Đoạn đường từ nhà lên cơ quan dài gần 10 ki-lô-mét mà có đến 10 cụm đèn tín hiệu giao thông. Với nhiều người, hôm nào “đen” phải dừng khi gặp cả chuỗi “làn sóng đỏ” thì mất công dừng xe, tắt máy với xe ga và về số với xe số. Quả là rắc rối. Cộng thêm với đó là thời gian dừng chờ, vận hành lại xe, tương đương 10 cụm đèn là 10 phút. Gặp hôm nào đi làm sớm, thong dong thì còn thấy dễ chịu. Đúng hôm ngủ dậy muộn, chưa kịp ăn sáng, lao như tên bắn cho kịp giờ làm mà còn phải “khấu hao” thêm cả chục phút chờ tín hiệu đèn thì quả là “ức chế”.
Riêng tôi, trừ những lúc bất khả kháng, còn đều đặn như đồng hồ đã lên giây cót, tính toán quãng đường từ nhà đến cơ quan với vận tốc 40km/h thì hết bao nhiêu thời gian, cộng với thời gian dừng chờ đèn đỏ, phòng sự cố bất trắc xảy ra thì cứ túc tắc 6h30 phút khởi hành. Nhờ đó, tôi khá thong dong. Việc 45 giây dừng xe chờ tín hiệu đèn từ đỏ chuyển sang đèn xanh như một điều gì đó “đương nhiên, tất nhiên, ngẫu nhiên” với những đón đợi…
Đang di chuyển, đèn xanh nhảy đèn sang vàng, từ từ giảm tốc và về số, dừng xe, tắt máy ngó nghiêng quan sát xung quanh cũng lắm điều thú vị. Này nhé, trong hàng chục người dừng xe chờ đèn chuyển xanh đó, có rất ít người thuộc loại ung dung, thong dong như tôi. Lại có rất nhiều người nôn nóng, hết nhìn sang trái lại liếc sang phải, miệng “cài số lùi” rồi đếm: “45, 44, 43… 3, 2..” và khi còn 1, 2 giây nữa từ đỏ mới chuyển sang xanh thì đã đạp số, rồ ga và lao vút đi, cắt qua mặt tôi như một siêu anh hùng trong phim.
Và cũng vì tranh thủ một vài giây vượt trước tín hiệu đèn mà nhiều người khi tôi đang khởi động xe, vào số nhấn ga để đi tiếp thì đã nghe tiếng còi inh ỏi phía sau lưng như thúc giục. Nếu luống cuống chậm chân một xíu, ngay lập tức ăn chửi: “Cận hay sao mà không thấy còn mấy giây nữa là hết đèn đỏ. Đi đi, đứng ỳ ra đó làm gì nữa. Hôm sau, chậm rãi thế thì lùi về sau cùng nhá!”. Hoặc nặng nề hơn thì “Điếc à! Không nghe còi à! Như rùa!”.
Có thể họ bận việc gì đó, có thể họ quá gấp gáp để đưa con đến trường cho kịp giờ học, giờ thi; hoặc thanh niên kia, đang nôn nóng để đến đúng hẹn với người yêu, và cũng có thể, rất hy hữu, người thân của họ đang hấp hối trên giường bệnh, họ chỉ mong nhanh nhất có thể đến gặp mặt lần cuối, nói với nhau lời từ biệt… Nhưng “nhanh một vài giây, chậm một đời người”, 45 giây còn chờ được, một vài giây vội nữa cũng ích gì, lại tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Tôi đã từng chứng kiến, bên này, đèn đỏ vẫn còn 3 giây nữa mới chuyển xanh, anh kia đã kịp nhấn ga lao vọt lên; phía bên kia, tín hiệu đèn vừa chuyển vàng, tài xế kia cũng vội nên không “đi chậm lại” theo tín hiệu mà cố tranh thủ vượt qua ngã tư trước khi đèn chuyển đỏ. “Rầm”, cả hai ngã lăn ra đường, tiếp đến là tiếng còi xe cấp cứu hú vang… Nhanh – chậm một vài giây mà đánh đổi cả mạng sống, liệu có đáng? Nó không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân người vượt tín hiệu đèn mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác: người đi bộ sang đường, những phương tiện phía bên kia được phép lưu thông, là xe cấp cứu, cứu hỏa đang gấp rút làm nhiệm vụ…
Đứng trước vạch vôi trắng, chờ đợi 45 giây tín hiệu đèn mới thấy chỉ riêng việc chấp hành tín hiệu đèn xanh đỏ thôi mà cũng lắm kiểu, lắm thái độ, lắm trạng thái, lắm cung bậc cảm xúc: vui, buồn, cau có, tức giận, vội vàng, ung dung, thư thái… Riêng với tôi, việc tuân thủ tín hiệu đèn còn là sự kiên nhẫn, là ý thức chấp hành luật lệ giao thông, thể hiện tâm trạng, thái độ, tính cách của từng người… Nhưng dù bất kỳ với ai thì việc “thượng tôn pháp luật” phải đặt lên hàng đầu, là coi trọng an toàn tính mạng cho bản thân và những người xung quanh. Đừng vì vài giây dừng đèn đỏ mà đổi lại những điều đáng tiếc. Chợt nhớ bài thơ “Đèn giao thông” đã được học thuộc lòng từ khi mới học lớp chồi bậc mầm non: “Đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng/Ba đèn tín hiệu an toàn giao thông/Đi đường bé nhớ nghe không!/Đèn xanh tín hiệu đã thông đường rồi/Đèn vàng chậm lại dừng thôi/Đèn đỏ dừng lại, kẻo rồi tông nhau/Bé ngoan, bé giỏi thuộc làu/Xanh đi, đèn đỏ dừng mau đúng rồi”. Từ khi là đứa trẻ lên 3, chúng ta đã được giáo dục về luật lệ giao thông, lẽ nào giờ học hết trường này lớp nọ, được cấp bằng lái xe máy, ô tô mà lại “cố ý làm trái”?
Bài: Tuệ Anh
Ảnh minh họa: Tư liệu