Sống khổ trên vùng khoáng sản – Kỳ 2: Bi kịch mưu sinh và sự “đánh mất” bình yên

Buổi sáng ngày cuối tháng 10, một nhóm người cưỡi trên những chiếc xe máy cà tàng, phóng lên đỉnh núi Lan Toong. Tiếng gầm rú phát ra từ động cơ của những chiếc xe hết “date” mỗi lần vượt con dốc xé toang bầu không khí im lặng giữa núi rừng thăm thẳm. Đó là hình ảnh những đội quân đi mót quặng thiếc ở “thủ phủ khoáng sản”.

Lan Toong là ngọn núi nằm giáp ranh giữa xã Châu Hồng và xã Châu Thành. Sau nhiều năm khai thác quặng thiếc, ngọn núi này bây giờ như một tổ ong, với chi chít miệng lỗ mà các doanh nghiệp bỏ lại. Từ các miệng lỗ này dẫn vào sâu trong lòng núi là một hệ thống đường hầm chằng chịt. Người lạ đi vào trong này, nếu không tập trung rất dễ bị lạc. Sau nhiều năm khai thác quặng thiếc, nhiều doanh nghiệp rời đi nhưng không chịu hoàn thổ theo quy định, để lại những đường hầm dài hàng chục km dưới lòng núi. Để kiếm kế sinh nhai, người dân địa phương đã liều lĩnh chui vào những đường hầm này để mót số vỉa quặng ít ỏi còn sót lại. Trong những năm qua, đã có nhiều vụ sập hầm, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Tuy nhiên, chỉ vì miếng cơm, manh áo, họ vẫn phải đánh cược với thần chết.

Bên trong đường hầm mót quặng thiếc.
Bên trong đường hầm mót quặng thiếc.

Cho đến bây giờ, anh Lương Văn Hiển (33 tuổi) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại vụ sập hầm cướp đi sinh mạng của người vợ trẻ. Vợ anh Hiển là 1 trong 3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập hầm trên núi Lan Toong hơn 3 năm trước. Hôm đó, cũng như hàng chục hộ dân khác ở đây, vợ chồng anh Hiển chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng lên núi. Đó là ngày làm việc đầu tiên của vợ chồng anh trong năm.

“Lúc đó vừa ăn cơm xong. Tôi đã cảnh báo người hàng xóm là chỗ đó nguy hiểm, đừng đục nữa. Nhưng anh ấy vẫn cố mót thêm một chút. Đang đục thì khối đá trên đầu đổ sập xuống. Vợ chồng hàng xóm không kịp kêu lên một tiếng”, anh Hiển kể. Vợ anh Hiển cũng bị một phần của khối đá đè lên người. Hôm đó, cả bản Chảo của anh Hiển chìm trong tang tóc. 3 chiếc xe tang nối nhau ra bãi tha ma, khiến không ít người dân bản này có chút rùng mình khi nghĩ đến công việc của họ. Đặc biệt, khi mà đây không phải lần đầu tiên, người dân bản địa phải bỏ mạng trên núi này. Nhưng chỉ vài ngày sau, dẹp nỗi sợ sang một bên, họ lại đổ xô lên núi Lan Toong, tiếp tục với công việc mót quặng thiếc quen thuộc.

Những ngọn núi nham nhở ở thủ phủ khoáng sản.
Những ngọn núi nham nhở ở thủ phủ khoáng sản.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn thiếc trong các đường hầm này đã được doanh nghiệp tận thu hết, chỉ còn sót lại những mảnh nhỏ ẩn bên trong các tảng đá lớn bên vách hầm. Dân mót quặng sẽ dùng đèn pin rọi vào, những người làm nghề mới nhận ra đâu là đá bình thường, đâu là thiếc. Sau đó, họ dùng búa đục đẽo, nếu không khéo hoặc đụng phải những vết nứt có sẵn, đường hầm sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, do bỏ hoang đã lâu, những cọc chống bằng gỗ ở trong hầm cũng đã bị mục rỗng, nhiều cọc gãy nát nằm chỏng chơ. Sau những lần tai nạn chết người, những người mót quặng cũng có chút lo sợ. Nhưng lòng núi cũng chỉ yên ắng được vài ngày, bởi sau đó, sự túng quẫn, cái nghèo lại thôi thúc họ tiếp tục mưu sinh với cái nghề ấy.

“Ở đây có nhiều mỏ quặng lắm. Nhưng họ không thuê người địa phương làm. Vì thế, chúng tôi phải dựa vào nghề mót quặng này. Biết nguy hiểm nhưng cũng chẳng biết làm gì khác để mưu sinh”, anh Hiển nói thêm.

Từ cuối năm 2019, hàng loạt giếng nước ở xã Châu Hồng bắt đầu cạn trơ đáy. Sau đó là các “hố tử thần” lần lượt xuất hiện. Đến nay, đã có 300 giếng cạn nước, 232 ngôi nhà bị nứt nẻ, chưa kể hàng loạt công trình như trụ sở xã, trường học cũng lâm vào cảnh tương tự, đe dọa tính mạng của người dân. Đỉnh điểm là từ tháng 3/2022. Nhiều hộ dân “mất ăn, mất ngủ” suốt thời gian dài, có người phải đi sơ tán, người thì cả gia đình phải chuyển ra ở mái hiên, nhà kho vì lo sợ sập nhà. Nguyên nhân ban đầu được nhận định do doanh nghiệp khai thác quặng làm cạn kiệt nguồn nước ngầm.

Bà Huân bật khóc nức nở khi chứng kiến ngôi nhà của người con gái bị sụt lún, nứt nẻ.
Bà Huân bật khóc nức nở khi chứng kiến ngôi nhà của người con gái bị sụt lún, nứt nẻ.

Chứng kiến ngôi nhà kiên cố của vợ chồng người con gái đang có nguy cơ đổ sập, bà Lương Thị Huân (70 tuổi) bật khóc nức nở. Cạnh đó, nhiều người đang khẩn trương di chuyển tài sản ra khỏi căn nhà, với những ánh mắt đầy hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, bà Huân và nhiều người dân xã Châu Hồng uất ức, phải bật khóc thành tiếng như vậy. Hàng chục năm nay, họ đã phải sống trong cảnh khốn khổ, khó khăn đủ bề chỉ vì mảnh đất này là thủ phủ của khoáng sản.

Xã Châu Hồng là một thung lũng khá rộng, được bao bọc bởi những dãy núi đá sừng sững. Nhưng những dãy núi đó bây giờ đã lở loét, tật nguyền sau hàng chục năm bị khai thác khoáng sản. Theo các bậc cao niên, ở đây chủ yếu là đồng bào Thái, sinh sống từ nhiều đời nay. Trước đây, phía trước là những ruộng lúa bạt ngàn. Trên núi, có đủ mọi loại sản vật. Những ngày nông nhàn, họ vẫn thường đi dọc bờ suối tìm khoáng sản bán, kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống ở xã Châu Hồng khá sung túc, cho tới một ngày doanh nghiệp khai thác khoáng sản đến. Đó là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Hiện nay, trên địa bàn xã có đến 13 doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản. Có giai đoạn, tại xã này có đến hơn 30 doanh nghiệp được cấp phép, chưa kể tình trạng khai thác chui. Cũng chính vì thế, xã Châu Hồng còn được gọi với cái tên là “thủ phủ khoáng sản”.

Hố sụt lún ở Châu Hồng.
Hố sụt lún ở Châu Hồng.

Anh Nguyễn Văn Sáu (38 tuổi) ở bản Poòng, xã Châu Hồng cho biết, hầu hết đất nông nghiệp của người dân trong bản đã được chuyển nhượng cho một công ty từ hơn 30 năm nay để khai thác quặng thiếc bên dưới. “Ngày đó, phía công ty hứa sẽ khai thác theo kiểu cuốn chiếu. Cứ làm xong chỗ nào họ sẽ hoàn thổ chỗ đó rồi trả lại cho người dân canh tác tiếp. Nhưng chờ mãi, hơn 30 năm rồi vẫn không thấy họ trả”, anh Sáu nói và chỉ tay về bãi đất trống ngay đầu bản. Đó vốn dĩ là ruộng lúa của gia đình từ hàng chục năm trước. Sau khi công ty khai thác xong, không hiểu sao, thay vì hoàn thổ trả lại cho dân canh tác thì chính quyền địa phương lại giao cho những doanh nghiệp khác tiếp tục khai thác, đồng thời làm bãi thải.

Bản Poòng là bản đông đúc nhất ở xã Châu Hồng, với 146 hộ dân. Tuy nhiên, cả bản nay chỉ còn vỏn vẹn 4,5 ha đất sản xuất, trong đó, nhiều diện tích là do người dân mới khai hoang. Trước đây, họ còn có thể dựa vào rừng để kiếm kế sinh nhai, nhưng những cánh rừng xung quanh nay cũng đã được quy hoạch vào rừng phòng hộ, không thể đụng tới. Nhiều hộ không có nổi mảnh đất canh tác, trong khi các mỏ quặng lại không chịu nhận người địa phương vào làm việc, họ đành phải bỏ quê, đi mưu sinh nơi xứ người.

Giếng nước đã cạn trơ đáy. Nếu như ngày xưa, người dân chỉ cần đi vài trăm mét, đến con khe gần đó là có thể dễ dàng lấy được nước sinh hoạt về dùng. Nhưng từ nhiều năm nay, kể từ khi những mỏ quặng mọc lên, nước ở các con khe cũng không thể dùng được nữa vì ô nhiễm. Dòng sông Nậm Tôn chảy qua đây cũng ô nhiễm nghiêm trọng, đổi sang màu đỏ ngầu suốt hàng chục năm qua. Quá trình khai thác, chế biến làm giàu quặng thiếc đã phát sinh nhiều kim loại nặng như Asen, Crom… Đây là những tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng nước, và về lâu dài sẽ nguy cơ gây bệnh ung thư.

Vết nứt nẻ tại một căn nhà ở Châu Hồng.
Vết nứt nẻ tại một căn nhà ở Châu Hồng.

Không chỉ thiếu đất canh tác, thiếu nước sạch, người dân cũng gặp khó trong việc chăn nuôi. Cả bản bây giờ, số hộ nuôi trâu, bò chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Nhiều người không dám nuôi nữa đâu. Nó cứ chết dần, chết mòn. Trâu, bò ở đây muốn nuôi phải nhốt lại, lấy nước sạch về cho uống. Chứ thả rông rồi uống nước suối bị ô nhiễm, đằng nào cũng chết cả”, bà Lương Thị May (45 tuổi) nói. Cách đây không lâu, bà May vừa phải mổ thịt con bò duy nhất của mình. Một ngày trước, nó lăn đùng ra chết. Mổ bụng, bên trong dạ dày chỉ toàn cát.