Phòng, chống thiên tai mùa mưa lũ: Kỳ 2: Những hệ lụy, hạn chế

Nghệ An là vùng đất thường xuyên chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản, hoa màu… do bão lụt. Để đảm bảo an toàn mọi mặt cho người dân sống trong vùng nguy cơ cao, giải pháp tốt nhất là di dân tái định cư; tuy nhiên, điều này mặc dù đã được Nhà nước quan tâm, thì thực tế người dân đang vẫn phải mòn mỏi chờ ngày được đến nơi ở mới.

Nghệ An có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện vùng cao có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất là Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Hầu như năm nào các huyện vùng cao này đều xảy ra các đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng.

Mùa mưa bão năm 2018, các huyện miền núi Nghệ An dọc Quốc lộ 7A phải hứng chịu thảm họa do các nhà máy thủy điện xả lũ. Nhiều thôn, bản bị ngập sâu trong nước, hàng loạt công trình cầu, cống… bị phá hủy. Thiệt hại nặng nề nhất là huyện Tương Dương, khi đó, Thủy điện Bản Vẽ xả lũ với cường độ rất lớn đã làm hơn 230 hộ dân phải di dời khẩn cấp, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, sạt lở, chìm sâu trong nước. Trong đó, xã Lượng Minh có 31 hộ dân ở bản Lạ, Minh Phương và Xốp Mạt dù chạy thoát và không thiệt hại đến tính mạng, nhưng toàn bộ nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi, sau đó bà con phải ở nhờ tại các bản khác hoặc làm lán trại ở tạm trên đồi, ở dọc các tuyến đường giao thông.

Mùa mưa bão năm 2018 khiến huyện Kỳ Sơn chìm trong lũ. Thị trấn Mường Xén và nhiều xã khác bị ngập sâu vì nước sông Nậm Mộ lên cao. Ảnh: Duy Khánh
Mùa mưa bão năm 2018 khiến huyện Kỳ Sơn chìm trong lũ. Thị trấn Mường Xén và nhiều xã khác bị ngập sâu vì nước sông Nậm Mộ lên cao. Ảnh: Duy Khánh

Cũng đợt mưa lũ năm 2018 đã khiến địa bàn 2 xã biên giới Mường Típ và Mường Ải bị chia cắt, cô lập với bên ngoài, nước lũ cuốn trôi nhiều km đường giao thông; nhiều phòng học ở xã Mường Ải bị cuốn trôi hoàn toàn. Đặc biệt, đối với 7 bản của xã Mỹ Lý và 3 bản của xã Keng Đu, nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập lụt nặng nhà dân; giao thông bị chia cắt hoàn toàn khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn do thiếu lương thực, thực phẩm trong nhiều ngày liền.

Nhiều đoạn quốc lộ bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: Hồ Phương
Nhiều đoạn quốc lộ bị chia cắt hoàn toàn. Ảnh: Hồ Phương

Đối với trung du và đồng bằng, tình trạng ngập nước thường xuyên xảy ra tại các vùng dân cư thuộc hạ lưu sông Lam. Trong đó, đặc biệt là khu vực TP. Vinh, hầu như mùa mưa năm nào, tình trạng ngập nước cũng xảy ra, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân, đặc biệt là tiểu thương kinh doanh buôn bán tại vùng chợ Vinh.

Mùa mưa năm 2019, lượng mưa tại TP. Vinh đạt gần 1.000 mm chỉ trong 2 ngày trung tuần tháng 10, đạt kỷ lục trong rất nhiều năm qua. Nhiều phương tiện gần như bị nhấn chìm trong biển nước; giao thông nhiều khu vực tê liệt, học sinh phải nghỉ học; nhiều tiểu thương kinh doanh trong khu vực chợ Vinh vì trở tay không kịp nên hàng hóa bị ngập nước, thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo tổng hợp, mùa mưa bão năm 2019, trên địa bàn Nghệ An có 20 người chết và bị thương, 33 ngôi nhà của dân bị sập; gần 4 ngàn ha lúa và trên 2.650 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, gần 4 km đê và kè bị hư hỏng; 84 km đường bị sạt lở…

Cảnh giác, chủ động phương án đối phó là không bao giờ thừa bởi mưa lũ xảy ra lúc nào, ở đâu là không ai có thể lường được trước.

Video: Mưa lũ cắt đứt tuyến đường từ Mường Xén đi Mường Típ, Mường Ải (Kỳ Sơn).

Đến thời điểm này, chưa kể các điểm mới phát sinh và đang trong quá trình khảo sát, xây dựng dự án, tổng cộng toàn tỉnh có 13 dự án tái định cư, di dời dân khẩn cấp khỏi vùng sạt lở, trong đó 9 dự án đã và đang triển khai, 4 dự án đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí, cân đối vốn…  Tại xóm Hòa Lam, xã Hưng Hòa (TP. Vinh), sau gần 10 năm ngóng đợi, cuối cùng 1 dự án tái định cư cho người dân ngập lụt phía ngoài đê đã thành hiện thực khi tiến hành san lấp mặt bằng.

Tuy nhiên, số dự án hoàn thành để bố trí di dời dân không nhiều, chủ yếu dở dang… Qua tìm hiểu thực tế, nhận thấy mặc dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng do nguồn lực hạn chế, đầu tư dàn trải nên các dự án dù mang tên di dời dân “khẩn cấp” nhưng phần lớn thi công dang dở, có dự án kéo dài hàng chục năm vẫn chưa xong.

Dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã Tri Lễ (Quế Phong) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4643/QĐ.UBND-NN ngày 16/11/2012 tại vùng Huồi Mới và Piêng Lâng. Quy mô đầu tư của dự án là 91,1 ha, mục tiêu di chuyển 200 hộ dân đến tái định cư với tổng mức đầu tư trên 198 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện Quế Phong mới hoàn thành hơn 3 km đường giao thông với mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.

Trước mùa mưa lũ, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện một số đoạn mương rãnh thoát nước trên đoạn đường vào khu TĐC Huồi Mới. Ảnh: Nguyễn Hải
Trước mùa mưa lũ, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện một số đoạn mương rãnh thoát nước trên đoạn đường vào khu TĐC Huồi Mới. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện đang triển khai thực hiện đường giao thông vào vùng dự án Huồi Mới, Piêng Lâng tổng mức đầu tư hơn 99 tỷ đồng. Còn những hạng mục như nhà văn hóa cộng đồng, trường mầm non, san lấp mặt bằng, hệ thống thủy lợi và nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng thì chưa thực hiện, do chưa có nguồn vốn. Vì vậy, đến thời điểm này huyện Quế Phong vẫn chưa thực hiện được công tác di dân khẩn cấp tại Huồi Mới, Huồi Câng sau 7 năm thực hiện dự án…

Điểm tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp (Quỳ Hợp) được đầu tư từ năm 2010, ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng nhưng sau đó điều chỉnh xuống 36 tỷ đồng; sau hơn 10 năm triển khai đã có 32 hộ dân được chia thành 2 tiểu khu vực lên ở. Hiện tại, người dân đã lên ở được 5 năm nhưng vẫn trong cảnh “4 không”: không điện, không đường, không nước và không nhà văn hóa.

(Ảnh lớn) Đường lên khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp. Cầu tràn qua khu tái định cư bản Pật được mở rộng khẩu độ để giảm ngập úng và giảm thiệt hại vì lũ ống. Đường vào khu tái định cư bản Pật, xã Châu Tiến. Ảnh: Nguyễn Hải
(Ảnh lớn) Đường lên khu tái định cư bản Quắn, xã Liên Hợp. Cầu tràn qua khu tái định cư bản Pật được mở rộng khẩu độ để giảm ngập úng và giảm thiệt hại vì lũ ống. Đường vào khu tái định cư bản Pật, xã Châu Tiến. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu), năm 2009 trước tình trạng ngập lụt thường xuyên, xã và huyện đã xây dựng Khu tái định cư; năm 2012 đã xây dựng xong khu tái định cư gồm 3,5 ha, dự kiến bố trí cho 125 hộ dân Quỳnh Thắng. Mặt bằng đã làm xong từ năm 2012 nhưng do hết vốn, nên điện và nước chưa làm được, không thể đưa dân lên ở. Trong khi đó, tại xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), sau khi có dự án, xã và huyện đã tìm ra mặt bằng khu TĐC, nhưng do một hộ dân không bàn giao mặt bằng và khởi kiện hành chính nên đã tạm dừng.

Tình trạng cũng tương tự tại Quỳnh Trang (TX Hoàng Mai), sau khi giải tỏa hơn 3,5 ha tái định cư dự định bố trí cho 200 hộ dân, nhưng từ năm 2010 đến nay dự án dở dang, hạng mục điện, nước sinh hoạt và nhà văn hóa chưa triển khai nên không thể bố trí dân lên ở. Bởi vậy, thay vì chờ đợi để được TĐC, người dân đã đầu tư, nâng cấp nhà cửa, ổn định cuộc sống nên không muốn di dời nữa.

Hiện nay, trong số 4 điểm TĐC cho 158 hộ ở 2 xã Mường Típ và Mường Ải (Kỳ Sơn), đã có 1 điểm dành cho 48 hộ ở bản Vàng Phao đã được Chính phủ phê duyệt 22 tỷ đồng, đang triển khai công tác thiết kế, phê duyệt xây dựng. 3 điểm TĐC còn lại, huyện Kỳ Sơn đang trình Chính phủ để được phân bổ nguồn vốn đầu tư.