nhiêu. Chẳng thế mà nhiều màn trả lời ứng xử của các cuộc thi Hoa hậu tại Việt Nam đã trở thành chuyện tiếu lâm cho cư dân mạng được dịp cười rụng răng. Mình ấn tượng nhất với một cô khi được hỏi “Em sẽ làm gì nếu đăng quang ngôi vị Hoa hậu hôm nay?” đã hồn nhiên trả lời: “Em sẽ đội vương miện đi quanh xóm và tuyên truyền cho tụi nhỏ xóm em không vứt rác bừa bãi”.
Hơi buồn, nhưng có một sự thật là các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam không được cho là đúng tầm với sứ mệnh tìm ra người đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Vẻ đẹp ở đây được hiểu là vẻ đẹp toàn diện, cả về ngoại hình lẫn tâm hồn, trí tuệ. Các thí sinh và kể cả những người đẹp giành vương miện hầu như chỉ mới đạt đến tiêu chuẩn vẻ đẹp ngoại hình (thậm chí đôi khi họ còn chả đạt tiêu chuẩn này), còn tâm hồn và trí tuệ thì không có gì đặc sắc, nếu không muốn nói là… hơi “yếu”. Năm thì hoa hậu bị bóc phốt chưa tốt nghiệp phổ thông, học kém. Năm thì hoa hậu mang tiếng học chuyên Pháp nhưng nói tiếng Pháp còn tệ hơn cả học sinh tiểu học. Rồi thì các loại scandal hoa hậu bán dâm, hoa hậu mua giải… khiến người ta không còn tin vào sự danh giá của chiếc vương miện Hoa hậu nữa. Có người còn nói toẹt ra rằng đi thi Hoa hậu chỉ là một cách để nâng giá và người đẹp thi Hoa hậu bây giờ cũng giống như món hàng đi chào bán với các đại gia. Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm, nhưng suy cho cùng, không có lửa làm sao có khói được?
Trong khi đó, khi xem các cuộc thi Hoa hậu quy mô toàn cầu, nhiều thí sinh có lý lịch khủng đến mức tôi tưởng họ đang đi thi tuyển vào Google, Facebook hay NASA chứ chẳng phải đi thi Hoa hậu nữa. Nhiều người có bằng thạc sỹ thậm chí tiến sỹ, nói 3, 4 thứ tiếng và ngoài cái danh xưng Hoa hậu ra, họ còn là những nhà báo nổi tiếng, những giảng viên đại học, những nghệ sỹ tên tuổi tại đất nước của họ. Hầu hết họ đều có mối quan tâm cực kỳ lớn với các hoạt động xã hội. Trên thực tế, lý do khiến nhiều người trong số họ đi thi Hoa hậu là để có tầm ảnh hưởng lớn hơn, để có thể phát triển phong trào, hoạt động xã hội mà họ đang theo đuổi.
Có nghĩa là, cuộc thi Hoa hậu đối với họ không phải là cuộc thi để chưng trổ cái mã bề ngoài. Đó là cơ hội để nói lên tiếng nói của mình cho một cộng đồng lớn hơn. Đó là bệ phóng để họ theo đuổi lý tưởng của mình – tất nhiên lý tưởng đó phải vĩ đại hơn việc tăng giá cát-sê đi dự sự kiện và một số loại giá khác. Hoa hậu không phải một nghề và càng không phải là định nghĩa cho giá trị con người của họ.
Tôi lại nghĩ đến nhiều người đẹp đi thi Hoa hậu ở Việt Nam. Nếu bỏ đi cái mác Hoa hậu, người ta sẽ chẳng còn biết họ là ai và có điều gì khác ở họ để mà nhớ đến. Tôi cho đó là một hiện thực đáng buồn, bởi nếu những người đại diện cho phụ nữ Việt Nam lại “rỗng tuếch” như vậy thì chẳng khác nào phụ nữ Việt Nam không có giá trị gì đáng để đại diện, đáng để tự hào hay sao?