Nông thôn mới… đã mới? – Kỳ 3: Điểm sáng cần được lan tỏa

Sau khi về đích NTM, nhiều địa phương nợ nần chồng chất; HTX nông nghiệp hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, không mang lại lợi ích cho xã viên. Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An cá biệt vẫn có những địa phương trong quá trình thực hiện các tiêu chí hạ tầng đã nói “không” với nợ; có những HTX nông nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, năng động trong kinh doanh, tạo niềm tin với nông dân.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh ở nhiều địa phương, do vậy việc xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa là tất yếu. Đây cũng là yêu cầu mới đặt ra đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trên địa bàn Nghệ An, không ít xã đã có sự “lột xác” mạnh mẽ làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn; có thể kể đến như Đô Thành, Sơn Thành (huyện Yên Thành), một số xã của các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn… Nhưng đô thị hóa nhanh mà không nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM như xã Diễn Tháp và Diễn Xuân (huyện Diễn Châu) thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Xã Diễn Tháp được nhiều người biết đến là địa phương năng động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại từ hàng chục năm qua. Từ đó, người dân có điều kiện xây dựng nhà ở cao tầng khang trang hiện đại, đóng góp xây dựng quê hương. Đến xã Diễn Tháp, ta sẽ phải ngỡ ngàng trước quang cảnh nhà cao tầng mọc lên san sát, 100% tuyến đường trên địa bàn xã được rải nhựa, đổ bê tông; xe ô tô nườm nượp ra vào… thể hiện rõ một bộ mặt nông thôn đang “đưa phố về làng”.  Ông Cao Xuân Biên – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Tháp phấn khởi nói: Xã đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn, nhưng vấn đề quan trọng là địa phương không để lại nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM, mặc dù những năm qua địa phương đã xây dựng hàng hoạt công trình phúc lợi: Trụ sở, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… trị giá hàng chục tỷ đồng.

Làng biệt thự ở xã Diễn Tháp (Diễn Châu)
Làng biệt thự ở xã Diễn Tháp (Diễn Châu)

Câu hỏi đặt ra, Diễn Tháp đã làm như thế nào để không nợ đọng sau khi về đích NTM? Bà Chu Thị Khuyên – Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp cho hay: Kinh doanh thương mại của địa phương chiếm 60% tỷ trọng kinh tế, nên điều kiện kinh tế của người dân có của ăn của để, nhu cầu đời sống cao. Nắm bắt được cơ hội đó, xã chú trọng công tác quy hoạch, mở rộng đường giao thông đến các lô đất sẽ bán đấu giá làm đất ở, với phương châm “đường vào tiền ra”. Vì vậy, các lô đất được quy hoạch đấu giá đất ở được người dân mua với giá cao, có thời điểm lên tới 1,5 – 1,7 tỷ đồng/thửa. Từ đó địa phương có nguồn thu đáng kể để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi. Hiện nay, Diễn Tháp đang đầu tư xây dựng nâng cấp 3 trường học của 3 cấp, với tổng kinh phí 34 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đó đã được xã sử dụng một phần ngân sách địa phương, cùng với nguồn xã hội hóa và sự đóng góp của người dân.

Dẫn chúng tôi đến vùng quy hoạch “xóm NTM đáng sống” ở Diễn Tháp, Bí thư Đảng ủy xã Cao Xuân Biên cho biết: Do nhu cầu của người dân trong xã, địa phương đã quy hoạch khu vực này trở thành khu NTM kiểu mẫu “đáng sống” trong tương lai. Sau khi hoàn thành công tác quy hoạch, địa phương đã xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức bán đấu giá đất ở tại một số lô. Theo quy hoạch, xóm NTM này có khu vui chơi giải trí, bệnh viện, khu dưỡng lão và khu công nghiệp nhỏ. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Tới đây, địa phương sẽ khuyến khích 1 – 2 hộ nông dân đầu tư sản xuất rau sạch trong nhà lưới, nhằm cung ứng rau củ quả an toàn cho người dân trong vùng.

Người dân xã Diễn Tháp tự hào rằng, dù đi nhiều địa phương nhưng chưa có xã nông thôn nào vươn lên bắt nhịp đời sống đô thị hóa nhanh như quê mình. Nhờ đô thị hóa, trên địa bàn xã có đủ cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh buôn bán hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân ngay tại địa phương. Hiện nay người dân đang chờ đợi khu NTM kiểu mẫu “đáng sống” hoàn thành để được hưởng thụ, không cần đến các trung tâm thành phố lớn sinh sống.

Trường Mầm non xã Diễn Xuân.
Trường Mầm non xã Diễn Xuân.

Cũng ở huyện Diễn Châu, xã Diễn Xuân là điển hình về hạn chế tối đa nợ đọng khi xây dựng NTM. Ông Đinh Tiến Lợi – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Xuân, cho biết: Ðể hạn chế nợ đọng trong quá trình xây dựng NTM trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn hẹp, địa phương đã có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của xã; đó là không chạy theo thành tích, đua theo sự hoành tráng của các công trình, mà có đến đâu làm chắc đến đó, triệt để tiết kiệm. Mặt khác không đầu tư dàn trải, luôn ưu tiên cho những công trình thiết thực với đời sống nhân dân, huy động đa dạng các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, nắm chắc nguồn vốn mới đầu tư. Những năm gần đây, địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm: Trụ sở Đảng ủy, UBND xã, trường học, trạm y tế, đường giao thông, sân vận động… trong đó, ngoài nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ, phần lớn là huy động vốn của người dân và xã hội hóa là chính. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, từ năm 2011 đến nay xã Diễn Xuân đã huy động được hơn 321 tỷ đồng để đầu tư xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí NTM, trong đó nguồn lực huy động được từ nhân dân chiếm tới 63,2% và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động.

Trong khi các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang “bế tắc” trong hoạt động kinh doanh, thì một số HTX nông nghiệp, tại một số địa phương làm tốt khâu liên kết, mang lại lợi ích cho xã viên: HTX Minh Thành, Tăng Thành (Yên Thành), HTX Nghi Lâm (Nghi Lộc), HTX nông nghiệp Văn Sơn (Đô Lương)… Trong đó điển hình trong khâu liên kết theo chuỗi giá trị là HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành (Yên Thành).

Xã viên mua vật tư nông nghiệp tại HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành.
Xã viên mua vật tư nông nghiệp tại HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành.

Đến HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành khi bà con nông dân ở địa phương này vừa kết thúc thu hoạch vụ lúa hè thu. Lúc này, trong kho của HTX chứa đầy lúa thương phẩm. Kế bên là kho chứa thức ăn gia súc và phân bón các loại. Trong suốt buổi sáng, bà con xã viên nhộn nhịp đến giao dịch, mua bán vật tư nông nghiệp. Ông Chu Văn Thọ, người dân xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu đến HTX mua thức ăn gia súc, bộc bạch: Mặc dù ở địa phương khác, nhưng nhận thấy HTX này hoạt động minh bạch, công khai, có sự liên kết tốt với nông dân, nên ông liên kết với HTX vào lĩnh vực chăn nuôi lợn thịt. Được HTX cung ứng con giống, thức ăn… bao tiêu sản phẩm, ông Thọ nuôi 100 con lợn mà không còn sợ thương lái ép giá. Liên kết với HTX còn được HTX đầu tư vốn vào chăn nuôi với lãi suất 0,8%/tháng nếu gia đình không có điều kiện kinh tế, ngoài ra hộ xã viên còn được mua thức ăn gia súc với giá rẻ hơn thị trường. Ông Thọ cho biết thêm,  nhờ có sự liên kết, nên tới đây ông sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại để tăng số lượng đàn lợn.

Bà Nguyễn Thị Phi, nông dân xóm Trung Tâm, xã Thọ Thành cho hay: Hàng năm gia đình được HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, nên thu nhập cao hơn so với trước. Vụ hè thu vừa rồi, gia đình nhận thêm đất của bà con trong xóm cấy 2 mẫu lúa. Sau khi thu hoạch, gia đình bà bán cho HTX 5 tấn lúa thương phẩm, với giá 6.300 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Liên kết với HTX còn được HTX đảm nhận khâu làm đất, cấy, thu hoạch, cung ứng phân bón… với giá thấp, nên bà con nông dân giảm chi phí đầu vào.

Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành – ông Hồ Sỹ Quảng chia sẻ, thực trạng chung của các HTX nông nghiệp hiện nay khó hoạt động hiệu quả là bởi thiếu 2 vấn đề cốt yếu: Vốn và năng lực cán bộ quản lý. Vì vậy, ngay sau khi thành lập HTX (năm 2015) bản thân ông chú trọng xây dựng mối đoàn kết trong nội bộ HTX, từ đó gây dựng được nguồn vốn kinh doanh, bằng sự đóng góp cổ phần của Ban quản lý HTX và xã viên. Từ đồng vốn ban đầu, HTX phát huy sự nhạy bén, năng động và quyết đoán trong kinh doanh, nên nguồn vốn ngày càng cao, HTX tạo được uy tín đối với bà con xã viên. Đến nay, HTX đã có số vốn kinh doanh trên 20 tỷ đồng, để ngoài đầu tư liên kết trong sản xuất, chăn nuôi, còn cho xã viên vay phát triển kinh tế. Đến thời điểm này, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành có 380 thành viên, đã liên kết với bà con xã viên sản xuất 100 ha lúa tại các cánh đồng mẫu của địa phương, ngoài ra còn liên kết với 40 hộ trong và ngoài xã chăn nuôi lợn siêu nạc, với tổng đàn hơn 1.000 con lợn thịt/lứa. Từ đó, mỗi năm HTX cung ứng 1.000 tấn phân bón các loại, 18 tấn lúa giống và 2.000 tấn thức ăn gia súc; tổ chức thu mua 400 tấn lúa cho bà con xã viên và 1.000 tấn lợn thịt cho bà con.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Lương – Chi cục Trưởng Chi cục phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện nay có một số HTX làm ăn có hiệu quả, nhưng để có HTX tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi một cách bền vững, thì HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành là điển hình. Đây thực sự là mô hình HTX đã được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm trong thời gian qua.