Sống khổ trên vùng khoáng sản – Kỳ 1: Bất an vì sống gần mỏ đá

Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mỏ đá cạnh nhà nổ mìn, 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Dung (42 tuổi, bản Lộc Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) lại kéo nhau xuống gầm của tấm phản gỗ đặt trước hiên nhà để nằm trú tránh. “Mỏ đá có khung giờ nổ mìn cố định, cứ ngày 2 lần, vào 11h trưa và 17h chiều. Vì thế mà mấy mẹ con cứ hẹn giờ trên điện thoại, gần đến giờ đó là xuống dưới phản nằm cho an toàn!…”, chị Dung nói.

Viên đá trắng mới nhất rơi xuống nhà chị Dung.
Viên đá trắng mới nhất rơi xuống nhà chị Dung.

Ngôi nhà của chị Dung nằm sát Tỉnh lộ 532. Ngay phía sau và bên hông nhà chị Dung là hàng loạt mỏ khai thác đá trắng. Trong đó, gần nhất là mỏ đá của Công ty TNHH invecon Quỳ Hợp. Sống quá gần với mỏ đá, chị Dung đã quá quen thuộc với cảnh đá văng xuống nhà mình. “Cách đây ít ngày, đến giờ nổ mìn nhưng tôi quên mất, không kịp đi trú tránh. 2 mẹ con đang cho gà ăn phía sau nhà thì mìn nổ làm đá văng xuống nhà, rơi cách chỗ tôi đứng chừng 2 mét. Thật nguy hiểm”, chị Dung nói, trên tay là viên đá trắng to bằng 2 nắm tay.

Không chỉ bị đe dọa tính mạng bởi những viên đá, chị Dung và những hộ dân ở đây còn bị hành hạ bởi tiếng ồn và bụi bặm. Để ứng phó, những hộ dân ở đây phải bịt kín quanh nhà bằng nhiều lớp. Cánh cửa kính 2 lớp của nhà chị Dung luôn đóng kín mít…

Bản Lộc Tiến chỉ có vỏn vẹn 14 hộ dân. Năm 2021, sau nhiều năm bị các mỏ đá tra tấn, 8 hộ dân đã được các công ty hỗ trợ tiền để di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, điều vô lý nhất là trong số các hộ dân, căn nhà của chị Dung gần mỏ đá nhất lại không được hỗ trợ tiền để di dời. “Nhà tôi gần mỏ đá nhất, chỉ cách chưa đầy 100m. Nhà cũng đầu tư xây dựng khang trang nhất. Nhưng không hiểu sao lại không được hỗ trợ. Căn nhà là tài sản duy nhất của 3 mẹ con. Chúng tôi cũng rất muốn chuyển đi nơi khác cho an toàn. Nhưng cũng phải có tiền mới chuyển được”, chị Dung nói.

Mỗi lần mỏ đá nổ mìn, chị Dung cùng con phải xuống phản trú tránh.
Mỗi lần mỏ đá nổ mìn, chị Dung cùng con phải xuống phản trú tránh.

Ngoài hộ chị Dung, xung quanh đó còn có 5 hộ dân khác. Những hộ này thì cách mỏ đá xa hơn. Tuy nhiên, mới đây 5 hộ dân này cũng đã có đơn gửi UBND huyện Quỳ Hợp phản ánh về việc Công ty TNHH invecon Quỳ Hợp khai thác đá trắng làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Các hộ dân cho rằng, quá trình khai thác đá của công ty gây ô nhiễm nặng không khí, bụi từ khai thác đá về bột đá, xe chở nguyên liệu đá, bụi bặm gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài; ô nhiễm tiếng ồn từ nổ mìn, máy đập đá, máy xay đá, chấn động làm rạn nứt nhà ở và các công trình phụ của cả 5 hộ. Mong muốn của các hộ dân là yêu cầu công ty bồi thường để di dời đến nơi ở mới.

UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, sau đó địa phương đã lập đoàn kiểm tra. Kết quả kiểm tra thực địa đã xác định khoảng cách từ khu vực phụ trợ (khu vực chế biến) của công ty đến nhà của hộ dân gần nhất là 261m, nhà của hộ dân xa nhất là 410m. Khoảng cách từ khu vực mỏ (điểm khai thác giáp Công ty Á Châu) của Công ty TNHH invecon Quỳ Hợp đến nhà của hộ dân gần nhất là 260m, nhà của hộ dân xa nhất là 410m. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra này lại chưa đến đo khoảng cách trường hợp của nhà chị Dung.

Một viên đá trắng khá lớn rơi xuống tỉnh lộ 532 sau khi nổ mìn đoạn qua bản Lộc Tiến.
Một viên đá trắng khá lớn rơi xuống tỉnh lộ 532 sau khi nổ mìn đoạn qua bản Lộc Tiến.

Đoàn kiểm tra cũng cho biết, tại thời điểm kiểm tra, công ty đang khai thác và chế biến đá, có phát sinh tiếng ồn, bụi. Tuy nhiên, khu vực nhà ở các hộ dân gần với vị trí khai thác, chế biến khoáng sản của nhiều công ty như: Công ty TNHH invecon Quỳ Hợp, Công ty cổ phần Khoáng sản Nghệ An, Công ty cổ phần Khoáng sản Omya Việt Nam. UBND huyện Quỳ Hợp cho rằng, khoảng cách từ nhà ở các hộ dân đến các vị trí khai thác của các công ty tương đối xa, mặt khác nhà ở của các hộ dân giáp với Tỉnh lộ 532, các phương tiện vận tải đi lại nhiều nên phát sinh nhiều bụi; do đó để khẳng định công ty khai thác, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm bụi, gây tiếng ồn, độ rung làm nứt nhà là chưa có cơ sở.

“Công ty đã được cấp có thẩm quyền cấp phép về hoạt động mỏ, xây dựng khu phụ trợ với đầy đủ các loại giấy phép. Nên việc đánh giá hoạt động của công ty có vượt quá quy định được cấp phép hay không, UBND huyện không có đủ chuyên môn để đánh giá mà cần có sự kiểm tra, kết luận của cơ quan có thẩm quyền”, lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp nói và cho hay, về mong muốn của các hộ dân, yêu cầu công ty bồi thường để di dời nơi ở mới, UBND huyện đã làm việc với Công ty TNHH invecon Quỳ Hợp để nêu vấn đề mong muốn của các hộ dân. Tuy nhiên, phía công ty không đồng ý với nội dung đề nghị của các hộ dân.

Cùng cảnh ngộ với bà con bản Lộc Tiến, các hộ dân người Khơ mú ở bản Kim Đa (xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn), nhiều năm nay cũng khốn khổ vì sống cạnh mỏ đá lớn nhất huyện. Gần đây nhất, khoảng 11h trưa 14/9/2022, người dân trong bản đang nghỉ trưa thì nghe tiếng nổ lớn từ mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường bên cạnh. Ngay lập tức, những viên đá bay ào ào xuống nhà dân ở bản Kim Đa làm 6 nhà dân bị đá bắn thủng mái fibro và ngói. “Cũng may là hôm nay nhiều hộ ở trong rẫy không về nhà. Số lượng nhà bị hư hỏng sau khi kiểm đếm xong có thể nhiều hơn” – Trưởng bản Cụt Văn Thắng nói.

Những viên đá rơi xuống bản Kim Đa sau 1 lần nổ mìn.
Những viên đá rơi xuống bản Kim Đa sau 1 lần nổ mìn.

Vụ nổ mìn làm đá văng lần này là của mỏ đá Công ty TNHH Hồng Trường khiến 1 bé gái bị thương. Bé gái này chỉ mới hơn 1 tuổi. “Bé gái đang đắp chăn ngủ một mình trên giường thì đá bay xuống nhà, làm vỡ mái ngói. Rồi những viên ngói này rơi xuống trúng vào người cháu. Cũng may là đắp chăn nên đỡ nghiêm trọng”, ông Thắng kể.

Đây không phải là lần đầu mỏ đá này nổ mìn làm hư hỏng nhà cửa, người dân bị thương. Trước đó, ngày 3/4/2022, công nhân ở mỏ đá này nổ mìn đã khiến đá văng hàng trăm mét, làm 2 người bị thương và 23 ngôi nhà cùng nhiều đồ đạc, vật dụng trong nhà bị hư hỏng. Sau đó, phía mỏ đá đã khắc phục bằng cách mua các tấm fibro về để lợp mới cho các hộ dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Hồng Trường được cấp phép khai thác đá tại đây từ năm 2004. Cạnh đó còn có một mỏ đá của một doanh nghiệp khác. Khu vực mỏ đá của Công ty TNHH Hồng Trường cách nhà dân gần nhất chỉ chừng 200m. Tuy nhiên, vụ nổ mìn này đã khiến những tảng đá lớn, nhỏ văng xa gần 400m. Không chỉ bị uy hiếp bởi những vụ nổ mìn, người dân ở đây cũng phải hứng chịu bụi bẩn, ô nhiễm tiếng ồn từ các mỏ đá. Chưa kể, những đợt mưa lớn, đá nhỏ từ khu vực mỏ đá chảy tràn xuống rẫy của người dân bên cạnh, khiến họ không thể sản xuất được. Theo lãnh đạo xã Phà Đánh, từ nhiều năm nay, trong hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh bức xúc về những tình trạng này.

Một góc mỏ đá Hồng Trường, bên cạnh nhà của các hộ dân bản Kim Đa.
Một góc mỏ đá Hồng Trường, bên cạnh nhà của các hộ dân bản Kim Đa.

“Sau khi có Báo Nghệ An phản ánh, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra xử phạt mỏ đá hàng trăm triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 3 tháng. Tuy nhiên, khi mỏ đá quay trở lại hoạt động, nỗi lo của người dân lại tái diễn. Chúng tôi cần giải pháp lâu dài. Vấn đề là mỏ đá quá gần khu dân cư, trong khi người dân sinh sống ở đó lâu đời rồi”, vị lãnh đạo xã Phà Đánh nói.