Kỳ 2: Đột nhập bãi vàng

Giữa trưa tháng 5, chúng tôi có mặt tại ngã ba xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Ở đây lúc nào cũng có một nhóm xe ôm chực chờ sẵn 2 bên đường. Từ ngã ba này là tuyến đường độc đạo dẫn vào bãi vàng ở thôn 8, nơi có đến 4 công ty vàng đang hoạt động. Chúng tôi bước xuống xe ô tô, cánh xe ôm đã vây lấy với ánh mắt nghi ngại. Họ tới không phải chào mời khách mà là để thăm dò. Ở cái “xứ vàng” này, đội ngũ xe ôm cũng chính là “tai mắt” của các chủ bãi vàng. Hễ thấy người lạ, nhóm này lập tức tìm hiểu. Chính vì thế, nhiều lần cơ quan chức năng đi kiểm tra, chưa vào tới nơi chủ bãi vàng đã biết để kịp “sắp xếp”.

Để không bị lộ, chúng tôi phải cải trang thành một người quê Nghệ An vào bãi vàng tìm người thân, nên đành mà chấp nhận không mang theo máy móc để tác nghiệp. “Tưởng ở đâu, chứ người Nghệ An trong này nhiều lắm. Vào bãi nào cũng có. Phu vàng chân ướt chân ráo mới vào cũng có, mà người đã làm vài chục năm nay cũng nhiều”, tài xế xe ôm tên Đông (37 tuổi) nói. Tuyến đường từ ngã ba xã Phước Hiệp vào bãi vàng chỉ chừng 14 km nhưng phải mất hơn một giờ mới tới.

Đoạn đường nói không ngoa là chẳng có lấy một cen-ti-mét nào bằng phẳng, thi thoảng lại bắt gặp những tảng đá sắc nhọn, lởm chởm chắn ngang đường, chỉ có những chiếc xe win được độ lại của đám xe ôm chuyên nghiệp mới có thể qua được. Những ngày mưa, tài xế còn phải quấn thêm xích vào bánh xe mới mong vượt được đoạn đường này. Cũng chính vì thế, mỗi chuyến xe ôm từ trung tâm xã vào bãi vàng này có giá đến 600.000 đồng.

Dọc đường đi, chúng tôi liên tục phải băng qua những dòng sông nhỏ với làn nước có màu trắng bạc. Hỏi từ tài xế xe ôm đến người dân địa phương, không ai nhớ tên của những dòng sông này. Nhiều năm nay, kể từ khi phu vàng đổ xô vào đây, họ quen gọi đó là những dòng sông chết. Sông chết bởi không có cá. Chất thải từ các bãi vàng đổ xuống khiến chẳng một sinh vật nào sống nổi.

Nhìn từ trên cao, dòng sông như những con đường bằng bêtông chạy dài dưới chân núi. “Nước ở đây độc lắm, do thải ra từ các bãi vàng. Nếu chân bị trầy xước thì chỉ chạm vào nước này một chút thôi cũng đừng có mong khỏi sớm, nó lở loét kinh lắm”, tài xế Đông – người có đến hàng nghìn lần chạy xe qua lại tuyến đường này cho hay.

Bãi vàng thôn 8 xã Phước Hiệp nơi chúng tôi sắp tới là một trong những điểm nóng khai thác vàng ở Quảng Nam. Ở đây hiện có 4 công ty trong đó 2 công ty được cấp phép khai thác, còn 2 công ty chỉ được phép thăm dò. Tuy nhiên, trên thực tế việc thăm dò hay khai thác cũng chỉ có người của công ty biết được, bởi theo giới thạo về vàng ở đây, giấy phép thăm dò dường như là một “lá chắn” để doanh nghiệp thản nhiên vơ vét tài nguyên mà cơ quan chức năng khó phát hiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở bãi vàng này hiện có đến 1.000 lao động. Đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra sập hầm, sạt lở núi trong quá trình khai thác khiến phu vàng thiệt mạng.

Bãi vàng này tồn tại từ hàng chục năm qua, với số lượng phu vàng đông đảo, nhiều nhà mạng thậm chí còn đầu tư xây dựng các cột phát sóng điện thoại để phục vụ, dù ở sâu trong rừng. Cũng như các bãi vàng lớn khác, ở đây dù cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng hầu hết dịch vụ đều có sẵn, thậm chí là cả karaoke được phát điện từ máy nổ…

Sau hơn một giờ băng rừng, chúng tôi có mặt tại bãi vàng cũng là lúc công nhân từ các hầm lò vừa trở ra để ăn trưa. Người đầu tiên chúng tôi gặp tại đây là một người quê Nghệ An mà các phu vàng vẫn thường gọi với cái tên Hòa “Mập”. Ở bãi vàng này, ông Hòa (55 tuổi) là một trong những nhân vật “có số má”. Người đàn ông quê ở phường Lê Lợi (TP Vinh) đã có gần 30 năm kinh nghiệm làm vàng.

Ông Hòa kể rằng, sau khi xuất ngũ, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, trong cơn sốt đá đỏ ở Quỳ Châu, ông cũng tìm lên đó để mong được đổi đời. Ra về tay trắng, ông sau đó quyết định vào thủ phủ vàng trong này để lập nghiệp. Bắt đầu từ một tay phu vàng chân ướt chân ráo, ông Hòa sau đó dần trở thành đầu cánh cho một công ty, cai quản hàng chục lao động. Lao động dưới quyền người đàn ông này hiện nay phần lớn đều là người Khơ Mú ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương…

Mặc dù đã giữ kín lộ trình hết mức có thể, đồng thời đã cải trang, nhưng không biết bằng cách nào, khi chúng tôi có mặt tại bãi vàng, nhóm quản lý ở đây đã biết “có nhà báo đến”. Khi phóng viên đề cập vào trực tiếp hầm lò, gặp gỡ công nhân, ông Hòa liên tục tìm lý do từ chối. “Ở chỗ anh nghỉ làm hết rồi, giờ nó chạy qua công ty khác hết. Không còn ai nữa…”, người đàn ông này nói.

Sau một lúc trò chuyện với thái độ dè chừng của các phu vàng lẫn đám “đầu cánh” ở đây, chúng tôi quyết định đột nhập 1 trong 4 công ty vàng mà không báo trước. Lúc này, nhóm công nhân đang đến giờ ăn trưa. Bên trong căn nhà gỗ sơ sài, vừa là chỗ ngủ của hàng trăm lao động cũng vừa là nhà ăn, nơi sinh hoạt chung. Phần lớn trong số này là những phu vàng tuổi còn chưa đến 20. Chúng tôi đã luôn bị theo sát bởi những tay “đầu cánh” quản lý bãi vàng. Hỏi một nhóm lao động trẻ ở đây thì tất cả đều nói đã tròn 17 tuổi. Tuy nhiên, số tuổi thực tế của những lao động “nhí” này chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng, bởi chính quyền sở tại cũng không nắm được danh sách tất cả phu vàng. Đối với những lao động “nhí”, các chủ bãi vàng thường giấu nhẹm, không hề đăng ký tạm trú với chính quyền.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở bãi vàng này hiện có đến 1.000 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, chủ những công ty này nói rằng, con số này chỉ khoảng 500 người. Trong khi đó, theo danh sách đăng ký tạm trú cho các công nhân ở xã Phước Hiệp, số phu vàng chỉ có vỏn vẹn hơn 80 người. Có 2 công ty thậm chí còn không đăng ký. Chất vấn về điều này, các chủ bãi vàng thừa nhận, khi các công ty vàng nếu đăng ký với chính quyền chỉ có 50 công nhân thì con số thực tế gấp rất nhiều lần.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Lực – Trưởng Công an xã Phước Hiệp thừa nhận, chính quyền xã không thể kiểm soát nổi các hoạt động ở trong bãi vàng cũng như số lao động trong này. “Bãi vàng ở tận trong rừng sâu, mỗi lần vào đó rất khó khăn. Mà nếu vào thì chủ bãi cũng biết trước khi chúng tôi tới nơi nên đưa quân xuống hầm trốn hết. Vì thế chúng tôi cũng không thể đếm được, không biết được có sử dụng lao động trẻ em hay không hoặc có đánh đập, bóc lột hay không? Giờ giấc làm việc như thế nào?… chúng tôi cũng rất khó kiểm chứng, thông thường chỉ kiểm tra qua báo cáo, giấy tờ”, ông Lực nói.

Do không quản lý nổi nên các bãi vàng có thể là nơi các đối tượng phạm pháp trà trộn. Thậm chí, một số “đầu cánh” ở đây còn thừa nhận với phóng viên, ở bãi vàng còn có không ít người nước ngoài đang làm việc, mà chính quyền không hề hay biết. Mặt khác, do cơ quan chức năng không thể kiểm soát được tình hình nên tình trạng bóc lột, bạo hành phu vàng dường như là chuyện thường ngày ở đây. Ngoài ra, các bãi vàng cũng là những điểm nóng về tình trạng ma túy, mại dâm…