Bạo lực học đường

Cách đây vài ngày, một video clip lan truyền trên mạng xã hội quay cảnh một nữ sinh đeo khẩu trang túm tóc, chửi bới và tát liên tiếp vào mặt bạn học. Vụ việc xảy ra trong lớp, dưới sự chứng kiến của nhiều học sinh khác nhưng không ai có động thái can ngăn. Nạn nhân chỉ biết cúi gằm mặt chịu đựng.

Đây không phải lần đầu tiên video clip quay cảnh bạo lực học đường xuất hiện trên mạng xã hội. Đáng lưu ý, các vụ bạo lực học đường dường như xuất hiện ở nữ sinh còn nhiều hơn nam sinh. Trên công cụ tìm kiếm Google, gõ từ khoá “Nữ sinh bị đánh hội đồng” hiện ra hàng ngàn kết quả gắn liền với vụ việc cụ thể đã diễn ra. Xem qua những bức ảnh, những video clip ghi lại cảnh nào giật tóc, nào xé áo lột quần, nào lấy lưỡi lam cứa mặt, nào chửi rủa mạt sát…, khó có thể hình dung điều gì đã khiến những thiếu nữ ở tuổi 13 – 16 lại có thể xuống tay dã man với bạn cùng trang lứa đến thế.

Đọc kỹ một số vụ việc, thấy rõ các đối tượng gây ra hành vi bạo lực đã phải chịu những xử phạt theo quy định. Nhưng, đó là những vụ việc được phát hiện, có bằng chứng và hành vi bạo lực để lại những chấn thương thể xác. Còn ẩn dưới tảng băng chìm bạo lực học đường là biết bao vụ bạo lực tinh thần diễn ra thầm lặng, làm sao để có thể phát hiện và xử lý? Tôi biết có những đứa trẻ vị thành niên bị tẩy chay, bị cô lập, bị soi chiếu bằng những ánh nhìn giễu cợt và khinh bỉ… dẫn đến trầm cảm. Tôi cũng biết có những vụ thao túng, áp bức tinh thần bằng cách lập group chat hoặc lập topic nói xấu trên diễn đàn trường học. Mái trường là nơi trang bị cho các em hành trang tri thức, nhưng nếu không may mắn, cũng có thể là nơi ẩn chứa những nỗi đau khôn lường đi cùng năm tháng.

Báo chí đã viết nhiều về đề tài này. Cả xã hội đã nhiều lần báo động. Nhưng báo động mãi rồi, vẫn chưa có giải pháp nào quyết liệt và triệt để. Nhiều giáo viên thú nhận rất lúng túng khi xử lý bạo lực học đường. Ở một số vụ việc, cách giải quyết đơn giản là đối thoại 3 bên gồm 2 gia đình và nhà trường. Đối thoại, nghĩa là xin lỗi và thoả hiệp, là răn đe bằng lời nói, thậm chí là bằng vài ba cái bạt tai của những ông bố, bà mẹ nóng tính. Nhiều trường đưa vào nội quy khi phát hiện bạo lực học đường mức độ cao nhất là đuổi học. Nhưng hình thức kỷ luật này cũng chẳng đặng đừng vì đơn giản loại bỏ học sinh đó ra khỏi môi trường học đường thì có thể sẽ lại càng gia tăng nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội, khi tâm lý và cảm xúc trẻ vị thành niên chưa ổn định.

Cách làm hay ở một số trường học nước ngoài, chúng ta có thể tham khảo. Trước hết, họ luôn cung cấp những khoá học tâm lý học đường cho đội ngũ giáo viên, nhà quản lý giáo dục. Tiếp đó, ở các trường duy trì các địa chỉ email để học trò có thể gửi gắm tâm sự, những chuyện tế nhị, khó nói. Bên cạnh đó, các cách xử phạt khi phát hiện bạo lực học đường cũng đáng lưu tâm, như hình thức cách ly tự vấn hoặc trải nghiệm cảm xúc. Cách ly tự vấn là để học sinh có hành vi bạo lực ngồi trong căn phòng yên tĩnh, viết ra giấy những hành vi của mình, tự đánh giá hành vi ấy gây tổn thương như thế nào đến bạn… Trải nghiệm cảm xúc là hình thức “đổi vai”, ví như bạn A có lời nói xúc phạm bạn B, thì bây giờ để bạn B đổi vai và tái hiện lại những lời nói ấy đến bạn A, để bạn A có thể hiểu hơn những tổn thương tinh thần mà bạn B phải chịu. Ngoài ra, ở một số trường học còn thành lập lực lượng chuyên trách xử lý bạo lực học đường, để khi có vụ việc xảy ra không bị bất ngờ, hốt hoảng và đưa ra cách ứng xử phù hợp.

Về phía gia đình, hơn ai hết, cần phải là những người theo sát với diễn biến cảm xúc và thay đổi trên cơ thể của con, em mình. Hãy lắng nghe con nói, đừng vội phủ nhận hoặc thốt ra những câu nói kiểu như “Chuyện nhỏ có gì đâu”, “Có thế mà cũng khóc”, “Do con quá yếu ớt”… Cũng đừng dạy con dùng bạo lực để khắc chế bạo lực. Bạn cần phải là người đồng hành cùng con trên hành trình ứng phó bạo lực một cách tỉnh táo, bình tĩnh; dạy con trở thành người mạnh mẽ, có chính kiến, biết tự bảo vệ mình một cách lý trí.


Tranh vẽ minh họa: Tư liệu