Phát triển và giữ vững thương hiệu cam Vinh – Bài 1: Thương hiệu nức tiếng

Cam Vinh là chỉ dẫn địa lý chung của những quả cam được trồng tại nhiều địa phương khác nhau ở Nghệ An, từ Xã Đoài (Nghi Lộc), đến Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Cam Vinh mỗi năm chỉ có một mùa, tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch, chính vụ vào tháng 11, tháng 12 và có thể kéo dài đến tháng 2 năm sau. Không như nhiều loại quả khác chỉ 3- 4 tháng là đã đơm hoa, kết quả, cam Vinh trải qua cả một năm trời với đủ 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, hấp thụ cả cái nắng và gió Lào bỏng rát ở xứ Nghệ nên có vị thơm ngon ít loại quả nào sánh bằng.

Cam Vinh có giá đắt hơn các loại cam bình thường khác trên thị trường. Cũng bởi giá trị cao, khách hàng ưa chuộng, mà có những thời kỳ, phải đến 90% cam tự xưng là cam Vinh nhưng không phải là cam Vinh. Sau này, một số địa phương ở các tỉnh Hòa Bình; Hưng Yên; Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã đem giống cam này về trồng trọt, cấy ghép. Tuy nhiên, đây cũng không phải cam Vinh. “Chứng nhận chỉ dẫn địa lý yêu cầu phải đảm bảo đúng các yếu tố như đất, nước, kỹ thuật trồng và chăm sóc… thì mới được công nhận thương hiệu sản phẩm”, ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Nghệ An cho hay.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng cam Vinh. Ảnh: Quang An
Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng cam Vinh. Ảnh: Quang An

Là một trong những cây trồng truyền thống, chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An, thập niên 60 của thế kỷ trước, cam Vinh được trồng chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Tân Kỳ, với sản phẩm nổi tiếng lúc đó là cam Sông Con. Cam được trồng tại các nông trường Sông Con, An Ngãi, Vực Rồng (Tân Kỳ); Cờ Đỏ; Tây Hiếu, Đông Hiếu (Nghĩa Đàn); Bãi Phủ (Anh Sơn), là nguồn cung lớn nhất để ngoài tiêu thụ trong nước, còn được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu thuộc khối XHCN với khối lượng lên đến hàng ngàn tấn.

Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, cam Vinh không xuất khẩu được, thương hiệu dần mất trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn là loại đặc sản có tiếng, là thương hiệu được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng, với đặc trưng nổi bật là hương thơm nồng, vị thanh mát, chinh phục cả những khách hàng khó tính nhất.

Năm 2007, cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với quy mô 12 xã thuộc 5 huyện. Đến năm 2019, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được mở rộng lên 73 xã thuộc 11 huyện, thị xã của tỉnh Nghệ An. Vùng trồng cam đã mở rộng sang nhiều huyện như: Nghĩa Đàn, Con Cuông, Yên Thành, Thanh Chương,… hình thành một số vùng sản xuất cam hàng hóa ở Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp… Toàn tỉnh hiện có trên 4.700 ha cam, và vụ cam năm nay dự kiến sản lượng sẽ đạt gần 60.000 tấn.

Cam Vinh là một trong những cây trồng truyền thống chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang An
Cam Vinh là một trong những cây trồng truyền thống chủ lực và là sản phẩm đặc sản của tỉnh Nghệ An. Ảnh: Quang An

Có nguồn gốc từ đảo Corse, nơi Napoléon bị giam giữ những năm cuối đời, giống cam Xã Đoài được du nhập vào Việt Nam khoảng 150 năm trước theo chân một giáo sĩ người Pháp. Theo bước chân truyền giáo, giống cam này đã được trồng ở rất nhiều vùng tại Malaysia, Philippine… Thế nhưng, chỉ đến khi cam được đem trồng ở vùng đất Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) và cho quả thì chính những người đem giống cam đến mới phải thực sự ngỡ ngàng vì hương vị quá thơm ngon và đặc biệt. Không lâu sau, nó tạo nên một thương hiệu cam nổi tiếng mang tên chính ngôi làng mà nó “bén duyên” – làng Xã Đoài. Có thể là do chất đất, nguồn nước, cam được trồng ở đây không chỉ cực kỳ có vẻ ngoài bắt mắt, quả to, tròn, căng mọng với một màu vàng óng ả, tươi tắn mịn màng, mà còn cực kỳ thơm ngon, bên ngoài quả cam có một lớp the mỏng, chỉ cần vết xước nhỏ cũng đã tỏa hương thơm ngào ngạt.

Ruột cam Xã Đoài vàng óng ánh, vị ngọt thanh, khi cắt ra có màu vàng óng, nước cam thơm như mật ong; đặc biệt nhất với những người đã từng ăn cam Xã Đoài “chính gốc”, đó là tép cam cực mịn, dễ dàng hòa tan khi đưa vào miệng. Cũng bởi thơm ngon rất đặc trưng, nên dưới thời nhà Nguyễn, cam Xã Đoài đã được dùng để tiến vua. Không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vinh dự được ghi vào đại từ điển Pháp, xuất hiện trong thành ngữ nước bạn Lào “Cam Xã Đoài, xoài Thà – Khẹk” và đi vào văn chương Việt Nam, thậm chí được nhiều người đánh giá là ngon nhất thế giới.

Cam Vinh đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo Ảnh: Quang An
Cam Vinh đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo Ảnh: Quang An

Nhiều năm lại nay, 1 quả cam Xã Đoài trồng tại xã Nghi Diên có giá trên 100.000 đồng, khách hàng phải đặt trước cả tháng mới hy vọng mua được làm quà biếu Tết. Từng có đoàn khách du lịch người Mỹ, khi đến Xã Đoài, không tin là có loại cam Việt Nam giá tới 4 USD/1 quả. Nhưng sau khi được mời ăn thử, đã mua một lúc mấy chục quả…

“Tính “độc lạ” này của cam Xã Đoài đã tạo nên một thương hiệu nổi tiếng, nhưng trải qua hàng trăm năm, các vườn cam ngày càng bị lão hóa, thu hẹp và chết dần, diện tích còn rất ít, đặc biệt là trong vườn nhà dân” – ông Phan Công Dương – Chủ tịch UBND xã Nghi Diên trầm ngâm cho biết.

Những ngày cuối năm này, những gốc cam đầu tiên trong “dự án” gần 10 ha cam Xã Đoài của ông Trịnh Xuân Giáo – chủ Trang trại cam Thiên Sơn (Yên Thành) đã được trồng, bén rễ trên đất Nghi Diên. Cùng sự góp mặt bài bản của các nhà đầu tư, nhiều người kỳ vọng thương hiệu cam Xã Đoài sẽ được giữ vững và ngày càng phát triển.

Ông Trịnh Xuân Giáo bên trang trại cam của mình tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Trịnh Xuân Giáo bên trang trại cam của mình tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Những năm qua, Nghệ An đã có nhiều chính sách nhằm phát triển, nâng cao giá trị cây cam và sản phẩm cam. Tỉnh Nghệ An có chủ trương hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người sản xuất cam trên địa bàn tỉnh đầu tư áp dụng công nghệ cao, áp dụng VietGAP, GlobaGAP, bao bì, nhãn mác… trong sản xuất cam nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường. Hiện đã có một số nhà vườn chuyển hướng sang xây dựng các vườn cam hữu cơ, sinh thái, như Trang trại cam Vi Hằng ở xã Thanh Đức (Thanh Chương) 5 ha; Trang trại cam Vinh Kỳ Yến ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) 4,3 ha…

Theo ông Nguyễn Văn Đệ – Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, thành công của các mô hình này là cơ sở để người trồng cam đầu tư vào sản xuất, chuyển từ sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất hàng hóa chất lượng, an toàn, hướng tới phát triển bền vững. Hiện 100% diện tích cam Vinh trồng tại Nghệ An đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, ký cam kết ATTP, được hỗ trợ chứng nhận vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc. Cơ bản sản phẩm cam Vinh tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các đơn vị sản xuất cam giới thiệu về sản phẩm của mình tại chương trình Livestream Cam Vinh. Ảnh: Quang An
Các đơn vị sản xuất cam giới thiệu về sản phẩm của mình tại chương trình Livestream Cam Vinh. Ảnh: Quang An

Để gia tăng giá trị chuỗi sản xuất cam, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, được sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), nhiều mô hình chế biến đã hình thành với các sản phẩm từ cam như: rượu cam, mứt cam, mứt vỏ cam, các loại bánh từ cam, được thị trường đón nhận. Đặc biệt, thời gian tới, Tập đoàn TH đầu tư phát triển nguyên liệu cam, quýt để sử dụng làm nguyên liệu, đồng thời có kế hoạch liên kết thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến cho nhà máy.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước, thị trường tiêu thụ cam Vinh ngày càng mở rộng. Đặc biệt, cam Vinh đã được giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín.

“Trong chủ trương của tỉnh, nhiều năm tới, cây cam Vinh vẫn tiếp tục được xác định là sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới với những “cú hích” mạnh mẽ, giúp cam Vinh phát triển, nâng cao giá trị và ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”, ông Nguyễn Văn Đệ cho hay.

Cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc. Clip: Q.A