Phát triển và giữ vững thương hiệu cam Vinh – Bài 2: Hệ quả của sự phát triển “nóng”

Khoảng 10 năm về trước, nhờ cây cam, nhiều người nông dân ở Quỳ Hợp đã trở thành tỷ phú. Vì cây cam, nhiều diện tích cây trồng khác đã bị phá bỏ. Tại xã Minh Hợp – vùng trồng cam truyền thống của huyện Quỳ Hợp, có thời điểm diện tích cam tăng một cách nhanh chóng lên đến hàng nghìn héc-ta. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Kim Châu – Chủ tịch UBND xã Minh Hợp, thì “hầu hết còn trồng theo phong trào, cây giống mua ở các vườn do người dân tự sản xuất, chăm sóc chưa đúng quy trình kỹ thuật nên rất nhiều vườn chỉ sau 2-3 vụ thu hoạch, cây cam đã bị thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp, nhiều diện tích buộc phải chặt bỏ”.

Chỉ mới thu hoạch được vài mùa, vườn cam rộng 1 ha của gia đình ông Trần Xuân Thành ở xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) đã bị rụng non. Số ít còn lại trên cây thì cũng không tiêu thụ được do chất lượng quả quá kém. Ông Thành chán nản: “Bao công sức trồng và chăm sóc, bước sang năm thứ 5 mới thu hoạch được mùa đầu, mà chỉ được 2 năm đầu còn tàm tạm, còn sau đó hầu như không còn thu hoạch. Đầu mùa năm nay, thương lái cũng có đến nhưng chỉ trả 2.500 – 3.000 đồng/kg”. Giá rất thấp, thậm chí không bán được là thực trạng đang diễn ra đối với nhiều vườn cam bị thoái hóa trên địa bàn tỉnh.

Người dân xót xa khi cam rụng hàng loạt. Ảnh: Quang An - Thái Hiền - Xuân Hoàng
Người dân xót xa khi cam rụng hàng loạt. Ảnh: Quang An - Thái Hiền - Xuân Hoàng

“Mặc dù huyện Quỳ Hợp chưa có quy hoạch chi tiết, nhưng trên thực tế, những năm gần đây diện tích cam đã được mở rộng một cách ồ ạt tại nhiều xã, người dân tự trồng và chuyển đổi một cách tự phát mà không có sự quản lý, định hướng của các cấp chính quyền”- Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Quán Vi Giang cho biết. Nếu như năm 2011 diện tích cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp chỉ có khoảng hơn 400 ha, thì đến năm 2019 đã tăng đến hơn 2.780 ha, trong đó, có hơn 1.227 ha bước vào giai đoạn kinh doanh.

Trên địa bàn toàn tỉnh, diện tích cam cũng tăng lên theo từng năm. Nếu năm 2012, Nghệ An chỉ có 2.667 ha cam thì đến năm 2018 đã tăng lên 6.156 ha, vượt 1.006 ha so với quy hoạch năm 2020 là 5.150 ha. Tại những vùng có khả năng trồng cam, cây cam được phát triển theo phong trào một cách rầm rộ, kể cả những vùng không nằm trong quy hoạch. Hiện nay, diện tích cam toàn tỉnh là 5.254 ha (diện tích giảm do nhiều vùng cam bị chặt bỏ vì thoái hóa, năng suất thấp), nhưng vẫn vượt quy hoạch chung.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn bộ giống, trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, khai thác đất chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh trưởng, phát triển và chất lượng sản phẩm cam. Sau một thời gian khá dài phát triển ồ ạt, vài năm lại đây, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã có hàng ngàn ha cam buộc phải chặt bỏ vì thoái hoá sớm, sâu bệnh hoành hành. Năm 2019, toàn huyện có 2.780 ha cam, nhưng với mức năng suất bình quân khoảng 12 tấn/ha, mỗi ha cam thu về chỉ còn trên dưới 400 triệu đồng, giảm tới 150 – 200 triệu đồng so với vụ trước. Và đến năm nay, huyện Quỳ Hợp chỉ còn hơn 1.500 ha cam, trong đó hơn 1.000 ha đang ở giai đoạn kinh doanh.

Nhiều gốc cam bị thoái hóa, nhiễm bệnh khiến người dân phải chặt bỏ. Ảnh: Quang An
Nhiều gốc cam bị thoái hóa, nhiễm bệnh khiến người dân phải chặt bỏ. Ảnh: Quang An

Dù diện tích cam liên tục phát triển nhanh nhưng do thiếu tính bền vững, thiếu sự liên kết giữa nhà vườn, HTX, doanh nghiệp… đã làm giảm thế mạnh, lợi thế của Nghệ An trong phát triển cây cam và dẫn tới nhiều hệ lụy.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thì hiện nay chưa kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc của giống cam; việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng, nguồn giống còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc áp dụng quy trình công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật thâm canh còn hạn chế, từ khâu trồng, tỉa cành tạo tán, sử dụng phân bón, cho đến thu hoạch, bảo quản đều chưa đảm bảo. Điều này dẫn đến năng suất chưa đảm bảo, chất lượng các vườn cam không đồng đều, mẫu mã chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đất trồng cam được khai thác liên tục, không luân canh dẫn đến bị thoái hóa nhanh chóng, nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cam.

Đặc biệt, trong phòng trừ sâu bệnh, người dân chủ yếu vẫn sử dụng thuốc BVTV và chất kích thích, điều hòa sinh trưởng một cách bừa bãi. Thực tế, có những vườn cam thời kỳ kiến thiết phun thuốc tới 25-30 lần/năm. Việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại, đặc biệt là thuốc trừ cỏ sử dụng kéo dài khiến môi trường đất, nước bị xáo trộn nặng nề, thậm chí khiến dư lượng thuốc BVTV trong quả cam cao, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến người sản xuất và người tiêu dùng. Điều này cũng khiến cho con đường xuất khẩu của cam bị chặn lại, do tiêu chuẩn khắt khe của các nước tiên tiến. Chưa kể, tình trạng kháng thuốc ở các loài dẫn đến sâu bệnh hại bùng phát thành dịch hàng năm trên diện rộng, như greening, vàng lá thối rễ, loét, sẹo…

Tình trạng cam rụng do bệnh, giống kém chất lượng xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Quang An
Tình trạng cam rụng do bệnh, giống kém chất lượng xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: Quang An

“Nhiều hộ trồng cam sử dụng nguồn giống không đảm bảo chất lượng, tình trạng thoái hóa đang ở mức đáng báo động, đồng nghĩa với chu kỳ khai thác bị rút ngắn, đáng lo ngại là nhiều diện tích cam đến kỳ thu hoạch đã phải phá bỏ vì chất lượng giống không đảm bảo, do sâu bệnh, vượt ngoài tầm kiểm soát của quy mô hộ sản xuất. Quá trình nhân rộng diện tích cơ bản đều theo hướng tự phát, công tác kiểm soát chất lượng đầu vào chưa hiệu quả. Số lượng vườn cây đầu dòng được công nhận còn ít, giống cam được cung cấp ra thị trường chủ yếu được các hộ trồng vận động bằng hình thức lấy mắt ghép từ cây mẹ, trong khi giống cây mẹ thường trôi nổi trên thị trường, chưa được xác nhận của cơ quan chuyên môn; một số giống cây ngoại tỉnh đưa về không qua kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm”, ông Đức lo ngại.

Việc phát triển ồ ạt, cộng thêm chăm sóc, chăm bón không đúng kỹ thuật, và cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, tạo đủ động lực thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất cam, nên dẫn đến phát triển thiếu bền vững. Tình trạng phát triển nóng dẫn đến được mùa mất giá diễn ra khá phổ biến tại các vùng trồng cam của tỉnh.