Bài 3: Giải quyết kịp thời những vướng mắc khi giải thể

Nhằm phát huy tinh thần xung kích của lực lượng thanh niên trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự và an ninh biên giới tại những vùng có điều kiện khó khăn. Từ năm 1986 đến năm 2012, UBND tỉnh và Tỉnh đoàn Nghệ An đã thành lập 12 đơn vị TNXP và TNXP xây dựng kinh tế. Đến nay, sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP-XDKT Nghệ An”, vào năm 2014, đã có 6 đơn vị được giải thể, chuyển giao, sáp nhập; 2 đơn vị đang thực hiện phương án giải thể và chỉ còn 4 đơn vị đang hoạt động.

Hiện tại 4 Tổng đội TNXP đang hoạt động được giao quản lý 22.677,33ha đất nông nghiệp, trong đó: Tổng đội TNXP 5 (xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương) quản lý 5.385ha; Tổng đội TNXP 8 (xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn) quản lý 8.619,76ha; Tổng đội TNXP 9 (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) quản lý 4.124,98ha và Tổng đội TNXP 10 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) quản lý 4.621,24ha. Ngoài ra các đơn vị này còn quản lý 78,70ha đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, đất văn phòng và diện tích mặt nước, sông suối.

Lực lượng TNXP đã tiên phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại những vùng đất khó khăn của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Lực lượng TNXP đã tiên phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại những vùng đất khó khăn của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau 37 năm kể từ khi Tổng đội TNXP đầu tiên được thành lập, các Tổng đội TNXP – XDKT trên địa bàn Nghệ An đã khẳng định được năng lực, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc trực tiếp tổ chức và chỉ đạo thanh niên phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực miền Tây Nghệ An. Sự xuất hiện của các Tổng đội TNXP đã biến các vùng đất khô cằn, đồi núi trọc thành những vùng nguyên liệu với nhiều mô hình, giống cây con mới được đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các Tổng đội TNXP đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân, đội viên tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm, từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở những vùng khó khăn.

Đồng chí Vương Trung Úy – Tổng đội trưởng, Tổng đội TNXP 9 đóng tại địa bàn xã Tam Hợp (Tương Dương) cho biết: Tam Hợp là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Người dân nơi đây phần lớn là đồng bào Mông, Thái, Tày Poọng. Những năm qua, Tổng đội TNXP 9 đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách thức sản xuất, thử nghiệm các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, khí hậu miền núi. Tổng đội cũng đã tổ chức cho người dân trồng 30ha chè Shan Tuyết; bình quân hàng năm trồng từ 15 – 20ha cây rau màu; 15ha cây nghệ đỏ; 80ha lúa rẫy; 40ha sắn; và khoảng 30ha cỏ voi, ngô, bầu bí… Đặc biệt, tổng đội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Tam Hợp tuyên truyền vận động người dân thực hiện trồng lúa nước 2 vụ bằng giống mới có năng suất và chất lượng tốt.

Cán bộ Tổng đội TNXP 9 hướng dẫn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây nghệ đỏ.
Cán bộ Tổng đội TNXP 9 hướng dẫn cho người dân cách trồng, chăm sóc cây nghệ đỏ.

Ngoài ra, các đội viên của tổng đội còn hướng dẫn cho người dân, xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, đã mở rộng, duy trì tổng đàn trâu, bò hàng năm của các hộ dân đạt trên 200 con, đàn lợn trên 250 con, đàn gà trên 10.000 con. Phát huy hiệu quả của khu chuồng trại chăn nuôi. Hàng năm tổng đội cung cấp lợn giống từ 80 – 100 con/năm, gà giống 10.000 con/năm cho các hộ dân.

“Những năm gần đây, chúng tôi xác định, cây nghệ đỏ là cây trồng rất phù hợp với chất đất tại Tam Hợp, vì thế tổng đội đã nhân rộng mô hình trồng nghệ trên các nương rẫy cho người dân. Sau khi được hướng dẫn, người dân đã chủ động chăm sóc nghệ theo đúng quy trình kỹ thuật được tập huấn. Khi thu hoạch, chúng tôi đã tiến hành thu mua cho người dân. Riêng năm 2022, sản lượng củ nghệ tươi đạt 230 tấn, giá trị đạt 1,1 tỷ đồng” – đồng chí Vương Trung Úy vui mừng cho biết.

Những năm qua, bà con xã Tam Hợp (Tương Dương) đã trồng nghệ đỏ có hiệu quả trên nương rẫy cũng như phát triển đàn gia súc, gia cầm.
Những năm qua, bà con xã Tam Hợp (Tương Dương) đã trồng nghệ đỏ có hiệu quả trên nương rẫy cũng như phát triển đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Phi Thanh – Chủ tịch UBND xã Tam Hợp nói: Xã Tam Hợp có 5 bản, trong đó Tổng đội TNXP 9 đứng chân trên địa bàn 2 bản người Mông là Phá Lõm và Huồi Sơn. Chưa kể, Tổng đội TNXP 9 còn triển khai mô hình sản xuất, bao tiêu sản phẩm đến toàn bộ các bản khác. Dưới sự hướng dẫn của Tổng đội TNXP 9, đời sống kinh tế của bà con tại 2 bản Phá Lõm và Huồi Sơn, cũng như trên địa bàn toàn xã đã được nâng lên đáng kể. Ngoài phát triển đàn gia súc, gia cầm, người dân đã xây dựng được vùng nguyên liệu nghệ đỏ và bo bo với diện tích lớn. Một số hộ còn trồng sâm bảy lá – một loại dược liệu quý mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh việc phát triển các mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, tại xã Tam Hợp, với 4.127,03ha mà Tổng đội TNXP 9 được giao quản lý, trong đó chủ yếu là diện tích rừng phòng hộ (4.124ha). Trong số này có 1.900ha rừng phòng hộ do lực lượng bảo vệ rừng của tổng đội đảm nhiệm; số còn lại được giao khoán cho cộng đồng các bản trên địa bàn xã Tam Hợp quản lý, bảo vệ. Điều này đã góp phần tạo ra mối quan hệ chặt chẽ giữa người dân địa phương với tổng đội. Đồng thời phát huy được sức mạnh tập thể của nhân dân trên địa bàn tổng đội đứng chân vào nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ rừng.

Ươm giống chè Shan Tuyết tại Tổng đội TNXP 10. Ảnh: Tư liệu
Ươm giống chè Shan Tuyết tại Tổng đội TNXP 10. Ảnh: Tư liệu

Sau 37 năm xây dựng và trưởng thành, thực tế cho thấy rằng, mục tiêu và nhiệm vụ của nhiều Tổng đội TNXP đã không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Vì vậy mà trong thời gian qua, một số Tổng đội TNXP đã được giải thể, chuyển giao, sáp nhập. Tuy nhiên, công tác giải thể, chuyển giao các Tổng đội, nhất là Tổng đội TNXP 1, 2, 3 vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như Tổng đội TNXP 1 (đóng tại Anh Sơn), được giải thể và bàn giao cho nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến chè xanh Nhật và chè xanh chất lượng cao (có trụ sở tại Hà Nội), nhưng vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, hơn 383ha mà đơn vị này được giao quản lý trước đây vẫn chưa hoàn tất thủ tục thu hồi đất để giao về cho địa phương quản lý. Thì Tổng đội TNXP 3 (đóng tại Quỳ Hợp), dù đã có chủ trương giải thể từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định giải thể. Điều này khiến cho việc quản lý hơn 5.694ha đất của đơn vị này còn gặp rất nhiều khó khăn.

Hay như tại Tổng đội TNXP 2 (đóng tại xã Thanh Đức,  huyện Thanh Chương), mặc dù đã có quyết định phê duyệt phương án chuyển giao vào Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An từ năm 2013. Thậm chí, Tổng đội TNXP 2 đã hoàn thành việc bàn giao hơn 15.068ha đất mà đơn vị này được giao quản lý cho Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương, UBND xã Thanh Đức (Thanh Chương) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An. Chưa kể, 5 định biên viên chức, 2 hợp đồng thu hút, 3 định biên y tế, 16 lao động hợp đồng có bảo hiểm, cũng đã được giải quyết cho luân chuyển, điều động và chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra còn có 311 đội viên cùng đất giao khoán cũng đã được giao về cho UBND xã Thanh Đức (Thanh Chương) quản lý. Thế nhưng, cho đến nay, việc giải thể cũng chưa được thực hiện.

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương thăm các mô hình kinh tế tại Tổng đội TNXP 9.
Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương thăm các mô hình kinh tế tại Tổng đội TNXP 9.

Đồng chí Nguyễn Đình Thắng – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy lực lượng TNXP tỉnh Nghệ An, người cũng đồng thời đang được giao kiêm nhiệm một số đơn vị tổng đội TNXP chờ giải thể cho biết: Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ban, ngành, địa phương liên quan sớm hoàn tất việc giải thể một số tổng đội TNXP, đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc bàn giao đất sản xuất, đất ở có liên quan. Bên cạnh đó cũng quan tâm giải quyết tốt chế độ chính sách, quyền lợi cho lực lượng đội viên đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho phong trào xây dựng kinh tế mới tại vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ là đòn bẩy kích thích thế hệ trẻ hăng hái tham gia các dự án phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội tại những vùng kinh tế mới.

Đồng chí Lê Văn Lương – Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An cho biết: Chúng tôi cũng đã nhận thấy những bất cập đang tồn tại trong quá trình chuyển đổi các tổng đội TNXP hiện nay. Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn cũng đã chủ động tham mưu, phối hợp đưa ra các phương án giải quyết. Đặc biệt, hiện nay Tỉnh đoàn cũng đã hoàn thiện Đề án “Tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn Nghệ An”, trong đó có các tổng đội TNXP để trình UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét, cho ý kiến.

Rõ ràng, những thành quả mà các tổng đội TNXP – XDKT trên địa bàn đã làm được trong 37 năm qua đã khẳng định năng lực, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc trực tiếp tổ chức và chỉ đạo thanh niên xây dựng và phát triển kinh tế, thể hiện tinh thần xung kích của thanh niên thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đội viên Tổng đội TNXP 9 tiến hành sấy nghệ bằng lò sấy điện.
Đội viên Tổng đội TNXP 9 tiến hành sấy nghệ bằng lò sấy điện.

Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu, chỉ đạo thực hiện các phương án giải thể một số tổng đội TNXP kết quả chưa cao, chậm so với kế hoạch đặt ra. Công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp đất cho tổ chức và cá nhân ở các đơn vị TNXP trên địa bàn tỉnh còn chậm. Chưa xây dựng được các đề án cho thanh niên xung phong tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới… Vì vậy, đòi hỏi trong thời gian tới, những vấn đề này cần được giải quyết dứt điểm, tránh để kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn tài nguyên đất đai và ổn định tình hình dân cư tại những khu vực đứng chân của các tổng đội TNXP./.