Nông thôn mới… đã mới? – Kỳ cuối: Đột phá trong cách làm giai đoạn 2

Bên cạnh thành quả to lớn, những bất cập từ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt ra là yêu cầu cần có cái nhìn toàn diện, đa chiều để từ đó có giải pháp, cách làm thiết thực khi triển khai giai đoạn 2, giúp nông thôn mới thực sự mới.

Xây dựng nông thôn mới đã được khẳng định là chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong thực hiện “tam nông”: nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 70% dân số sống ở nông thôn. Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, bộ mặt nông thôn mới của tỉnh đã có nhiều thay đổi tích cực. Theo đánh giá, công cuộc xây dựng NTM ở Nghệ An khó khăn hơn các tỉnh khác nhiều bởi đặc thù địa bàn rộng, có cả miền biển, đồng bằng, vùng núi; có nhiều huyện miền núi nên để đạt được kết quả như hiện nay cần ghi nhận nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân.

Trong Bộ tiêu chí NTM có 19 tiêu chí được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch; về hạ tầng kinh tế – xã hội; về kinh tế và tổ chức sản xuất; về văn hóa – xã hội – môi trường và về hệ thống chính trị. Tuy nhiên, thực tế NTM ở các xã về đích chưa tạo sự “lột xác” như kỳ vọng. Đằng sau những chỉ số tiêu chí đạt được, sau mốc về đích xã NTM của các địa phương, còn khá nhiều câu chuyện chưa vui. Đã có hiện tượng biến tướng khi áp dụng xuống các địa phương. Thay vì tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ưu tiên nguồn lực đầu tư hỗ trợ các làng nghề, tạo việc làm, xây dựng đời sống văn hóa…, nhiều địa phương chạy theo thành tích thay đổi bộ mặt nông thôn với nhiều công trình, dự án mà nói như lãnh đạo một sở, thì NTM đang tập trung ở những tiêu chí “mua được bằng tiền”. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống cốt lõi của nông thôn Việt Nam cũng mai một, từ cổng làng đến cây đa, giếng nước… Căn bệnh thành tích đã đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới vào vòng luẩn quẩn “nghèo – xây dựng – nợ nần – nghèo”. Theo ý kiến một cán bộ dân vận của Huyện ủy Diễn Châu, thì trọng tâm của NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân thông qua phương thức sản xuất và thu nhập bền vững; nhưng thực tế thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào lực lượng lao động làm ăn xa sẽ thiếu tính bền vững, không thể gọi là NTM được.

Xây dựng NTM ở Nghệ An khó khăn hơn các tỉnh khác bởi đặc thù địa bàn rộng, có cả miền biển, đồng bằng, vùng núi. Trong ảnh: Một góc xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu).
Xây dựng NTM ở Nghệ An khó khăn hơn các tỉnh khác bởi đặc thù địa bàn rộng, có cả miền biển, đồng bằng, vùng núi. Trong ảnh: Một góc xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu).

Xây dựng NTM đồng nghĩa với “tam nông” phải được đổi mới một cách toàn diện. Một cán bộ địa phương chia sẻ: NTM có một số hiệu quả trước mắt, như mở rộng đường sá, hoàn thiện hạ tầng, nhưng chưa đi vào thực chất, là giải được bài toán phát triển kinh tế nông nghiệp. NTM thì phải có “con người mới”. Đây là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định, nếu chúng ta không thành công thì NTM sẽ rơi vào thoái trào. Đầu tư nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn khang trang mới chỉ là một vế của xây dựng NTM. Cần có một sự đánh giá toàn diện về xây dựng NTM, đặc biệt là những bất cập và giải được bài toán nghề nghiệp, thu nhập cho nông dân thì khi đó NTM mới thực sự. Nếu không, sau khi các xã đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM rầm rộ, NTM sẽ chỉ là  “bình mới rượu cũ”.

Xã Sơn Thành (Yên Thành) được tỉnh chọn là 1 trong 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Trí Hóa – Bí thư Đảng ủy xã, thừa nhận: Bên cạnh những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đạt được trong 7 năm qua vẫn còn bộc lộ yếu kém, cần được quan tâm. Đó là chưa thay đổi được tập quán sản xuất, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất khó khăn. Như vụ đông vừa qua, địa phương trồng hơn 1 ha bí theo hình thức mô hình sản xuất. Đến ngày thu hoạch, hàng chục tấn bí xanh ế ẩm, không bán được. Người nông dân vẫn chịu cảnh “được mùa mất giá”. “Đặc thù trong sản xuất nông nghiệp là cây trồng gì cũng thu hoạch theo vụ. Nên khi vào vụ thu hoạch là ngập sản phẩm, tiêu thụ không kịp, nhưng xong vụ là hết hàng. Thành ra sự cần thiết là phải có kho chứa bảo quản hàng lâu dài” – ông Hóa nói.

 Đường nông thôn mới ở xã Sơn Thành (Yên Thành).
Đường nông thôn mới ở xã Sơn Thành (Yên Thành).

Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, xã đã công nhận NTM chỉ khác xã đang “làm” NTM ở con đường và các công trình phúc lợi khác, còn tư duy sản xuất và thu nhập của người dân khó nhận rõ sự đổi khác. Theo chúng tôi, ý kiến đó không hề sai. Để minh chứng cho ý kiến đó, chúng tôi so sánh 2 xã: Thái Sơn và Giang Sơn Đông (Đô Lương), trong đó xã Thái Sơn về đích NTM năm 2015, xã Giang Sơn Đông phấn đấu về đích năm 2020. Điều dễ nhận thấy sự khác biệt đó là hệ thống giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi của xã Thái Sơn gần như 100% được đầu tư xây dựng khang trang. Còn xã Giang Sơn Đông hệ thống giao thông nông thôn nhiều nơi chưa đổ bê tông, một số trường học, nhà văn hóa xóm chưa được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Còn trên đồng ruộng, theo ghi nhận của chúng tôi là hoàn toàn như  nhau, bà con nông dân vẫn tư duy sản xuất cũ, với một năm 2 vụ lúa, 1 vụ đông. Ông Đinh Lang Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Giang Sơn Đông nói: Do xã còn 5 tiêu chí cứng chưa đạt: Giao thông, thiết chế văn hóa, trường học, điện, văn hóa, nên nhìn bề ngoài không thể bằng xã đã về đích.

Như đã biết, xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, giải quyết những vấn đề chiến lược, cốt lõi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân trước làn sóng cạnh tranh hội nhập. Kế hoạch đến năm 2020 của Nghệ An sẽ có 265 xã đạt chuẩn NTM (đạt 61,5%) được nhận định là một thách thức rất lớn. Trên hết, sự phát triển thực chất, tạo ra vật chất, tạo dựng được môi trường nông thôn văn minh, đáng sống và bền vững vẫn là điều cần thiết. Nông thôn mới vẫn phải tiếp tục được “làm mới”, được đo lường bằng sự hài lòng của người dân hơn là những tiêu chí kỹ thuật, không phải chỉ bằng cách đổ tiền vào các dự án đầu tư hạ tầng nông thôn như đã thấy từ nhiều năm qua. Người dân cần được giải phóng gánh nặng bằng kiến thức của người kinh doanh, thông qua con đường đào tạo nghề, làm giàu trên mảnh đất nông thôn. Xây dựng NTM luôn phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng công nghệ Nhật Bản ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ bằng công nghệ Nhật Bản ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương.

Với quan điểm này, mới đây tại một hội thảo bàn về giải pháp trong giai đoạn 2 xây dựng NTM, ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam nhắc đi nhắc lại ý ưu tiên giải quyết bức xúc của dân và văn hoá nông thôn, bởi đây là cội nguồn văn hoá quốc gia. Công trình kinh tế hỏng có thể làm lại, nhưng văn hoá thì rất khó… Ông Hùng nhấn mạnh: Muốn thành công phải đưa các tổ chức xã hội nghề nghiệp vào. Kiên trì gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng NTM, chú trọng tái cơ cấu chất lượng trong nông nghiệp, tái cơ cấu đất đai, nguồn lực đầu tư. Xác lập đúng vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng NTM; quan tâm những doanh nghiệp lớn tạo bước đột phá. Vai trò làm chủ của dân phải thể hiện được, ưu tiên cái gì dân cần, bức xúc trước; hiện có một số địa phương đang theo ý chủ quan của lãnh đạo. Phát triển kinh tế nông thôn phải gắn với đạo đức, lối sống, môi trường nông thôn. Cẩn trọng để không dẫn tới “nông nghiệp bốn không khi thực hiện 4.0”…

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật tương đối rõ thể hiện sự thay đổi trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt tập trung xuất hiện; cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp cũng nhiều hơn… Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất ở một số đối tượng nhất là đối tượng mới chưa rõ. Hiện tượng “ăn thừa, bán thiếu” vẫn xảy ra trong sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ vào cuộc của Nhà nước; cần có kết nối để sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp, nhất là nhóm hàng không chủ lực. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thu hút doanh nghiệp công nghiệp gần địa phương, giải quyết việc làm để người lao động có thể vừa làm công nhân, vừa làm ruộng. Những vùng làm nông nghiệp cần kết hợp với doanh nghiệp đưa được cây trồng, vật nuôi có lợi thế về với dân.

Trên quan điểm doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt nền nông nghiệp, ông Trần Quốc Thành –  Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: Thực tế, chính sách của chúng ta hiện nay quan tâm tác động nhiều đến đầu vào mà ít quan tâm đầu ra. Vì thế, giai đoạn 2 thực hiện NTM cần chú trọng đầu ra để phát huy nông sản nhỏ mang tính đặc sản vùng, miền như bí xanh, gừng, hành tăm, su su… Bên cạnh sản phẩm chủ lực của tỉnh cần phải quan tâm sinh kế đặc thù, thương mại, nhãn hiệu hàng hoá. Hạ tầng cơ sở cũng rất quan trọng nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, để NTM thực sự mới, cần quan tâm hơn đến điều kiện đủ. Đó là quan tâm doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn tiếp cận được chính sách, marketing; tập trung ưu tiên phát triển chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…

Đích đến của nông thôn mới vẫn còn đang ở phía trước. Nếu không có những điều chỉnh hợp lý thì việc đầu tư vào nông thôn vẫn chỉ như “bình mới rượu cũ”, chủ yếu “mới” ở hình thức mà thiếu đi phần cốt lõi tạo sự đổi thay, phát triển bền vững trong đời sống của người dân! Chỉ khi nào tư duy người dân thay đổi, cuộc sống nông dân ấm no, hạnh phúc đó mới là sứ mệnh của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, hay cũng chính là cuộc cách mạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân.