Không chủ quan, lơ là với dịch cúm gia cầm

Bệnh cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra bởi vi rút cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae. Vi rút cúm gia cầm có tính biến đổi nhanh và thường gây ra các đại dịch trên gia cầm, gần đây bệnh xảy ra tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới làm hàng trăm triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy, vi rút thậm chí lây lan sang cả động vật có vú – vốn có cấu tạo sinh học gần hơn với con người. Vì thế bệnh cúm gia cầm ngày càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Trước đây, bệnh cúm gia cầm thường bùng phát vào mùa Thu, nhưng gần đây bệnh lại diễn ra quanh năm, tốc độ lây lan của dịch bệnh không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thời gian và khu vực địa lý. Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), một số chủng vi rút cúm gia cầm như: H5N1, H5N6, H5N8, H7N9 có khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao.

Vi rút cúm gia cầm có tính biến đổi nhanh và thường gây ra các đại dịch trên gia cầm. Ảnh minh họa: X.H
Vi rút cúm gia cầm có tính biến đổi nhanh và thường gây ra các đại dịch trên gia cầm. Ảnh minh họa: X.H

Việt Nam được coi là điểm nóng về sự phát triển của vi rút cúm, cả về chủng cúm theo mùa ở người và vi rút cúm ở động vật. Hàng năm, bệnh cúm gia cầm vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến nay, đã phát hiện 03 chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gây bệnh ở gia cầm.

Đặc biệt, ngày 5/10/2022 có 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ (sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5); nâng tổng số người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 trường hợp tử vong (chiếm 50%). Hiện các chủng vi rút độc lực cao gây ra dịch trong nước đều xuất hiện tại Nghệ An, với thực trạng chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển, giết mổ nhỏ lẻ như hiện nay gây ra mối e ngại dịch bệnh xảy ra, lây sang người.

Khi gia cầm bị nhiễm dịch bệnh cúm gia cầm là tỷ lệ chết cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Khi gia cầm bị nhiễm dịch bệnh cúm gia cầm là tỷ lệ chết cao. Ảnh: Xuân Hoàng

Ngay khi có Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 về ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, bên cạnh đó tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao và triển khai đồng bộ các giải pháp để kiểm soát dịch bệnh. Cụ thể: Tăng cường giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm; các trường hợp đàn gia cầm nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh cúm gia cầm, nghi có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh đều được kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm. Thường xuyên tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát tại các chợ/điểm thu gom, buôn bán gia cầm sống từ đó có giải pháp xử lý ổ dịch kịp thời. Tập trung chỉ đạo, triển khai tiêm phòng đồng loạt 2 vụ chính (vụ xuân và vụ thu), tiêm phòng bổ sung; tham mưu UBND tỉnh cấp vắc-xin để tiêm phòng cho đàn gia cầm thuộc 9 huyện nguy cơ cao và xử lý các ổ dịch phát sinh.

Người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: X.H
Người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: X.H

Chú trọng công tác tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Tập trung xử lý mầm bệnh tại các ổ dịch cũ, ổ dịch mới phát sinh, hố tiêu hủy, các điểm buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Tăng cường chỉ đạo, giám sát các trang trại chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, đặc biệt là tiêm vắc-xin cúm gia cầm.
Tổ chức có hiệu quả công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Định kỳ kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất cấm, kháng sinh dùng trong chăn nuôi và chất lượng, nguồn gốc con giống trên địa bàn. Công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện liên tục, đa dạng…

Nhờ triển khai kịp thời, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An, bệnh cúm gia cầm chỉ xảy ra nhỏ lẻ, được khoanh vùng, dập dịch, không lây lan ra diện rộng.

Ngoài tiêm phòng, hàng năm người chăn nuôi cần phun hóa chất khử trùng để phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngoài tiêm phòng, hàng năm người chăn nuôi cần phun hóa chất khử trùng để phòng dịch cúm gia cầm. Ảnh: Xuân Hoàng

Trong quá trình chăn nuôi, gia cầm thường bị lây nhiễm bệnh qua 2 con đường là trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc như nuôi nhốt chung gia cầm khỏe mạnh với gia cầm mắc bệnh, hoặc nuôi thả cùng nhau và lây nhiễm từ chim hoang dã có mang mầm bệnh. Lây gián tiếp qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, giày dép, phương tiện vận chuyển… bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.

Khi gia cầm bị nhiễm bệnh với những triệu chứng trên và chết hàng loạt, người chăn nuôi tuyệt đối không giấu dịch, mà phải báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên thú y, hoặc cơ quan thú y, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh: Không mua bán, vận chuyển gia cầm bị bệnh, gia cầm chết; Không vứt xác gia cầm chết ra môi trường, sông, ao, hồ…; Không giết mổ, tiêu thụ thịt gia cầm bệnh, gia cầm chết; Không để bất kỳ ai đến gần đàn gia cầm, đặc biệt là trẻ em; Tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y; Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột.

Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo: Với phương châm “phòng hơn chống”, trong quá trình chăn nuôi, chủ vật nuôi cần thực hiện các giải pháp phòng bệnh cúm gia cầm. Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột. Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác cho đàn gia cầm nuôi. Gia cầm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, tin cậy, nuôi nhốt riêng gia cầm mới mua về 1-2 tuần trước khi cho nhập đàn.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tư liệu
Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi. Ảnh: Tư liệu

Gia cầm đã mang ra chợ bán nhưng không bán hết, khi mang về phải nuôi nhốt riêng trong 1-2 tuần. Nuôi nhốt gia cầm trong chuồng hoặc khu vực có hàng rào; hạn chế tối đa nuôi chung gia cầm với các loài động vật khác cùng một địa điểm nuôi. Người chăm sóc gia cầm phải sử dụng ủng, giày, đồ bảo hộ cá nhân khi vào khu chăn nuôi. Hạn chế khách ra, vào khu vực chăn nuôi; nếu phải ra, vào cần thay ủng, giày mới hoặc rửa sạch đế ủng, giày bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn. Không để các phương tiện, dụng cụ vận chuyển vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp bắt buộc phải phun khử khuẩn hoặc rửa phương tiện bằng xà phòng. Bổ sung dinh dưỡng, khoáng chất nâng cao sức đề kháng của gia cầm. Kiểm soát động vật trung gian truyền bệnh theo đường cơ học như chuột, ruồi… theo định kỳ. Theo dõi sức khỏe đàn gia cầm thường xuyên để phát hiện các trường hợp bất thường. Khi có thông tin về dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn cùng xã, khu vực xung quanh cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh.

Nghệ An hiện có đàn gia cầm trên 33 triệu con. Ảnh: Xuân Hoàng
Nghệ An hiện có đàn gia cầm trên 33 triệu con. Ảnh: Xuân Hoàng