Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của lãnh đạo chủ chốt cơ sở – Kỳ 1: Củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận

Có dịp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo chủ chốt cấp xã ở Nghệ An, ai cũng bày tỏ tâm đắc khi đề cập đến “Hội nghị Diên Hồng” giữa Thường trực Tỉnh ủy với đội ngũ bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã.

Năm 2018, chương trình gặp mặt lần đầu tiên được tổ chức ở TP. Vinh, đồng chí Nguyễn Đình Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Long (Nghi Lộc) lúc đó đang đảm nhận chức danh Bí thư Đảng ủy xã. Vẫn nhớ như in cảm xúc khi trở về từ chương trình cách đây 5 năm, vị lãnh đạo xã Nghi Long tâm sự: Sau hội nghị, lãnh đạo chủ chốt của xã nắm vững hơn các quan điểm, đường lối phát triển của tỉnh, đặc biệt cảm nhận kỳ vọng, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh với đội ngũ cán bộ cấp xã để “bật dậy” sức mạnh của mỗi địa phương, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh; từ đó thấy rằng, phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đồng chí Nguyễn Đình Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghi Long (Nghi Lộc) trao đổi với phóng viên. Clip: Thanh Lê - Lâm Tùng

Lãnh đạo xã Nghi Long (Nghi Lộc) trao đổi với người dân xóm Kim La về phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo xã Nghi Long (Nghi Lộc) trao đổi với người dân xóm Kim La về phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. Ảnh: Thanh Lê

Chính vì vậy, trên nền tảng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, lãnh đạo xã Nghi Long đã nhạy bén tìm hiểu cách làm mới, phù hợp với điều kiện địa phương để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Điểm nhấn chính là Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nghị quyết vừa được ban hành, lãnh đạo xã đã “xắn tay áo” xuống cùng nhân dân triển khai các mô hình nào trồng hoa, quả, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Một loạt các sản phẩm nông sản: Dưa hấu, dưa lê vàng, dưa chuột, rau màu cao cấp… “made in Nghi Long” lần lượt ra đời, cung cấp cho thị trường; đưa xã trở thành điểm sáng với 60ha cánh đồng cho thu nhập cao; có nhiều cánh đồng chuyên canh sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, bình quân thu nhập từ 420 đến 450 triệu đồng/ha/năm…

Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ở xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Lê
Mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ở xã Nghi Long (Nghi Lộc). Ảnh: Thanh Lê

Kinh tế khấm khá, Nghi Long có điều kiện hơn để đầu tư hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 10 tỷ đồng đã được nhân dân chung sức đóng góp chỉ vỏn vẹn trong gần 3 năm qua, để cùng với 1,5 ngàn tấn xi măng do tỉnh, huyện hỗ trợ làm hơn 8km đường giao thông nông thôn, có mương tiêu nước và nắp đậy đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời các xóm tiến hành tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa, sân chơi thể thao. Cùng với đó, trường học, trạm y tế, hệ thống mương bê tông phục vụ sản xuất, hệ thống truyền thanh thông minh cũng được đầu tư đồng bộ với tổng kinh phí 35 tỷ đồng từ nhiều nguồn lực huy động. Năm 2021, Nghi Long vinh dự được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Ông Đặng Văn Đồng – xóm Kim La, xã Nghi Long, chia sẻ: Những năm qua cấp ủy, chính quyền xã có rất nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đặc biệt là xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân; huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực xây dựng hạ tầng khang trang. Người dân địa phương rất phấn khởi, tin tưởng từ đó đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào thi đua xây dựng Nghi Long trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Đặng Văn Đồng – xóm Kim La, xã Nghi Long (Nghi Lộc) trao đổi với phóng viên. Clip: Thanh Lê - Lâm Tùng

Quang cảnh xã Nghi Long, Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Lê
Quang cảnh xã Nghi Long, Nghi Lộc. Ảnh: Thanh Lê

Ở xã miền núi Châu Cường (Quỳ Hợp), cách đây tầm 10 năm, là địa phương không chỉ nghèo, mà còn có những dấu hiệu bất ổn. Nghèo, do cán bộ, nhân dân vẫn tư duy cũ mòn, lạc hậu trong phát triển kinh tế. Bất ổn là do cán bộ chủ trì mất đoàn kết, nội bộ lủng củng, phong trào của xã vì thế chẳng thể khá lên được. Ấy nhưng nay, Châu Cường đã trở thành điểm sáng, “quê hương” của mô hình “3 tiếng kẻng”: 5h là tiếng kẻng bình minh, 19h là tiếng kẻng học bài và 22h là tiếng kẻng an ninh. Nếp sống của xã vùng cao này quy củ, nền nếp hẳn lên. Xã còn được Công an tỉnh chọn làm điểm triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thời gian này, lãnh đạo xã Châu Cường đang đưa xã nhà tiến mạnh vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện sản xuất 3 vụ theo hướng hàng hóa. 56ha cây tinh dầu húng quế đã được trồng, xây dựng thành sản phẩm OCOP. Phía sau những thay đổi đó của xã Châu Cường, có dấu ấn không nhỏ của Bí thư Đảng ủy xã Lưu Xuân Điểm, người từng được biết đến với biệt danh “lão nông ở Châu Cường”. Vốn làm công tác Tuyên giáo, sau là Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện trước khi được điều động về làm cán bộ xã, giữ chức Chủ tịch UBND từ năm 2014, rồi đến Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Điểm đã ngót 10 năm gắn bó với mảnh đất này.

Đồng chí Lưu Xuân Điểm trao đổi với PV Báo Nghệ An và người dân xã Châu Cường (Quỳ Châu); Nông dân xã Châu Cường phát triển mô hình chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Đào Tuấn - Nhật Lân
Đồng chí Lưu Xuân Điểm trao đổi với PV Báo Nghệ An và người dân xã Châu Cường (Quỳ Châu); Nông dân xã Châu Cường phát triển mô hình chăn nuôi. Ảnh tư liệu: Đào Tuấn - Nhật Lân

Gặp lại chúng tôi, “lão nông ở Châu Cường” chia sẻ: Thành công của Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với các đồng chí bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong nâng cao nhận thức; tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao cho đội ngũ cán bộ cơ sở để biến quan điểm, mục tiêu phát triển thành hành động thực tiễn. Vì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương là những người gần nhất với thực tiễn, trực tiếp nhất đối với cuộc sống của người dân.

Đến với huyện Thanh Chương, cứ nhắc đến Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên – Phan Bá Ngọc gần như không ai không biết. Trưởng thành từ cơ sở và đến nay đã có thâm niên 13 năm làm Chủ tịch UBND xã, 5 năm làm Bí thư Đảng ủy xã, song đồng chí vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với tác phong “miệng nói, tay làm”, sâu sát, tận tụy với công việc.

Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên (Thanh Chương) trao đổi với người dân về mô hình kinh tế. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Phan Bá Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên (Thanh Chương) trao đổi với người dân về mô hình kinh tế. Ảnh: Mai Hoa

Thanh Liên trước đây được biết đến là xã “độc canh”, chỉ nhìn vào cây lúa, nhưng đến nay chẳng ai hình dung trên vùng đất trung du, miền núi của Thanh Chương này đã có 5 loại hình sản xuất nông nghiệp: Ngoài lúa, còn có 30ha thủy sản; 41ha cây ăn quả tập trung; 20ha rau màu hàng hóa; 13ha sen. Có được sự thay đổi đó, ai cũng phải công nhận vai trò “thủ lĩnh” của đồng chí Phan Bá Ngọc.

Từ khi còn là Phó Chủ tịch UBND xã vào đầu những năm 2000, đồng chí Phan Bá Ngọc đã vận động cán bộ xã cùng làm trước để đưa rau màu vào sản xuất. Những mô hình ban đầu, từ cây đậu đũa, bí xanh, đích thân đồng chí đã thuê xe ô tô chở xuống chợ Vinh trực tiếp ngồi bán… Ở xã Thanh Liên có một tác phong công tác giờ trở thành nề nếp, đó là khi triển khai chủ trương gì, thì cán bộ xã từ người giữ chức vụ to nhất trở xuống đều làm trước để thúc đẩy phong trào. Ấy thế nên lãnh đạo xã ở đây đều là những nông dân thực thụ ngoài giờ hành chính. Gia đình Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phan Bá Ngọc hiện có hơn 2ha bưởi diễn, bưởi hồng Quang Tiến và trồng bí xanh vụ hè thu hơn 1/2ha. Gia đình Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phạm Văn Dần có thời điểm nuôi 20 – 30 lợn nái và 200 – 300 con lợn thịt/lứa, kết hợp trồng cây ăn quả… Rồi gia đình Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Công Hiệp nuôi bò vỗ béo kết hợp nuôi 30 – 50 con lợn thịt;… Chính sự tiên phong, gương mẫu đó của các đồng chí lãnh đạo xã đã trở thành đầu tàu để bà con làm theo, nhân rộng.

Người dân xã Thanh Liên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: Mai Hoa
Người dân xã Thanh Liên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Ảnh: Mai Hoa

Mới đây, trao đổi với Thường trực Tỉnh ủy tại Chương trình gặp mặt, đối thoại năm 2023, đồng chí Phan Bá Ngọc đúc kết: Chủ trương của tỉnh, huyện có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều địa phương tổ chức triển khai thực hiện trong lúc điều kiện các xã không giống nhau. Do vậy, để hiệu quả, lãnh đạo cấp xã phải có năng lực ngang tầm, cầu thị; tận dụng trí tuệ mọi người, dân chủ trong xây dựng kế hoạch, triển khai, không được quan liêu. Quá trình thực hiện phải nghiên cứu kỹ, không được sao chép, áp đặt cái chung của tỉnh, của huyện mà phải nắm chắc điều kiện của địa phương để có nhiệm vụ, giải pháp vừa đúng chủ trương, vừa đạt hiệu quả cao.

Biểu đồ: Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trong tỉnh Nghệ An. Đồ họa: H.Q
Biểu đồ: Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trong tỉnh Nghệ An. Đồ họa: H.Q

Lãnh đạo chủ chốt cấp xã là những người trực tiếp chỉ đạo để xây dựng và phát động các phong trào ở cơ sở, được nhân dân giám sát hàng ngày, nên đội ngũ này làm đúng, làm tốt, làm khoa học, bài bản, công tâm thì được nhân dân tín nhiệm, thông qua đó bồi đắp thêm niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Ngược lại, nếu họ làm chưa tốt, không bài bản, không công tâm thì nhân dân lại thiếu niềm tin vào chính vị lãnh đạo đó và gián tiếp giảm sút niềm tin đối với Đảng, Nhà nước.

Thời gian qua, quá trình đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã cho thấy “mặt tối” trong bức tranh đạo đức công vụ ở cấp xã tại Nghệ An. Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt và cả công chức cấp xã không những bị kỷ luật của Đảng, hành chính của Nhà nước, mà còn sai phạm đến mức phải xử lý hình sự.

Công an huyện Quỳ Hợp phá chuyên án, khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tháng 10/2022. Clip: Bình Minh

Cuối năm 2022, Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Thu Hiền, cán bộ nông nghiệp xã Đại Đồng 15 tháng cải tạo không giam giữ vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong bản án ngày 20/2/2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã tuyên án xử bị cáo Nguyễn Xuân Tâm – công chức Tư pháp xã Tân An (Tân Kỳ) 24 tháng tù do lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đầu năm nay, Tòa án nhân dân huyện Đô Lương đã xử bị cáo Nguyễn Thị Yến – Chủ tịch UBND xã Thái Sơn 1 năm tù cho hưởng án treo cũng do lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Gần đây nhất, ngày 18/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Yên Thành đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 bị can nguyên là lãnh đạo và cán bộ công tác tại xã Mỹ Thành để điều tra về tội lạm dụng quyền trong thi hành công vụ. Các bị can gồm: Ông Nguyễn Văn Năm (SN 1959) – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành; ông Nguyễn Văn Định (SN 1956) – nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành; ông Nguyễn Văn Thạch (SN 1960) – nguyên kế toán trưởng và ông Nguyễn Vĩnh Chinh nguyên là cán bộ địa chính xã (cả 4 người đến thời điểm bị khởi tố đã nghỉ hưu);…

Công an huyện Yên Thành khởi tố, bắt tạm giam đối ông Nguyễn Văn Định - nguyên Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Thạch - nguyên kế toán trưởng xã Mỹ Thành. Ảnh: Minh Tâm - Đức Vũ
Công an huyện Yên Thành khởi tố, bắt tạm giam đối ông Nguyễn Văn Định - nguyên Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Thạch - nguyên kế toán trưởng xã Mỹ Thành. Ảnh: Minh Tâm - Đức Vũ

Trên đây chỉ là một vài trong nhiều vụ án bị cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố, điều tra, xét xử thời gian qua liên quan đến cán bộ, công chức cấp xã. Tuy nhiên, những “nốt trầm” đó không phải là “thanh âm” chủ đạo. Cán bộ sai phạm bị phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc loại bỏ ra khỏi đội ngũ, xử lý tận gốc sai phạm của những “con sâu làm rầu nồi canh”, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Còn phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt trên cương vị, vai trò công tác của mình đang từng ngày, từng giờ có những đóng góp hết sức to lớn vào sự phát triển của tỉnh.

Điều đó thể hiện qua những ưu tư, trăn trở từ thực tiễn được các bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, UBND cấp xã trải lòng, hiến kế với Thường trực Tỉnh ủy trong Chương trình gặp mặt, đối thoại được tổ chức lần thứ 2 vào đầu tháng 8/2023 vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ địa phương I, Ban Nội chính Trung ương trao đổi với phóng viên. Clip: Thanh Lê - Ngân Hạnh - Lâm Tùng

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ địa phương I, Ban Nội chính Trung ương: Nghệ An là tỉnh đầu tiên tôi có dịp trực tiếp giới thiệu tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến toàn bộ bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã. Đây là hình thức tuyên truyền vừa sâu sát, vừa toàn diện và có sức lan tỏa lớn. Thông qua thông điệp của tác phẩm, bản thân các đồng chí đứng đầu cấp cơ sở phải sống gương mẫu, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ và đặc biệt phải triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu có cán bộ sai phạm, vi phạm đến mức phải xử lý thì phải xử lý nghiêm túc để đảm bảo tính răn đe, giáo dục cho cán bộ, đảng viên. Có như thế những thông điệp truyền thông từ tác phẩm sẽ biến thành lực lượng thực tế đi vào cuộc sống đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cơ sở.