Kỳ 3: Những cuộc đào thoát

Không chịu đựng nổi những trận đòn roi, hành hạ từ đám đầu cánh, hàng ngày lại phải đối diện với  nguy cơ sập hầm, sạt lở, nên đã có hàng loạt cuộc đào thoát của phu vàng xảy ra, trong đó nhiều nhất vẫn là những người đến từ xứ Nghệ. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn chạy thoát được.

Bàn chân rớm máu, đôi dép nhựa băng rừng đã rách nát, Moong Thị Khất (16 tuổi), không nghĩ mình còn sống trước khi nhìn thấy dòng chữ “Trụ sở Công an huyện Nam Giang” hiện lên trước mắt. Rạng sáng hôm đó, trước khi gặp được công an, Khất và người bạn là Lò Thị Xí (15 tuổi, cùng trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã phải cắt rừng, chạy bộ suốt 6 tiếng. Sợ đám “đầu cánh” hung dữ đuổi kịp, cả 2 không dám ngoảnh đầu nhìn lại. “Bọn em cứ chạy thẳng, không có đường nên cứ chỗ nào trống là lao theo. Chỉ hy vọng nhìn thấy nhà dân, có những lúc bọn em nghĩ đến việc sẽ phải bỏ mạng nơi rừng sâu này mà chẳng ai biết đến”, Khất nói sau khi dường như ngất lịm tại trụ sở công an.

Năm 2016, Khất và Xí bị một phụ nữ lừa vào “làm việc nhẹ lương cao” ở huyện Phước Sơn. “Tại đây, chúng em bị buộc lao động kiệt sức, lại thường xuyên bị đánh đập. Không chịu nổi, chúng em bàn nhau trốn. Tranh thủ lúc sơ hở, cả hai cắt rừng mà chạy”, Khất và Xí khai với Công an huyện Nam Giang. Khất còn nói rằng, trong bãi vàng còn có hàng chục phu vàng cùng độ tuổi đang bị lao động khổ sai chưa thể trốn thoát.

Cuộc đào thoát như của Khất và Xí là chuyện xảy ra thường ngày ở xứ vàng Phước Sơn này. Không chịu được cảnh đòn roi, đánh đập của đám “đầu cánh” hung dữ, lại phải thường xuyên làm việc dưới hầm sâu, đối diện với nguy cơ sập hầm, cuộc sống lại thiếu thốn, không ít phu vàng tìm cách bỏ trốn. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công. Nếu bị phát hiện, họ lại phải chịu những trận đòn roi đau đớn từ những “đầu cánh” rồi tiếp tục phận phu vàng.

Có mặt tại bãi vàng Phước Hiệp vào trung tuần tháng 5, chúng tôi được nghe kể lại vụ bỏ trốn của hơn 20 phu vàng người Kỳ Sơn xảy ra chỉ mới vài ngày trước. Những phu vàng này chủ yếu là người dân tộc Khơ mú. Vì bức xúc sự đối đãi của nhóm “đầu cánh”, các phu vàng quyết định bỏ trốn, chuyển qua một bãi vàng khác làm việc. Tuy nhiên, ở cái xứ vàng này có một “điều luật bất thành văn” đó là các chủ bãi vàng không nhận công nhân bỏ trốn từ bãi khác. Vì vậy, để tiếp tục làm việc, nhóm này đành phải quay trở lại chủ cũ. Đặc biệt là sau khi nhận được “chỉ đạo” của Hòa “Mập”, một “đầu cánh” khét tiếng cũng quê Nghệ An ở đây; việc đào thoát của các phu vàng vì thế thất bại…

Cũng tại bãi vàng này, 3 năm trước Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi), cùng trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An đã làm một cuộc đào thoát ngoạn mục. Cả hai sau đó chạy vào nhà dân, được che chở đồng thời chở tới một Trung tâm công tác xã hội để được hỗ trợ đưa về quê an toàn. Toại nói rằng, sau Tết nghe lời của một người tên Mão ở huyện Kỳ Sơn hứa trả lương mỗi tháng 6 triệu đồng, đầu năm 2016, Toại cùng 6 người đồng hương vào Quảng Nam làm phu vàng. Làm việc chưa được một tháng, vì bị bóc lột sức lao động nên đã có 5 người bỏ trốn. Đến tháng 4/2016, Toại cũng bỏ trốn nhưng bị bắt và bị chủ bãi đánh đập dã man. Tuy bị đánh đập, đe dọa nhưng không chịu nổi cảnh lao động khắc nghiệt tại bãi vàng, thiếu niên này vẫn nuôi ý định bỏ trốn tiếp.

Rạng sáng một ngày tháng 7/2016, lợi dụng chủ bãi vàng say rượu, Toại rủ Cầu bỏ trốn. Ra khỏi bãi vàng, hai phu vàng “nhí” cứ theo hướng đường dây điện để thoát khỏi cánh rừng. Trên đường chạy trốn, do Cầu không có dép nên Toại phải nhường cho Cầu, còn mình đi chân đất. Hai em cứ bươn rừng mà chạy trong nỗi lo sợ sẽ bị chủ bãi bắt lại. Mệt lả vì đói khát, nhưng khi nghĩ đến cảnh “địa ngục trần gian” ở bãi vàng thì hai cậu bé quyết tâm bằng mọi giá phải chạy trốn thoát khỏi đó.

Để tránh tình trạng phu vàng bỏ trốn, một số công ty vàng thiết lập những chốt chặn với đội quân bảo vệ túc trực cả ngày lẫn đên ở các tuyến đường dẫn vào bãi. Chốt chặn này cũng là để ngăn chặn “người lạ”, thậm chí là ngăn người của cơ quan chức năng vào kiểm tra.

Có một bãi vàng của một công ty lớn nhất Quảng Nam, chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thể tiếp cận được. Dọc đường đi, để “hù dọa” người lạ, chủ bãi vàng treo những tấm biển vẽ hình đầu lâu bắt chéo với nội dung “không phận sự miễn vào”. Tuyến đường độc đạo dẫn vào bãi vàng này có đến 2 chốt chặn, dù cho là ai đi chăng nữa, nếu không có sự đồng ý của ông chủ công ty là không qua được. Bãi vàng này là một trong những điểm thường xảy ra tình trạng lao động bỏ trốn nhất vì bị bóc lột, đánh đập. Cách đây không lâu, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam quyết định vào khu vực này kiểm tra. Tuy nhiên, mặc dù đã báo trước với chủ công ty, đoàn giám sát vẫn không qua được các chốt chặn. Những tay bảo vệ ở đây bắt đoàn phải đứng chờ hơn 15 phút, sau khi đã xin ý kiến giám đốc mới cho vào…

Cũng tại bãi vàng này, đầu tháng 4/2014, khoảng 100 thanh, thiếu niên quê ở miền Tây Nghệ An đã băng rừng, đi bộ suốt gần một ngày để trốn khỏi đám “đầu cánh”. Do phu vàng bỏ trốn tập thể, tương quan lực lượng chênh lệch nên đám “đầu cánh” không dám chặn giữ. Vì thế, phu vàng chỉ việc bỏ trốn công khai. Những phu vàng người dân tộc Khơ mú, đi bộ hơn 50 km để ra thị trấn Khâm Đức. Dọc đường đi, những phu vàng hô lớn “anh em ơi, tự do rồi, đói cùng về thôi…”. “Lương tháng họ không trả, có người bị nợ lương từ năm ngoái. Bọn em trốn thế này bảo vệ bắt được đánh có người nằm liệt giường. Làm trong hầm xuyên sâu cả nghìn mét nhưng không có máy thổi ngạt khiến nhiều người bị xỉu. Ăn uống chỉ là cơm thừa canh cặn”, một phu vàng bỏ trốn lúc đó nói.

Hơn một tháng sau cuộc bỏ trốn gây náo loạn huyện Phước Sơn của cả trăm phu vàng, do không chịu được cảnh lao động hà khắc và cuộc sống sinh hoạt của nơi như là “địa ngục trần gian”, 4 thiếu niên dân tộc Khơ mú quê ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã trốn khỏi bãi vàng của công ty này. Bốn em lúc đó mới 15-16 tuổi đã băng rừng, đi bộ suốt 4 ngày đêm ra được thị trấn Khâm Đức.

“Tụi em làm ngày 11 tiếng, họ kêu trả lương 2,5 triệu đồng/tháng, nhưng phải làm đủ 6 tháng mới được nhận tiền. Làm dưới hầm sâu, tụi em ốm liên tục nhưng họ cứ bắt phải dậy đi làm. Bữa cơm hàng ngày chỉ có cá khô”, một em tên Viềng kể. Không thạo đường, Viềng và đám bạn cứ thế mà chạy. Có 2 đêm ngủ lại ở rừng, còn lại đi mãi. Đói quá nhổ sắn củ người ta trồng, rồi hái lá cây rừng để ăn cầm hơi. Rồi lại tiếp tục chạy. Nhưng ra đến thị trấn tá túc ở một nhà dân được vài ngày để chờ về quê, nhóm 4 phu vàng này bị người công ty sau đó phát hiện, áp tải đưa về bãi vàng….