Phòng, chống thiên tai mùa mưa lũ: Kỳ cuối: Chủ động ứng phó

Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng trong mùa mưa bão luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ. Do vậy, trước mùa mưa bão về, chính quyền các cấp cần có kế hoạch phòng, chống thiên tai một cách cụ thể, đặc biệt là chủ động phương án “4 tại chỗ”. Cùng đó, các nhà máy thủy điện, hồ, đập thủy lợi cần có kế hoạch chủ động xả lũ hợp lý, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu, vì vậy, các cấp, ngành cần nhận thức về điều này, nếu nơi nào chủ quan thì ở đó thiệt hại sẽ lớn.

Năm 2020 được dự báo tình hình diễn biến thiên tai phức tạp và bất thường trên nhiều vùng, đặc biệt là các đợt dông, lốc, sét kèm theo mưa đá trên diện rộng. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, tập trung nhiều vào những tháng cuối năm.

Theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế cho thấy, chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mua lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường…

Hầu như năm nào các huyện miền núi của Nghệ An cũng xẩy ra lũ ống, lũ quét, nước sông dâng cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Hầu như năm nào các huyện miền núi của Nghệ An cũng xẩy ra lũ ống, lũ quét, nước sông dâng cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Nghệ An thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão lớn, địa hình miền núi khá dốc và theo khảo sát mới nhất có hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở nhưng chưa bố trí tái định cư ổn định cho người dân; hàng chục km đê biển cấp 1 chỉ thiết kế chịu đựng được bão đến cấp 11 nên cần phải cảnh giác, sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường.

Thực tế cho thấy, trước mùa mưa bão, các địa phương đã lập phương án ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, đáp ứng nhu cầu của người dân tại khu vực có thiên tai, nhất là đối với người già, trẻ em và phụ nữ để kịp thời di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn. Theo đó, các địa phương sớm thành lập ban chỉ huy PCTT-TKCN, phân công cụ thể cho từng thành viên; xác định những vị trí xung yếu… Tuy nhiên, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chẳng hạn như ở huyện Kỳ Sơn, do đặc thù núi cao, sông, suối nhiều, khi xảy ra lũ ống, lũ quét dễ bị chia cắt, cô lập nên việc đảm bảo trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai là vô cùng cần thiết. Cũng tại huyện này, chỉ được trang bị 1 máy cưa xăng, 2 máy phát điện, 6 chiếc loa cầm tay, 60 nhà bạt, 1 máy múc, 1 máy xúc lật… là chưa đáp ứng yêu cầu khi lũ lụt xảy ra.

Điểm sạt lở tại bản Bản Na Mi, xã Mường Típ, Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyễn Hải
Điểm sạt lở tại bản Bản Na Mi, xã Mường Típ, Kỳ Sơn. Ảnh: Nguyễn Hải

Dự báo tình hình thời tiết của khu vực Bắc Trung Bộ trong năm 2020, ông Nguyễn Xuân Tiến – Phó Giám đốc Đài Khí tượng – Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ khuyến cáo: Năm 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục, là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Trong thời gian tới cần đề phòng bão mạnh; mưa lớn gây lũ quét ở miền núi, ngập úng ở vùng đồng bằng và các khu đô thị; lũ lớn và sự vận hành của hệ thống hồ chứa… Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi, nên đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên theo dõi và liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra tình hình thiệt hại sau trận lũ quét tại xã Châu hội (Quỳ Châu). Ảnh Xuân Hoàng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra tình hình thiệt hại sau trận lũ quét tại xã Châu hội (Quỳ Châu). Ảnh Xuân Hoàng

Trước diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp và khó lường, tại hội nghị trực tuyến về phòng, chống thiên tai và quản lý đê điều cuối tháng 6 vừa qua, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã lưu ý vai trò của các bộ, ngành và cấp tỉnh nói chung; đồng thời nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện và xã trong phòng, chống lụt bão, nhất là vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Ngoài các nhiệm vụ chung, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề ra các nhóm nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện trong từng tình huống phòng, chống, ứng phó với thiên tai, khắc phục hậu quả; trong công tác đảm bảo an toàn đê điều trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ” là chính.

Để đảm bảo an toàn, cùng với hoàn thiện quy trình xả nước liên hồ thủy điện, từ năm 2020, Thủy điện Bản Vẽ đã đầu tư, tăng số trạm thủy văn và trạm đo mưa từ 5 trạm lên 21 trạm, trong đó, 9 trạm ở lưu vực trong nước và 12 trạm ở lưu vực sông phía nước bạn Lào. Từ các trạm này, các chỉ số về lượng nước mưa sẽ được cập nhật thường xuyên về hệ thống cảnh báo nên yên tâm hơn và không bị bất ngờ so với trước đây.

Ông Tạ Hữu Phùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: Cùng với đầu tư lắp đặt thêm các trạm đo mưa khu vực thượng nguồn thủy điện, từ năm 2019, đối với khu vực dễ bị tác động ảnh hưởng do xả lũ gồm từ đập Bản Vẽ (Yên Na) về Cửa Rào và thị trấn Hòa Bình, công ty tăng cường hệ thống phát thanh để thông báo trước cho người dân được biết. Ngoài ra, công ty đã chủ động lập danh bạ điện thoại từng hộ dân sống dọc ven sông, suối và cán bộ thôn, bản để khi mưa bão lớn hoặc có thông tin về xả lũ, thông qua Tổng đài Viettel gửi tin nhắn cảnh báo cho người dân, tránh thông tin thất thiệt như thời gian vừa qua.

Công ty Thủy điện Bản Vẽ lắp đặt các trạm đo mưa ở Lào. Ảnh: T.C
Công ty Thủy điện Bản Vẽ lắp đặt các trạm đo mưa ở Lào. Ảnh: T.C

Bên cạnh giải pháp trên, từ năm 2019, để cho người dân hiểu và chia sẻ về quy trình xả lũ của các thủy điện, mỗi năm Công ty Thủy điện Bản Vẽ mở từ 4-5 đợt tuyên truyền, vận động cho thành viên ban chỉ huy PCLB các huyện và xã về quy trình vận hành đập để qua đó có những chia sẻ, tuyên truyền cho người dân.

Đối với hồ Vực Mấu và các hồ có dung tích chứa lớn khác, để đảm bảo an toàn cho người dân, ngoài việc đảm bảo quy trình vận hành xả lũ quy định, vào trước mùa mưa bão, các đơn vị vận hành thường xuyên kiểm tra để sửa chữa, nâng cấp kịp thời; trước khi xả lũ phải thông tin kịp thời cho người dân để có phương án ứng phó, di chuyển để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.

Bên cạnh các giải pháp trên, theo chúng tôi, hiện nay, khi hệ thống thủy điện có sự điều tiết, cắt lũ nên nguy cơ ngập lụt ở phía hạ nguồn các con sông cũng giảm nhiều. Chính vì vậy, thay vì đầu tư quá dàn trải, tỉnh nên tổ chức rà soát, đánh giá lại toàn bộ các dự án tái định cư, di dời dân khẩn cấp để đầu tư cho trọng tâm, trọng điểm hơn. Khu vực nào có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao thì tập trung dồn sức đầu tư xong và tổ chức di dời sân sớm; dự án nào dù đã thi công và đang dang dở, nhưng người dân không có nhu cầu tái định cư (như dự án tái định cư ở các xã Quỳnh Thắng của huyện Quỳnh Lưu và xã Quỳnh Trang của thị xã Hoàng Mai) thì đánh giá lại để chuyển đổi sang mục đích khác, không để quỹ đất và các hạng mục đã đầu tư hoang hóa và xuống cấp như hiện nay.

Một mùa mưa lũ đang tới gần, nếu không sớm hóa giải những nguy cơ về an toàn hồ, đập thủy lợi, thủy điện thì sẽ không thể bảo đảm được an toàn cho công trình, cho hạ du. Những người dân sống dưới những “túi nước treo” khổng lồ đang mong mỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các cấp chính quyền.