Phát triển và giữ vững thương hiệu cam Vinh – Bài 3: Bất cập trong bảo quản, chế biến và tiêu thụ

Những ngày này, chị Hương, chủ vườn cam Hương Hóa tại xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn đang tất bật với việc thu hoạch cam chính vụ. Nhờ đầu tư, chăm sóc tỉ mẩn, lứa cam này đạt năng suất trên 20 tấn/ha, là một trong những năm cho sản lượng cao nhất.

Mặc dù phấn khởi vì cam được mùa, tuy nhiên, chị Hương vẫn không khỏi băn khoăn, nhất là việc bảo quản cam khi bước vào đợt cao điểm thu hoạch. Chị Hương chia sẻ: “Dự kiến năm nay, vườn cam nhà tôi sẽ cho sản lượng khoảng 50 tấn quả, nếu đầu ra ổn định thì không vấn đề gì, tuy nhiên nếu như không thể tiêu thụ hết số cam đó thì chúng tôi rất lo lắng vì không có kinh nghiệm và công nghệ để bảo quản số cam còn tồn đọng, dẫn đến việc cam sẽ bị hư hỏng…”.

Không chỉ chị Hương mà đó cũng là tâm trạng của nhiều chủ vườn cam trên địa bàn tỉnh hiện nay. Được biết, cam nếu để ngoài môi trường thì từ 10 – 20 ngày sẽ hỏng, do đó, nếu không thể bán hết từ thời điểm thu hoạch, bắt buộc người dân phải tìm kiếm phương pháp để bảo quản cam để giữ được giá trị hoặc phải bán tháo với giá rẻ trước khi cam bị hư hỏng.

Người dân thu hoạch cam Vinh. Ảnh: Phú Hương
Người dân thu hoạch cam Vinh. Ảnh: Phú Hương

Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có một vài vườn cam có áp dụng công nghệ bảo quản lạnh tuy nhiên số lượng rất ít, chi phí cao. Một khi đã đầu tư kho lạnh thì phải bảo quản được 3 tháng, thời gian đó cam tươi đã bán hết, tuy nhiên vấn đề đặt ra là chất lượng cam không còn ngon như cam tươi nên việc tiêu thụ cũng gặp trở ngại.

Ông Trương Văn Việt – Chủ vườn cam tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành cho biết: “Mùa cam năm trước, chúng tôi đã đầu tư 450 triệu đồng xây dựng kho lạnh có sức chứa khoảng 100 tấn để bảo quản cam với hi vọng sẽ giữ được cam từ 3 – 6 tháng sau đó sẽ bán ra thị trường. Tuy nhiên, thực tế không đạt được như mong đợi vì chi phí đầu tư cao, chưa kể chi phí vận hành. Điều quan trọng là cam chỉ bảo quản được khoảng 20 ngày kể từ thời điểm thu hoạch, con số quá ít so với kỳ vọng. Do đó, việc đầu tư, phát triển về công nghệ để bảo quản thực phẩm nói chung và cam Vinh nói riêng rất cần được quan tâm…”.

Do công nghệ bảo quản còn lạc hậu, chi phí đầu tư lớn, hiệu quả chưa cao nên nhiều vườn cam trên địa bàn tỉnh hiện đang tập trung vào việc bán cam tươi, chưa mặn mà đến việc đầu tư hệ thống bảo quản cam sau khi thu hoạch. Ngoài ra, để tránh việc hư hỏng, người trồng hiện đang tập trung tính toán, đầu tư vào các giống cam chín sớm, chín muộn, cố gắng kéo dài thời gian quả trên cây, không vội thu hoạch nếu như thị trường tiêu thụ gặp khó khăn…

Hiện tại các nhà vườn chủ yếu đang bán cam tươi chứ chưa có nhiều giải pháp để chế biến. Ảnh: Xuân Hoàng-Tiến Đông
Hiện tại các nhà vườn chủ yếu đang bán cam tươi chứ chưa có nhiều giải pháp để chế biến. Ảnh: Xuân Hoàng-Tiến Đông

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn Nghệ An chỉ có 2 nhà máy chế biến nước quả là Nhà máy của Công ty CP Thực phẩm NaFood công suất 200 tấn quả/ngày và Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và chế biến nước quả, nước thảo dược Núi Tiên tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn. Hiện nay cả 2 nhà máy chế biến nước quả tại Nghệ An đều chưa sử dụng cam Vinh làm nguyên liệu chế biến khiến cam Vinh vừa mất đi một kênh tiêu thụ chủ lực, vừa không phát huy được hết những giá trị của thương hiệu cam Vinh.

Để gia tăng giá trị chuỗi sản xuất cam đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, được sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản, những năm qua đã có một số mô hình chế biến cam và sản phẩm từ cam đã được hình thành.  Điển hình  có Công ty CP Nông sản Phủ Quỳ, HTX cam Bản Pha – huyện Con Cuông, cam Vinh Kỳ Yến… đã phát triển thêm các dòng sản phẩm từ cam như: rượu cam; mứt cam, mứt vỏ cam, các loại bánh từ cam… tuy nhiên sản lượng cam đưa vào chế biến còn chiếm tỷ trọng thấp.

Bà Nguyễn Thị Lê Na – Đại diện trang trại cam Vinh Kỳ Yến chia sẻ: “Những năm qua, chúng tôi đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu để cho ra các sản phẩm từ cam như mứt vỏ cam, mứt múi cam, bánh cam, trà cam, tinh dầu cam, vỏ cam sấy khô… tuy nhiên thực tế chỉ bán được ở thị trường trong nước. Ngoài ra, máy móc, công nghệ để làm ra các sản phẩm này còn lạc hậu, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường. Đối với sản phẩm thành phẩm, hiện có giá từ 80.000 đồng/túi trở lên tùy vào trọng lượng, chưa có sự chênh lệch nhiều so với cam tươi loại 1 bán ra, trong khi đó, công sức, kinh phí để tạo ra những sản phẩm từ cam không hề nhỏ…”.

Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu cam Vinh nhưng nhiều trang trại vẫn đang phải vật lộn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Tiến Đông
Mặc dù đã xây dựng được thương hiệu cam Vinh nhưng nhiều trang trại vẫn đang phải vật lộn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Tiến Đông

Những năm qua, mặc dù việc kết nối, tiêu thụ cam Vinh được tỉnh Nghệ An rất quan tâm. Năm 2019 UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Siêu thị BigC Thăng Long tổ chức giới thiệu, quảng bá cam Vinh tại Hà Nội. Hàng năm các sở, ngành và các huyện trồng cam cũng đã chủ động đưa cam Vinh đi giới thiệu tại các Hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Thế nhưng, kênh tiêu thụ cam Vinh hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái địa phương.

Theo khảo sát của Sở NN & PTNT Nghệ An, việc tiêu thụ cam Vinh qua hệ thống các siêu thị lớn như BigC; Winmart, Lottee,… các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, và qua các hội chợ thương mại chỉ chiếm 2-3%. Các nhà vườn bán đại lý các tỉnh, bán online qua mạng, sàn thương mại điện tử, chiếm khoảng 15-20%. Còn lại thương lái địa phương thu mua bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, chiếm khoảng 75-80%.

Nhiều người thừa nhận thực tế rằng, việc cam chủ yếu được tiêu thụ qua kênh thương lái là điều tất yếu khi trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy thu mua cam cho người dân trong khi bà con tiếp cận với các phương thức bán hàng mới như các kênh online, sàn thương mại điện tử còn hạn chế.

Thương lái tập trung thu mua cam Vinh. Ảnh: Phú Hương
Thương lái tập trung thu mua cam Vinh. Ảnh: Phú Hương

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào thương lái sẽ phát sinh nhiều bất cập. Thứ nhất, người trồng cam sẽ không bán được giá như kỳ vọng, không sát với thị trường, vì thương lái sẽ quy định giá thu mua, và mỗi thương lái sẽ trả một mức giá khác nhau, nếu giá quá thấp có thể khiến người trồng cam thua lỗ. Thứ 2, thương lái chỉ đến với người dân khi họ nhận ra có thị trường tiêu thụ, đến thời điểm thị trường gặp khó khăn, đơn cử như dịch Covid-19 vừa qua, có nhiều thương lái “bỏ” nông dân, khiến bà con phải tự loay hoay tìm đầu ra. Ngoài ra, có tình trạng một số thương lái sẽ mua cam Vinh chất lượng sau đó trà trộn với những loại cam giá rẻ từ vùng khác để bán ra thị trường với giá cam Vinh. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu cam Vinh, người tiêu dùng rất dễ quay lưng với sản phẩm nếu như phát hiện cam không đạt chất lượng.

Tại diễn đàn kết nối, tiêu thụ cam Vinh được tổ chức vào ngày 26/11/2021 vừa qua đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị như BigC, Hệ thống cửa hàng Vinmat+ Nghệ An, Sàn thương mại điện tử VOSO.VN, Công ty cổ phần Nông nghiệp Sinh thái EcoVi… với các trang trại, hộ sản xuất cam Vinh.

Mặc dù vậy, quy trình để cam Vinh được đưa vào bán tại các hệ thống này vẫn còn nhiều bất cập. Ông Trần An Khang – Giám đốc BigC Vinh chia sẻ: “Dù rất mong muốn đặc sản cam Vinh của địa phương có thể vào siêu thị BigC, tuy nhiên hiện nay, một số vườn cam đã ký kết chưa hoàn thiện được các giấy tờ, thủ tục theo tiêu chuẩn, do đó vẫn chưa thể đưa sản phẩm vào bày bán…”.

Các sản phẩm chế biến từ cam có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Ảnh: Quang An
Các sản phẩm chế biến từ cam có tiềm năng nhưng chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Ảnh: Quang An