“Bắt đường hỏng, cõng đường mới”

Ghé thăm xóm 2, xã Nam Anh vào một sáng mùa Thu mát mẻ, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông nông thôn thoáng rộng, sạch sẽ, nhất là tuyến đường điểm râm bóng hoa ban, bao quanh những chiếc ao lớn được ví như “ hồ điều hòa” mang lại cảnh quan mát mẻ, yên bình.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh xóm, Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 2 Trần Văn Châu (SN 1974) chia sẻ với một chất giọng đầy tự hào: “So với thời tôi bắt đầu làm cán bộ xóm năm 2016 thì cảnh quan, đường sá của xóm hiện nay đã lột xác hoàn toàn. Trước đây có những con đường đất, đường sỏi hoặc đường đổ bê tông đã xuống cấp, mỗi khi mưa lụt rất bẩn. Còn hiện nay, đường của xóm 2 đã bê tông hóa 100%, các hệ thống mương 73% có nắp đậy”.

Xóm 2 có 235 hộ, 998 khẩu, người dân chủ yếu làm nông nghiệp kết hợp dịch vụ hoặc đi làm công nhân. Khi cấp trên có chủ trương hỗ trợ xi măng, chi ủy, Ban Cán sự xóm đã họp, đả thông tư tưởng trong đội ngũ đảng viên, với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Sau đó, xóm tiến hành họp tổ trưởng, tổ phó các tổ tự quản tuyên truyền, quán triệt tạo sự thống nhất trong đội ngũ này, để các tổ tự quản tự họp bàn, cho ý kiến và xóm tổ chức họp thống nhất phương án triển khai cũng như thu kinh phí. Đối với những hộ còn băn khoăn, chưa thống nhất thì phải kiên trì công tác tuyên truyền, vận động.

Con đường điểm sạch đẹp ở xóm 2 xã Nam Anh sau khi được nâng cấp; Bên cạnh làm đường, người dân xóm 2 mở rộng ao để điều hoà khí hậu, làm đẹp cảnh quan.
Con đường điểm sạch đẹp ở xóm 2 xã Nam Anh sau khi được nâng cấp; Bên cạnh làm đường, người dân xóm 2 mở rộng ao để điều hoà khí hậu, làm đẹp cảnh quan.

“Đến nhà không gặp thì canh lúc họ ra đồng để tiếp cận, tuyên truyền giúp họ hiểu rõ đây là chủ trương ưu tiên của cấp trên cho xã, cho xóm nên nhân dân phải tranh thủ, nếu không làm thì sẽ phân về đơn vị khác, bỏ lỡ cơ hội “khoác áo mới” đẹp hơn, thoáng hơn cho đường thôn xóm. Hơn nữa, làm đường mới sẽ thuận lợi cho nhân dân đi lại sinh hoạt, sản xuất, rộng rãi thoáng mát… Sau khi nhận được sự đồng thuận của nhân dân, cấp ủy, ban chỉ huy, Ban công tác Mặt trận xóm đăng ký nhận xi măng với xã và triển khai theo phương châm công khai, minh bạch “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” – Bí thư chi bộ kiêm Xóm trưởng Trần Văn Châu cho hay.

Lãnh đạo xã Nam Anh trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tứ - hộ tiên phong hiến đất mở đường ở xóm 2.
Lãnh đạo xã Nam Anh trò chuyện với bà Nguyễn Thị Tứ - hộ tiên phong hiến đất mở đường ở xóm 2.

Được biết, từ năm 2021 đến nay, xóm đã huy động được kinh phí 673 triệu đồng để làm đường. Trong quá trình triển khai, một số hộ tự nguyện hiến đất, lùi vào để mở rộng đường như hộ bà Nguyễn Thị Tứ (66 tuổi) hiến 70m2 bám mặt đường trục chính của xã (giá đất 10 triệu đồng/m2). Trò chuyện với chúng tôi, bà Tứ mộc mạc chia sẻ: “Vẫn biết “tấc đất, tấc vàng” nhưng đẹp làng, đẹp xóm cũng là đẹp nhà mình, nên khi xã và xóm có chủ trương nâng cấp đường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tôi đã bàn với 3 đứa con trai lùi bờ rào vào, tạo điều kiện để đảm bảo đường thông thoáng và các con tôi đều nhất trí. Đến giờ, không riêng gì tôi mà ai cũng nhận thấy chủ trương mở rộng, nâng cấp đường là hoàn toàn đúng đắn”.

Lãnh đạo xã Nam Anh trao đổi với Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 2 về công tác tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận trong nhân dân.
Lãnh đạo xã Nam Anh trao đổi với Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 2 về công tác tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận trong nhân dân.

Mới rồi, xóm 2 cũng là một trong các xóm thuộc vùng ngoài (Làng Nhà) được xã Nam Anh chọn để triển khai tuyến đường mẫu dài 600m. Bình quân đóng 440.000 đồng/khẩu, hộ đóng nhiều nhất khoảng 6 triệu đồng, hộ kết hợp làm đường kè ao như ông Hồ Viết Tứ thì kinh phí lên đến 12-13 triệu đồng. Bên cạnh đó, trước đây, các ao trên địa bàn được chia nhỏ cho các hộ thầu khoán để nuôi cá giống, cá thịt, nay làm đường xã và xóm đã tuyên truyền, vận động các gia đình như Nguyễn Văn Hồng, Trần Văn Thắng… phá ao nhỏ thành ao lớn làm đẹp cảnh quan và đảm bảo về môi trường. Giờ thì cứ sáng sớm hoặc chiều muộn, người dân, trẻ nhỏ lại tụ tập ở tuyến đường sạch sẽ đầy bóng cây dọc ao để hóng mát, chuyện trò vui vẻ, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm.

Kế xóm 2, xóm 3 cũng là đơn vị triển khai chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới” đầu tiên với chiều dài khoảng 300m. Bên cạnh đó, đường đi, lối lại trong xóm cũng cơ bản được bê tông hóa. Ông Hồ Viết Cảnh (66 tuổi), Bí thư Chi bộ xóm 3 cho biết: Xóm vốn được sáp nhập từ 2 đơn vị (xóm 4 và 3) với 1.784 khẩu, 375 hộ. Người dân làm nông nghiệp là chủ yếu, chi bộ có 34 đảng viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương nâng cấp đường giao thông nông thôn cơ bản được người dân đồng thuận. Ban đầu cũng có những hộ chưa thật sự nhất trí nhưng không phải vì thấy khó mà lui, chi ủy, ban chỉ huy xóm đã phối hợp với ban công tác Mặt trận thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân rõ và đồng thuận thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Đợt làm đường vừa qua, mỗi khẩu đóng 470.000 đồng, hộ dọc đường ao đóng 1 triệu đồng, xi măng Nhà nước cấp, làm xong nhìn cảnh quan đường sá sạch, đẹp ai nấy đều phấn khởi. Chia sẻ về bí quyết “dân vận khéo”, vị bí thư có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với công tác ở thôn, xóm cho biết: Chẳng có bí quyết gì lớn ngoài việc “lấy dân làm gốc” và sự tiên phong của cán bộ, đảng viên từ việc nhỏ đến việc lớn. Chẳng hạn, khi phát động làm mương có nắp đậy hay dựng cột cờ đồng bộ thì gia đình cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước để làng nước theo sau.

“Hiện xóm chuẩn bị khởi công xây dựng lại nhà văn hóa để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân sau sáp nhập. Công trình có tổng trị giá 2,5 tỷ đồng, trong đó, ngân sách huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng, còn lại là xã và xóm, nhưng “khó vạn lần dân liệu cũng xong”, ngay cả những con đường “khoác áo mới” này cũng từ sức dân, lòng dân mà ra. Năm 2021, xóm làm được 1.790m đường giao thông loại A, 6 tháng đầu năm 2022 làm thêm được 950m…”, Bí thư chi bộ Hồ Viết Cảnh bày tỏ.

Từ thành công của phong trào “bắt đường hỏng, cõng đường mới” ở xóm 2, xóm 3, hiện nay ở xóm 4, xóm 7 và một số xóm khác của xã Nam Anh cũng đã bắt tay vào triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch này.

Xác định mở rộng đường giao thông là mũi đột phá để tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngay từ đầu năm 2021, xã Nam Anh đã đi trước một bước, triển khai đợt giải tỏa hành lang an toàn giao thông tạo đường thông, hè thoáng. Đến đầu năm 2022, địa phương đã xây dựng lộ trình cụ thể, tổ chức họp chi bộ, ban công tác Mặt trận các xóm để tuyên truyền, vận động và họp nhân dân, lấy ý kiến triển khai chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới”.

Theo ông Trần Quốc Khánh – Bí thư Đảng ủy xã Nam Anh: Ngay sau khi có chủ trương của tỉnh, huyện về hỗ trợ xi măng để làm giao thông nông thôn, Ban Thường vụ Đảng ủy họp bàn, thống nhất chủ trương triển khai huy động sức dân để tiếp nhận xi măng làm đường. Sau đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã tiếp tục họp bàn và thống nhất cao trong cấp ủy xã, với tư tưởng khó mấy cũng phải triển khai. Tiếp đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới họp cùng với các tổ chỉ đạo tại các xóm để công bố chủ trương, hướng dẫn cách tuyên truyền, vận động, khảo sát thực tế cho các đồng chí là thành viên ban chỉ đạo và các tổ chỉ đạo.

Lãnh đạo xã Nam Anh động viên người dân làm đường kè bờ ao; Người dân xã Nam Anh hưởng ứng chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới”; Nhiều tuyến đường ở xã Nam Anh đang được nâng cấp. Ảnh: CSCC
Lãnh đạo xã Nam Anh động viên người dân làm đường kè bờ ao; Người dân xã Nam Anh hưởng ứng chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới”; Nhiều tuyến đường ở xã Nam Anh đang được nâng cấp. Ảnh: CSCC

Xã cũng tổ chức họp Đảng ủy, UBND xã mở rộng, các tổ chức, đoàn thể để tuyên truyền chủ trương của tỉnh, huyện, xã về việc hỗ trợ xi măng cùng nhân dân chung tay xây dựng giao thông nông thôn. Đồng thời, giao cho cấp ủy, Ban Chỉ huy xóm, Ban công tác Mặt trận các xóm về triển khai khảo sát các đoạn đường hư hỏng, xuống cấp, cần đầu tư nâng cấp, tổng hợp, trình ý xin ý kiến nhân dân, vận động nhân dân góp kinh phí để chung tay xây dựng.

Sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân, Ban Chỉ đạo cấp xã cử các đoàn phối hợp với các tổ chỉ đạo về tận các tuyến đường để kiểm tra thực trạng đo đạc chiều dài, chiều rộng một cách chi tiết về báo cáo với cán bộ phụ trách xây dựng NTM tổng hợp báo cáo với cấp ủy, chính quyền xã để xem xét, đánh giá thực trạng, căn cứ nguồn xi măng được cấp phân bổ nguồn hợp lý để xây dựng, nâng cấp các đoạn đường cần thiết trước, đoạn nào chưa cần thiết thì làm sau.

Để tạo sự đồng thuận cho quá trình triển khai chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới” Ban Chỉ đạo cấp xã quyết định chọn vùng ngoài gồm xóm 1 (200m), xóm 2 (600m) và xóm 3 (300m) để làm đường mẫu. Thế nhưng, theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Anh Nguyễn Thúc Quang, mới đầu chỉ có 30% người dân đồng ý. Qua nắm bắt tìm hiểu tâm tư, có nhiều ý kiến trái chiều, người thì nói phải đóng góp toàn dân như nhau, người nói đường đi qua nhà nào nhà đó góp… Do vậy, xã yêu cầu cán bộ phải nắm rõ đời sống vật chất, tinh thần, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng xóm, từng hộ dân. Đồng thời, cấp ủy bố trí cán bộ chỉ đạo điểm linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân trí, độ khó chỉ đạo của từng xóm, khi cần thiết thì thay đổi, bổ sung cán bộ chỉ đạo điểm cho các đơn vị xóm để tập trung chỉ đạo hoàn thành mục tiêu. Ví dụ xóm 1, tư tưởng nhân dân không muốn làm đường cao, cấp ủy phải phân công tổ chỉ đạo 3 người gồm 1 đồng chí Phó Bí thư Thường trực, 1 Ủy viên BCH Đảng bộ xã, 1 công chức về chỉ đạo mới xong. Khi cần thiết, Ban Thường vụ hoặc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã xuống cơ sở trực tiếp họp với dân, không kể thứ Bảy, Chủ nhật, đêm hay ngày, để tuyên truyền, vận động tháo gỡ vướng mắc của nhân dân. Điển hình như ở xóm 2, các đồng chí trong Ban Thường vụ xã về họp trực tiếp nên đã tạo được sự đồng thuận của người dân trong làm việc đường kè dọc cao trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo cấp xã cũng xác định xóm nào dễ làm trước để các xóm khác noi theo, đồng thời, tranh thủ uy tín của các bậc nguyên lãnh đạo xã, các vị có uy tín trong xóm để tuyên truyền định hướng, vận động những người dân còn chưa thông tỏ thống nhất chủ trương.

Không chỉ bắt đường hỏng, cõng đường mới, người dân Nam Anh còn trồng hoa hai bên đường làm đẹp cảnh quan. Ảnh: CSCC
Không chỉ bắt đường hỏng, cõng đường mới, người dân Nam Anh còn trồng hoa hai bên đường làm đẹp cảnh quan. Ảnh: CSCC

“Tuyên truyền, vận động một lần chưa được thì nhiều lần. Làm mẫu trước một vài xóm để các xóm khác rút kinh nghiệm, tạo sự thi đua giữa cán bộ các xóm và nhân dân. Xóm này thấy xóm kia đường đẹp, đi lại, phơi thóc lúa, rơm rạ sạch sẽ thoải mái đã giục Ban Chỉ huy xóm mình phải làm theo” – ông Nguyễn Thúc Quang cho hay.

Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, xã Nam Anh đã nâng cấp, xây dựng, cứng hóa được 22,304 km đường giao thông nông thôn các loại. Toàn xã hiện có 26,98 km đường trục xóm nhựa và bê tông hóa, nền đường bình quân rộng 4,5-6m, mặt đường rộng 4-5m, 10 km đường trục xóm đổ nhựa và bê tông hóa nền đường bình quân rộng 3,5-5m, mặt đường rộng 3-5m. Chỉ tính riêng hơn 1 năm rưỡi qua, các xóm trên địa bàn xã Nam Anh đã xây dựng được hơn 17 km đường giao thông nông thôn đảm bảo rộng rãi, chất lượng, đẹp.

Hàng năm, UBND xã xây dựng kế hoạch giải tỏa hành lang ATGT, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, tổ chức ký cam kết với các xóm chấp hành nghiêm quy định không được tập kết vật liệu trên lòng, lề đường, không xây dựng các công trình vi phạm hành lang ATGT. Toàn xã hiện có 56,63 km đường giao thông (đường xã và đường xóm) trong đó có 34,46 km đã được xây dựng mương thoát nước có nắp đậy, đạt tỷ lệ 60,8%, còn 21,6% km tuy chưa có mương nhưng thoát nước tốt. Bên cạnh đó, có 27,43km đường xã, đường xóm được trồng hoa và cây xanh đạt tỷ lệ 48,39%. Hiện tại, xã đang triển khai tiếp tục trồng hoa và cây xanh trên các tuyến đường ao, đường trong các khu dân cư các xóm 4, 5, 6, 7, 8…

Những thành quả đạt được trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhất là chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới” là tiền đề để xã Nam Anh phát động chiến dịch “mới hóa sân vận động, mới hóa nhà văn hóa”… tạo đà để xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2022.

Chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới” ở xã Nam Anh được các xóm triển khai sôi nổi; Những con đường mới thông thoáng sạch đẹp ở xã Nam Anh (Nam Đàn).
Chiến dịch “bắt đường hỏng, cõng đường mới” ở xã Nam Anh được các xóm triển khai sôi nổi; Những con đường mới thông thoáng sạch đẹp ở xã Nam Anh (Nam Đàn).