Mùa Đông đã gõ cửa mỗi ngôi nhà, cái lạnh se se đầu mùa khiến ta muốn rời phố thị, đến với một vùng quê để được hòa mình vào cảnh sắc, xua tan những âu lo của cuộc sống thường ngày. Một năm đối mặt với dịch bệnh, thiên tai, bão lụt, đây chính là lúc con người cần thư giãn, nghỉ ngơi để tiếp thêm nguồn năng lượng mới, chuẩn bị sẵn sàng cho những hành trình tiếp theo.
Xứ Nghệ xưa nay được biết tới bởi thời tiết khắc nghiệt, hết nắng hạn đến bão lũ, rồi rét đậm rét hại triền miên. Nhưng không vì thế mà con người nơi đây cam chịu mà ngược lại luôn có ý chí vươn lên để gặt hái những mùa quả ngọt.
Thời điểm này, những vườn cam, vườn ổi… bắt đầu chín rộ, mời gọi những du khách xa, gần tìm về thưởng thức. Trải qua một mùa hè bỏng rát, những ngày mưa xối xả, những quả cam vẫn bám lấy thân, cành và tích đầy vị ngọt. Dường như, sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu đã cho cây cam cứng cỏi để bảo tồn sức sống và giữ quả ngọt cho đời.
Vì thế, nhiều địa phương ở Nghệ An đã quy hoạch và phát triển các loại cây ăn quả khác ngoài cam, giúp bà con mang lại nguồn thu nhập lớn. Thương hiệu cam Xã Đoài (Nghi Lộc), cam Vinh, Phủ Quỳ và Con Cuông lâu nay đã trở nên nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh. Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, cam là một thương hiệu ở mỗi vùng miền Nghệ An nói chung và các loại cây ăn quả khác có hương vị khác nhau, làm nên nét đặc trưng riêng biệt.
Cuộc sống ngày một đi lên, thay vì mua cam ở chợ và siêu thị, nhiều người tìm về tận trang trại để tự tay hái những quả cam, nhấm nháp hương vị ngọt lành. Dịp này, những trang trại cam ở Nghi Diên (Nghi Lộc), Đồng Thành (Yên Thành), Yên Khê (Con Cuông), Minh Hợp (Quỳ Hợp) và Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn) và bơ Nghĩa Phú (Nghĩa Đàn), vườn ổi Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) đón hàng nghìn lượt du khách về tham quan, thưởng thức.
Đến từ thành phố Vinh, anh Nguyễn Minh Hải chia sẻ: “Trong năm, mấy lần gia đình lên kế hoạch đi du lịch đều không thành vì dịch bệnh bùng phát và mưa lũ kéo dài. Thời điểm cuối năm mọi thứ đã thuận lợi, tôi và nhóm bạn đưa gia đình lên vùng Phủ Quỳ trải nghiệm các khu trang trại cây ăn quả, được gần gũi với thiên nhiên và hiểu thêm về cuộc sống của bà con nông dân”.
Cũng theo anh Hải, được rảo bước giữa trang trại cam, ổi bạt ngàn, tự tay hái những trái cam, ổi trĩu cành, chín mọng và thưởng thức hương vị ngọt lành thực sự thú vị, khác hẳn khi thưởng thức tại nhà. Quan trọng hơn là có được cảm giác thư thái và thân tình, như tìm lại được những năm tháng tuổi thơ chân chất, mộc mạc và rũ bỏ được những âu lo đời thường.
Cùng với trang trại cây ăn quả, các trang trại tổng hợp và chăn nuôi cừu, đà điểu, bò ở thị xã Thái Hòa và huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành cũng đang được nhiều du khách tìm đến trải nghiệm.
Từ mấy năm nay, Nghệ An đã xây dựng được sản phẩm du lịch hấp dẫn trong những tháng mùa Đông – Xuân. Đó là những khu vườn, thung lũng và cánh đồng hoa bạt ngàn, đa sắc màu ở vùng đất Phủ Quỳ. Có thể kể đến Vườn hoa hồng cổ ở phường Hòa Hiếu (thị xã Thái Hòa) với hàng nghìn gốc hồng đang kỳ nở hoa khoe sắc. Vườn hồng được chủ nhân kỳ công chăm chút, gửi gắm niềm đam mê và tình yêu thiên nhiên, từ đó truyền cảm xúc vui tươi, yêu đời cho những ai có dịp đến thưởng ngoạn.
Đặc biệt, về ngắm hoa ở miền đất đỏ, không thể không đến thưởng ngoạn Thung lũng hoa Phủ Quỳ và Trang trại Trương Gia Trang ở xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn). Nơi đây, cảnh sắc tựa như Đà Lạt thu nhỏ, có núi đồi nhấp nhô, rừng thông reo trong gió, hồ nước trong xanh, chim muông hót líu lo như bản tình ca lãng mạn.
Và đương nhiên, nói đến Đà Lạt thu nhỏ hay Đà Lạt của xứ Nghệ không thể không nói đến các loài hoa đang kỳ khoe sắc. Những bông cẩm tú cầu với vẻ đẹp rực rỡ, vừa thơ mộng, vừa hoang dã khiến nhiều người mê mẩn, được người dân nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Anh hết sức ưa chuộng. Loài hoa này hiện đã có mặt ở trang trại Trương Gia Trang mang lại niềm vui và nhiều xúc cảm cho du khách.
Những sườn đồi thoai thoải được điểm tô bằng sắc màu của các loài hoa như tam giác mạch, cúc họa mi, cánh bướm… như một bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa bao la tít tắp nhưng cũng rất đỗi gần gũi, nên thơ. Du khách được thả mình trong khung cảnh thơ mộng, những làn gió quyện hương thơm ngát giữa đồi núi trập trùng, mặt hồ phẳng lặng. Khung cảnh ấy không còn chỗ cho những lo lắng, ưu phiền, chỉ còn niềm hân hoan, thư thái và ngập tràn hy vọng.
Đến từ phố biển Cửa Lò, chị Phùng Thanh Mỹ bộc bạch: “Qua mạng xã hội Facebook, biết ở Nghĩa Đàn có thung lũng và vườn rất đẹp, vào dịp cuối tuần nhóm bạn chúng tôi rủ nhau đến thưởng ngoạn. Đến đây, chúng tôi đã có được sự trải nghiệm thú vị, được hòa mình vào cảnh sắc tươi đẹp và có được những tấm ảnh check-in độc đáo, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trên hành trình khám phá”.
Dưới góc độ một người làm lữ hành, anh Võ Bá Nguyên – Giám đốc một công ty dịch vụ lữ hành ở thành phố Vinh cho biết: “Vừa rồi, tôi có tham gia đoàn khảo sát các sản phẩm du lịch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Sở Du lịch tổ chức và nhận thấy tiềm năng của Nghệ An rất lớn, đặc biệt là thung lũng hoa ở Phủ Quỳ không khác gì ở Đà Lạt. Đây là điểm đến lý tưởng trong thời điểm cuối năm, chúng tôi đang xây dựng thành các tour để giới thiệu khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Được biết, mới đây, Sở Du lịch đã tổ chức cho các đơn vị lữ hành khảo sát một số mô hình phát triển du lịch canh nông để thực hiện tái kích cầu du lịch sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần hai. Cũng như anh Võ Bá Nguyên, hầu hết đại diện các công ty lữ hành đều đánh giá cao tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch canh nông của Nghệ An và xây dựng kế hoạch kết nối các điểm đến vào thời điểm cuối năm 2020.
Hiện nay, một số mô hình du lịch canh nông gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được đề xuất để khai thác, phát triển và xây dựng thành các tour, điểm du lịch. Tiêu biểu là mô hình trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn theo tuyến đường Hồ Chí Minh: tham quan mô hình trang trại của Công ty rau sạch FVF kết hợp tham quan các đồi hoa, trang trại cừu xã Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn).
Mô hình tham quan Hợp tác xã Sen quê Bác, thăm vườn cây trái ở Kim Liên (Nam Đàn) kết hợp với khám phá đảo chè (Thanh Chương); mô hình du lịch nông nghiệp tại bản Pha (Yên Khê) gắn với sản phẩm cam, tham quan nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm dệt thổ Cẩm bản Xiềng (Môn Sơn), kết nối với rừng tre và nghề chế biến tre mỹ nghệ ở Châu Khê (Con Cuông), ngắm rừng Săng Lẻ (Tương Dương). Theo tuyến đường 48 lên tham quan khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (Diễn Châu), trang trại đà điểu xã Sơn Thành (Yên Thành)…
Bà Nguyễn Thị Thành An – Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch nội địa đến Nghệ An trong dịp mùa đông – xuân. Cùng với việc khuyến khích hoàn thiện các sản phẩm du lịch canh nông, việc ưu đãi giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, các nhà hàng, các điểm mua sắm đủ điều kiện phục vụ khách đảm bảo an toàn, tiện lợi cho du khách cũng được quan tâm đặc biệt”.