Sống khổ trên vùng khoáng sản – Kỳ cuối: Chật vật trên kho báu đá đỏ

Chỉ mới mờ sáng, bà Chu Thị Hương (58 tuổi, bản Đồng Cộng, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu) đã phải vào rừng để làm thuê trong các vườn ươm. Công việc của bà Hương là dọn cỏ, với tiền công chỉ vỏn vẹn 100.000 đồng/ngày. Dù tiền công rẻ mạt, nhưng bà Hương nói rằng, dù sao cũng may mắn vì có việc mà làm. Không có ruộng, cũng chẳng có đất rừng, bà Hương cũng như nhiều hộ khác ở bản Đồng Cộng đành phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày. Con cái đã bỏ đi làm ăn xa, bà Hương sống một mình trong căn nhà gỗ xiêu vẹo cạnh Quốc lộ 48. “Ở đây không làm thuê như này chẳng biết kiếm sống bằng cách gì cả. Khổ lắm”, bà Hương nói.

Ngôi nhà bà Hương bên Quốc lộ 48.
Ngôi nhà bà Hương bên Quốc lộ 48.

Ông Phạm Quang Tấn – Trưởng bản Đồng Cộng cho hay, bản có hơn 170 hộ nhưng chỉ có vài hecta rừng để sản xuất. Vì thế mà rất nhiều hộ không có đất rừng, ruộng cũng không, đành phải đi làm thuê cho các vườn ươm, lâm trường. “Bây giờ trong bản hầu hết là người già. Thế hệ trẻ cứ học xong phải đi làm thuê xứ người, chứ ở quê chả biết làm gì để sống cả”, ông Tấn nói.

Cách đó không xa, tại bản Lầu 1, vợ chồng anh Lô Văn Giang và 4 người con cũng không có tấc đất nào để làm ăn, phải dựa vào vài sào ruộng của bố mẹ nhưng cũng không đủ gạo ăn. Không có việc làm, cả hai vợ chồng gửi con cho bố mẹ trông rồi đi làm thuê tứ xứ. “Ngày trước, trong rừng còn măng, mùa măng đi hái bán cũng kiếm được gạo ăn, nay măng cũng chẳng còn nữa, vì rừng đã bị phát nên hầu như không thể bám vào đâu để sống…”, anh Giang thở dài nói.

Không có đất để làm ăn sinh sống, trong khi hàng ngàn hecta đất rừng đang được giao cho Lâm trường Cô Ba quản lý, sản xuất khiến người dân bức xúc. Năm 2013, khoảng 1.000 người dân ở Châu Bình đã kéo vào các khu rừng của lâm trường quản lý để chặt phá cây, giành đất sản xuất. UBND tỉnh sau đó phải ra quyết định thu hồi 1.135 ha đất lâm nghiệp của lâm trường giao cho người dân. Thế nhưng, phần lớn diện tích này là rừng tự nhiên khoanh nuôi, không được phá để trồng keo, số còn lại nằm trong đất của dân. Không có đất đai để sản xuất, nhiều người dân phải phiêu bạt tứ xứ để làm thuê kiếm sống, trong khi đất rừng trồng keo bao bọc quanh bản đều là đất giao cho lâm trường quản lý.

Người dân Châu Bình đội mưa đi tìm đá đỏ trên đồi.
Người dân Châu Bình đội mưa đi tìm đá đỏ trên đồi.

Năm 2017, Lâm trường Cô Ba tiếp tục giao hơn 300 ha đất, trong đó một phần đất người dân đã định cư nên không thể chia cho dân sản xuất. Phần đất tốt để sản xuất lâm trường đang trồng keo, chưa đến kỳ khai thác nên vẫn phải đợi. Lâm trường Cô Ba hiện quản lý 5.000 ha đất rừng, trong đó có 1.100 ha rừng trồng keo và cao su. Theo lộ trình của UBND tỉnh Nghệ An, đến năm 2023, lâm trường phải trả 900 ha đất cho xã để chia cho dân.

Ông Kim Văn Duyên – Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình cho hay, địa phương có mỏ đá quý được ví như kho báu nằm trong nhà, nhưng đời sống người dân vẫn rất chật vật. Sau cơn lốc tìm kiếm đá đỏ, Châu Bình nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong quá trình doanh nghiệp khai thác, người dân gần như không được hưởng lợi gì ở mỏ đá quý này. Hơn 10.000 người dân của xã, trong đó khoảng 1/2 là người Kinh từ các huyện dưới xuôi đi kinh tế mới, đến làm công nhân lâm trường từ những năm 1960 sinh con đẻ cái, vẫn sống trong khó khăn. “Khó khăn nhất là đất sản xuất làm ăn của dân, không có đất nên dân phải tha hương làm thuê kiếm sống. Nhiều tiêu chí về xóa nghèo, hạ tầng, văn hóa cũng khó thực hiện”, ông Duyên nói.

Trong cơn sốt đá đỏ những năm đầu thập niên 90, một số hộ dân ở Châu Bình cũng đã may mắn giàu lên sau một đêm vì đãi được đá đỏ. Tuy nhiên, họ cũng chỉ sống trong giàu sang được một thời gian ngắn. “Nhiều người nghĩ dân Châu Bình may mắn vì có mỏ đá quý, nhưng hóa ra đó lại là bi kịch. Cơn sốt đá đỏ khiến người dân bỏ hoang đất đổ xô đi tìm vận may. Mọi ngọn đồi, bờ khe đều bị đào bới, lật tung để tìm đá đỏ. Sau này, phải mất rất nhiều năm cải tạo mới có thể tiếp tục canh tác. Trong khi đó, một số ít may mắn nhặt được đá đỏ bây giờ cũng sống trong đói nghèo vì nhiều nguyên nhân”, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình nói thêm.

Nghệ An có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loại khoáng sản có giá trị kinh tế và tiềm năng như đá hoa trắng, quặng thiếc, vàng, chì – kẽm, quặng sắt, đá quý, đá vôi xi măng, đá sét xi măng, cát sỏi, đất san lấp, khoáng sản làm vật liệu xây dựng…

Thủ phủ đá đỏ Châu Bình.
Thủ phủ đá đỏ Châu Bình.

Những năm gần đây, chủ trương của tỉnh là hạn chế cấp phép khai thác các loại khoáng sản, ngoài các khoáng sản thiết yếu như đất phục vụ san lấp, cát, sỏi, đá xây dựng. Gắn với đó, tỉnh cũng tăng cường các biện pháp, giải pháp quản lý nhà nước; phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm đối với từng cấp, từng ngành, địa phương trong bảo vệ, quản lý khoáng sản… Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, nhân dân địa phương cùng tham gia tích cực vào công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản; từng bước đưa công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nề nếp.

Tỉnh lộ 532 đoạn qua xã Châu Hồng tan nát vì hàng ngày phải oằn mình gồng gánh hàng ngìn xe tải chở khoáng sản.
Tỉnh lộ 532 đoạn qua xã Châu Hồng tan nát vì hàng ngày phải oằn mình gồng gánh hàng ngìn xe tải chở khoáng sản.

Cũng không thể phủ nhận, hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khai thác thiếu trách nhiệm với môi trường, với người dân địa phương đã gây ra các hệ lụy nghiêm trọng. Vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn thường xuyên xảy ra.

Một vị lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho hay, hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong thời gian qua trên địa bàn đã gây ra nhiều phiền toái cho người dân địa phương, khiến cho người dân cứ nhìn thấy có doanh nghiệp đến khai thác là sợ. “Đáng lẽ, địa phương nào giàu tài nguyên khoáng sản, thì đời sống của người dân địa phương đó phải được sung túc. Tuy nhiên, có vẻ như hoạt động khai khoáng đang khiến đời sống cư dân trở nên tệ hơn vì ô nhiễm bụi, không khí, vì tiếng ồn,”vị này nói.

Hố sụt lún ở Châu Hồng.
Hố sụt lún ở Châu Hồng.

Còn một vị nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hoạt động khai thác khoáng sản có những tác động rất đặc thù đối với môi trường, khác với các ngành công nghiệp khác, khai thác khoáng sản có thể làm vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan, tạo ra các bãi thải hoặc hồ chứa lớn. Chưa kể tình trạng sạt lở bãi thải, sụt lún lòng đất, ô nhiễm bụi, nguồn nước… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân cư tại địa phương đó. Trong khi đó, đối với mỗi doanh nghiệp, mục tiêu đầu tiên khi tham gia bất cứ lĩnh vực nào chính là lợi nhuận kinh tế. Và nếu không có sự quản lý, giám sát thật chặt chẽ của chính quyền các địa phương, chắc chắn vấn đề môi trường sẽ bị doanh nghiệp “đánh đổi” với lợi ích của chính họ.

“Thời gian tới, cần phải hướng tới mục tiêu đảm bảo để đời sống của người dân tại địa phương có nguồn khoáng sản được sung túc đầy đủ, không thể để nghịch lý như hiện nay, địa phương nào càng giàu khoáng sản, người dân địa phương đó càng khó khăn, chật vật”, vị nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nói thêm.