Kỳ 1: Những kẻ “săn đầu người”

Để tuyển lao động, các chủ bãi vàng thường xây dựng những đội ngũ chân rết tủa đi khắp mọi miền, đặc biệt là ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương của Nghệ An. Đội ngũ này hưởng lương theo đầu người, đưa được mỗi lao động vào bãi vàng họ được 2 triệu đồng; vì thế, ở bãi vàng gọi những người này là những kẻ “săn đầu người”.

Trung tuần tháng 5, Cụt Văn Tình (19 tuổi, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) cùng nhóm bạn 3 người đặt chân đến Bến xe Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) sau hành trình dài 1.000 km.  Cũng như nhóm bạn cùng xã, đây là lần đầu tiên Tình háo hức rời bản, đi xa đến như vậy. Theo sát nhóm thanh niên là người đàn ông hơn 40 tuổi trú cùng huyện, tên T.

Dọc đường đi, người đàn ông tên T. luôn tỏ ra chăm sóc chu đáo cho nhóm thanh niên. Vừa xuống xe đò, nhóm của Tình được người này thuê xe ôm, chở vào một bãi vàng cách trung tâm thị trấn Khâm Đức chừng 30 km. Bắt đầu những ngày lầm lũi đào đá tìm vàng trong hầm tối. Cũng như các thanh niên khác, Tình không biết rằng, mình đã trở thành món hàng giao dịch của người đàn ông đồng hương với các chủ bãi vàng, kể từ khi anh và cả nhóm nhận lời vào bãi vàng làm việc.

Ở bãi vàng, những người làm nghề như ông T. thường được gọi là kẻ “săn đầu người”. Họ có nhiệm vụ tuyển lao động cho các bãi vàng và nhận tiền công theo đầu người. Sau khi đưa Tình và nhóm bạn vào bãi, người đàn ông nhanh chóng đếm tiền rồi quay trở về Nghệ An, tiếp tục “săn” tìm những lao động khác.

Ông ta chẳng cần quan tâm số phận của những thanh niên ấy rồi sẽ đi về đâu, có bị chủ bãi đánh đập, hành hạ không, hay tiền lương có được nhận như ông đã hứa với gia đình không? Ông chỉ cần biết cứ đưa càng nhiều thanh niên quê nhà vào đây làm là ông lại có thêm tiền. “Dọc đường ông ấy rất nhiệt tình, quan tâm lắm. Thích ăn gì cũng được. Ông ấy nói là vào trong này làm việc nhẹ lương cao, đôi khi may mắn còn trở thành đại gia”, Tình phấn khích nói, khi còn chưa đặt chân đến bãi vàng.

Ít tuần trước, khi ra thị trấn Hòa Bình chơi, trong một lần gặp gỡ ở quán nhậu, Tình và nhóm bạn được người đàn ông này rỉ tai vào bãi vàng ở Quảng Nam làm việc. Với những lời mật ngọt của người này, nhóm thanh niên người Khơ Mú nhanh chóng nhận lời. Cả nhóm sau đó còn được người này cho tiền mua bia chiêu đãi bạn bè, người thân trước lúc lên đường. Tối hôm đó, cả nhóm tập trung tại thị trấn Hòa Bình (huyện lỵ Tương Dương) sau đó được dẫn lên xe khách chạy xuống TP. Vinh. Trong hành trình dài 1.000 km, họ liên tục phải đổi xe vì không có tuyến chạy thẳng.

Nói về những kẻ “săn đầu người”, một chủ bãi vàng tên Hòa ở Phước Sơn cho hay, những năm gần đây, hầu hết các bãi vàng trên địa bàn từ có phép đến làm chui đều lâm vào cảnh thiếu lao động. Nguyên nhân là lao động thường xuyên bỏ trốn, làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thường xuyên bị đám cai vàng đánh đập, nhiều người khiếp sợ nên không dám lên đây làm. Chính vì thế, chủ công ty, chủ bãi rốt ráo tung quân đi tuyển lao động khắp mọi miền, đặc biệt là với những thanh niên dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa….

Hầu hết các bãi vàng ở Quảng Nam đều có những đội ngũ tuyển quân của riêng mình. Có những công ty lớn, đội ngũ “săn đầu người” lên tới hàng chục. Mỗi lao động họ đưa vào được bãi vàng sẽ được trả công 2 triệu đồng, chưa kể chi phí đi lại, ăn uống cũng được chủ bãi vàng lo.

Để các phu vàng yên tâm vào tới bãi mà không bỏ cuộc giữa chừng, đội ngũ môi giới này thường rất chiều chuộng họ. Nhận lời vào làm việc cho bãi, những thanh niên này còn được tổ chức tiệc chia tay bạn bè ở quê, toàn bộ chi phí chủ bãi vàng lo. Trước khi chính thức vào đến bãi vàng, nơi mà dường như “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thì những thanh niên này được đối xử “như những ông vua” để đề phòng “lật kèo”. Còn sau đó, cuộc sống của họ lại đối lập hoàn toàn.

Không chỉ có nhiệm vụ tuyển quân, đội ngũ này còn thường được các chủ bãi vàng thuê như một trung gian của họ ở địa phương. Họ chính là đại diện của công ty, của chủ bãi vàng trực tiếp đứng ra thỏa thuận với gia đình, mà chẳng cần lấy một tờ hợp đồng lao động. Nếu có tai nạn trong quá trình làm việc, những người này cũng sẽ đứng ra thu xếp với gia đình để lặng lẽ đưa thi thể về chôn cất, không làm lớn chuyện.

“Ngoài ra, mỗi lần lao động xin nghỉ với lý do như người thân đau ốm, mất… Chúng tôi sẽ điện thoại cho đội này để trực tiếp đi xác minh, nếu đúng như sự thật thì sẽ cho nghỉ phép”, một chủ bãi vàng nói. Không chỉ vậy, đôi khi những tay môi giới lao động này còn là nơi phát lương về cho gia đình các lao động, thay vì công ty đưa trực tiếp. Mặc dù, trên thực tế không phải lao động làm việc ở bãi vàng nào cũng được trả lương đều đặn. Ở bãi vàng, lo sợ lao động bỏ trốn, các chủ bãi thường ghim lương lại nhiều tháng không trả. Vì tiếc tiền, dù rất muốn bỏ về nhưng họ đành phải ở lại làm việc tháng này qua tháng khác”, một cai vàng ở Phước Sơn tiết lộ.

Theo một số chủ bãi, nếu lao động tự liên hệ, tự tìm đến bãi vàng làm việc, họ sẽ được trả tiền xe đi lại đồng thời được thưởng thêm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy vào mức độ hào phóng của ông chủ. Có những công ty, đội ngũ “săn đầu người” cũng chính là đám cai vàng đang làm việc cho họ. Ở trong này, cai vàng thường được gọi với cái tên “đầu cánh”. Võ Chiến Thắng (45 tuổi, quê thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp), là một trong số đó. Ở công ty vàng đang đóng ở xã Phước Hiệp, Thắng là một trong những trợ thủ đắc lực của ông chủ trong việc tuyển quân. Người đàn ông với kinh nghiệm hơn 20 năm làm vàng này được giao phụ trách tuyển lao động ở địa bàn Nghệ An. Mới đây nhất, hơn 1 tháng trước, Thắng khoe tuyển được 2 cặp vợ chồng người Khơ Mú ở xã Yên Hòa (Tương Dương), vào làm việc ở công ty này. Sau khi liên lạc qua điện thoại, Thắng trực tiếp lái xe đến tận nhà để đón họ.

Khi chúng tôi đến bãi vàng, cũng là lúc 2 cặp vợ chồng vừa xong giờ làm. Ánh mắt đầy vẻ sợ hãi, lúng túng, những người này ấp úng nói “làm ở đây rất tốt, rất tốt” khi được hỏi về cuộc sống hiện tại. Bởi phía sau họ là những đầu cánh khét tiếng uy lực ở bãi vàng, trong đó có Thắng, người trực tiếp đưa họ vào đây.

Trong vai một người có “anh em họ muốn vào bãi vàng làm việc”, phóng viên đã gọi điện liên hệ cho một trong những kẻ “săn đầu người” của một công ty vàng lớn nhất Phước Sơn. Sau khi nghe gợi ý, như kịch bản đã soạn sẵn, người này liền kể một mạch những “tấm gương” làm giàu nhờ xuất phát điểm là những phu vàng. Người đàn ông không quên mô tả công việc “nhẹ mà lương cao”, đồng thời đưa ra những lời hứa đầy mật ngọt. “Nếu chúng muốn đi làm, em cứ cho anh địa chỉ, anh sẽ trực tiếp đến đón luôn”, người này nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Công an huyện Tương Dương – một trong những địa phương của Nghệ An có số lao động vào bãi vàng Quảng Nam làm việc đông nhất – nói rằng, đơn vị cũng nắm được thông tin có những đội ngũ thường đi tuyển quân đưa vào làm bãi vàng trái phép, thậm chí có nhiều lao động còn chưa đến tuổi. “Công an cũng đã nhiều lần chặn xe, tuy nhiên ngăn chặn được hôm nay, ngày mai họ lại lẻn đi nên mình cũng chịu”, vị này nói.