Phát triển bền vững nghề nuôi tôm: Bài 3: Quan tâm chất lượng con giống và đầu ra

Để nghề nuôi tôm hiệu quả và phát triển bền vững, 2 yếu tố đặc biệt cần được chú trọng là quan tâm giám sát chặt chẽ, đảm bảo giống tôm chất lượng và xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho con tôm.

Mặc dù chất lượng và thương hiệu tôm giống Nghệ An ít nhiều đã được khẳng định, tuy nhiên, vào mỗi vụ tôm, câu chuyện mua giống của ai luôn là trăn trở của mỗi chủ đầm. Đặc biệt, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều câu hỏi lại được đặt ra, trong đó bao gồm cả băn khoăn về chất lượng giống liệu có đảm bảo?

Các kỹ sư chuyên gia về ngành tôm cho rằng, với điều kiện sản xuất giống tôm được chuẩn hóa và giám sát toàn cầu như hiện nay thì rất khó để cơ sở sản xuất tôm giống “ăn xổi ở thì”; song, từ thực tế sản xuất giống luôn có 2 lựa chọn để chủ đầm cân nhắc. Nếu chọn dòng giống tôm có kháng bệnh thì khả năng phát triển, tăng trưởng của tôm chậm hơn 1 chút nhưng an toàn; còn nếu chọn dòng giống tăng trưởng nhanh thì chấp nhận rủi ro hơn và nguy cơ bị bệnh cao hơn.

Ảnh: Xuân Hoàng - Việt Hùng
Ảnh: Xuân Hoàng - Việt Hùng

Tìm hiểu được biết, theo thông lệ, trong vòng 1 tuần sau khi bắt về, nếu có vấn đề về giống thì cơ sở sản xuất sẽ chịu trách nhiệm bảo hành hỗ trợ, nhưng nếu từ 2 tuần trở lên thì không chịu trách nhiệm. Với hạ tầng hiện tại, chưa nhiều các đầm đầu tư đạt quy chuẩn nuôi 2-3 giai đoạn, trong đó, dành diện tích ao lắng bên cạnh diện tích ao nuôi hoặc nuôi ương gièo trong bể hoặc nhà lưới từ 20-30 ngày trước khi đưa ra ao thả nên khó đánh giá được chất lượng tôm giống như thế nào. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi hiện nay khá nặng và phổ biến nên rất khó có cơ sở đánh giá là giống tốt, đảm bảo hay không và “trói buộc” trách nhiệm cho cơ sở sản xuất giống nếu nuôi từ 1 tháng trở lên.

Qua khảo sát, trao đổi với một số chủ đầm nuôi tôm ở xã Diễn Trung (Diễn Châu) hay xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu), chúng tôi được một số chủ đầm nuôi tôm phản ánh về tình trạng tôm chậm lớn khi nuôi vụ 3, nguyên nhân một phần do chất lượng giống. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, theo các chuyên gia, điều kiện khí hậu lạnh cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của tôm nên cũng khó có cơ sở khẳng định.

Nghiên cứu, chiết xuất tảo dinh dưỡng để làm thức ăn cho tôm giống; kiểm tra, theo dõi sự phát triển của post tôm giống tại Công ty TNHH Việt Úc - Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải
Nghiên cứu, chiết xuất tảo dinh dưỡng để làm thức ăn cho tôm giống; kiểm tra, theo dõi sự phát triển của post tôm giống tại Công ty TNHH Việt Úc - Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Hải

Th.s Trần Trung Thành – Trưởng phòng Đào tạo và Huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Cơ sở sản xuất, cung ứng giống tôm hiện nay khá nhiều và chất lượng khá đồng đều, giá cả cũng không chênh lệch mấy. Ví dụ 1 triệu con giống của Việt Úc có giá 140 triệu đồng, thì của Tập đoàn CP cũng chỉ khoảng 150 triệu đồng, chiếm 20% chi phí nuôi. Thực tế cũng cho thấy, một số cơ sở sản xuất giống có uy tín hơn 1 chút thì gắn thêm điều kiện cung cấp giống và tư vấn nhưng phải lấy thức ăn, thuốc của đơn vị đó sản xuất hoặc cung cấp nên đôi khi chủ đầm không thích.

Theo ông Lê Văn Hướng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho hay: Rất khó đánh giá chất lượng tôm giống hiện nay tốt hay đảm bảo hơn so với trước đây vì điều kiện nuôi khác nhau. Nếu như trước đây phần lớn tôm giống, nhất là tôm sú được mua từ cơ sở ngoại tỉnh thì nay chủ yếu lấy ở trong tỉnh; các cơ sở sản xuất tôm giống của tỉnh cũng xuất đi các tỉnh khá nhiều. Ở chiều ngược lại, cũng có một số chủ đầm lại chọn cách mua con giống từ nơi khác về!

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham quan cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Nhằm thúc đẩy nghề nuôi tôm thịt, đồng thời đưa Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất giống tôm của miền Bắc, tỉnh có một số cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất giống và thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất giống an toàn và sạch. Khi đa số diện tích chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ, tỉnh cũng tạo điều kiện tối đa về cơ chế, chính sách và nguồn lực để các trại giống chuyển đổi cũng như người dân mua giống.

Với hạ tầng hiện tại, mỗi năm Nghệ An sản xuất, ương gièo trên 4 tỷ con giống và có thể nâng công suất thêm, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tôm giống của tỉnh. Tuy nhiên, do tâm lý người nuôi nên một số chủ đầm có thể mua giống cơ sở ngoại tỉnh và ngược lại, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh lại xuất bán đi các tỉnh phía Bắc. Và dù đưa từ nơi khác về hay xuất bán ra các tỉnh, con giống đều được quản lý, kiểm dịch theo quy định. Không những vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống đều được lấy mẫu định kỳ theo quy định; nếu có phản ánh liên quan đến chất lượng con giống, đều được ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra xác minh…

Yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của nuôi tôm thâm canh là thị trường đầu ra. Rõ ràng, khi nuôi tôm đã trở thành nghề luân canh, mỗi năm nuôi từ 2-3 vụ thì thị trường là điều quyết định việc nuôi tôm lời hay lỗ. Về việc này, phải chăng người nuôi tôm Nghệ An đang phó mặc cho thị trường tự do mà chưa có sự liên kết giữa “3 nhà”?

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty 38B ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty 38B ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nguyễn Hải

Mặt khác, thực tế theo dõi đầu ra cho con tôm cũng cho thấy, mặc dù là tỉnh đi đầu và có thế mạnh về nuôi tôm mặn lợ, nhưng địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có những cơ sở thu mua, chế biến tôm công suất lớn để thực hiện xuất khẩu trực tiếp. Sản lượng tôm dao động từ 6.000 – 7.000 tấn hiện nay chủ yếu thu mua, chế biến nhằm ủy thác xuất khẩu qua doanh nghiệp đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Lào, Trung Quốc và bán trên thị trường nội địa nên chưa tận dụng được các Hiệp định thương mại mà Việt Nam ký với châu Âu, Nam Mỹ… khi nguồn cung nhiều thì giá thấp, sản lượng thu mua không ổn định và ngược lại.

(Còn nữa)