Giữ chân lao động: Kỳ 2: Mong ước an cư

Dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều lao động Nghệ An tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc đã bất đắc dĩ phải về quê tránh dịch. Cũng như các tỉnh miền Trung, chỉ trong một thời gian ngắn Nghệ An đã tiếp nhận hàng chục ngàn lao động tha hương về quê, trong đó có những hoàn cảnh khó khăn, éo le. Vấn đề đặt ra là sau khi thực hiện xong các quy định về phòng dịch, Nghệ An đã và sẽ làm gì để giữ chân lao động ở lại quê hương an cư?

Đi làm ăn xa nhưng bất ngờ phải hồi hương trốn dịch là tình thế không ai muốn và giải pháp cuối cùng. Đã thế, theo khảo sát sơ bộ cho thấy, do phần lớn lao động về quê lần này là lao động phổ thông và làm nghề tự do có hoàn cảnh khó khăn nên sau khi về quê hoàn thành nghĩa vụ cách ly thì phía trước là vô vàn khó khăn; đa số rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” ở lại quê nhà hay tiếp tục ly hương…

Em Nguyễn Thị Hải ở phường Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai vào Biên Hòa làm ăn từ khá sớm, nay vì dịch phải thoát thân về nhà. Hải cho biết, trước khi vào miền Nam, học xong cấp 3 nhà không có điều kiện học lên và ở nhà kiếm việc khó, nghề dệt may cũng đi làm xa, thu nhập không ổn định mà lại việc hiếu, hỉ phải chi tiêu. Bạn bè cùng trang lứa đi làm ăn xa hết và trong lúc đang băn khoăn thì có bạn rủ vào miền Nam làm việc.

Sau khi vào, thời gian đầu làm nghề phục vụ bàn, sau đó đi học chứng chỉ kế toán nên xin làm thu ngân tại một doanh nghiệp nên đỡ vất vả hơn. Tưởng như thế là ổn, nhưng vì dịch Covid-19 nên công ty đóng cửa, các ngành nghề, dịch vụ khác cũng không hoạt động nên không có thu nhập và sợ dịch nên bất đắc dĩ phải về quê…

Hướng dẫn lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau đợt dịch đầu tiên năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải
Hướng dẫn lao động làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau đợt dịch đầu tiên năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải

Trường hợp anh Trần Ngọc Khánh ở Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) là một ví dụ khác, từng đi xuất khẩu lao động về, bản thân có tay nghề cơ khí. Sau khi về quê theo các nhóm thợ đi làm, thi công khắp nơi trong tỉnh và ngoại tỉnh sau đó về nhà mở xưởng, lập gia đình nhưng công việc ít và thu nhập bấp bênh. Nhờ bạn bè giới thiệu nên đầu năm 2021, gia đình anh vào Nhơn Trạch, Đồng Nai làm ăn.

Mặc dù mới vào nhưng công việc khá ổn định, chồng làm việc ở Công ty Cơ khí, lương 8-10 triệu đồng/tháng, còn vợ làm nghề tự do và chăm con. Công việc tạm ổn nhưng dịch Covid-19 bùng phát khiến chồng phải vào nhà máy “3 tại chỗ”, còn vợ ở nhà chăm con và đang thấp thỏm, nếu dịch phức tạp và không trụ được thì cũng phải về quê.

Trong khi đó, vừa trở về từ miền Nam và hoàn thành cách ly theo yêu cầu, Nguyễn Văn Hoàng, trú tại huyện Thanh Chương cho biết, em vào miền Nam được gần 2 năm, làm nghề đóng trần thạch cao, do dịch bệnh nên công việc bấp bênh, buộc phải về quê. Hoàng đã tốt nghiệp cấp 3 nhưng chưa học nghề nào nên cũng đang băn khoăn không biết nhu cầu tuyển dụng lao động ở Nghệ An như thế nào, lao động phổ thông như anh thì ai nhận và mức lương có ổn định hay không…

Được biết, không ít người có công việc ổn định nhưng phải khăn gói về quê lánh nạn. Sau khi hoàn thành cách ly, nhiều người bắt đầu lo lắng và liên hệ tìm việc.

Sở dĩ các lao động miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng thường vào các tỉnh phía Nam vì hoạt động ngành nghề đa dạng, các nhà máy nhiều nên dễ tuyển dụng. Các lao động miền Bắc vào khá chịu khó nên làm đủ thứ việc, từ làm thợ đến bán vé số, sơn sửa móng tay, cắt tóc gội đầu, giúp việc gia đình, phụ bàn… và mức thu nhập đủ sống qua ngày.

Công nhân làm việc tại Công ty may Vinatex (Hoàng Mai). Ảnh: Lâm Tùng
Công nhân làm việc tại Công ty may Vinatex (Hoàng Mai). Ảnh: Lâm Tùng

Thông qua một cán bộ Liên đoàn Lao động tại Bình Dương, chúng tôi được biết các lao động miền Trung vào các tỉnh phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… chịu khó nên ngoài mức thu nhập chính thức, lao động còn có các chế độ khác như làm thêm, tăng ca nên thu nhập thực tế gấp 1,5 đến gấp 2 lần so với Nghệ An. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn có chế độ ăn ca, thưởng đột xuất ngày lễ, Tết, sinh nhật; một số doanh nghiệp lớn còn bố trí nhà tập thể, nhà ở xã hội cho lao động, tạo điều kiện hợp lý hóa gia đình giữ chân lao động và thu hút lao động mới vào. Ngoại trừ các lao động trong nhà máy, các lao động tự do mất việc làm từ tháng 7, khi dịch Covid-19 trở nên phức tạp, các nghề tự do bị đóng cửa.

Theo đại diện Sở Lao động – TB&XH, từ khi dịch xảy ra đến ngày 30/8, đã có khoảng 25.000 lao động Nghệ An làm ăn xa quê hồi hương, trong đó khoảng 2.500 lao động tại các tỉnh phía Bắc trong tháng 4 tháng 5 và khoảng 22.000 lao động tại các tỉnh phía Nam từ tháng 7 lại đây. Ngoại trừ 2.500 người được đón theo diện giải cứu thông qua 10 chuyến bay, số còn lại là tự về.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Qua tiếp xúc trao đổi với lãnh đạo các địa phương đều cho biết muốn con em mình có việc làm ổn định tại quê hương. Thế nhưng do nhà máy, cơ sở sản xuất còn ít, nên vấn đề giải quyết việc làm một lúc cho số lao động về quê cũng không đơn giản. Tại Diễn Châu, để giải quyết việc làm cho lao động, cùng với động viên doanh nghiệp hiện tại giữ vững quy mô sản xuất, huyện tích cực thu hút và triển khai các dự án mới. Nhờ vậy, 2 năm lại đây đã mời được Công ty CP Nam Thuận về đầu tư nhà máy may tại Diễn Mỹ với diện tích 2,2ha, tuyển dụng 1.200 lao động; Nhà máy giày da Vietglory Diễn Trường mới hoàn thành giai đoạn 1 nhưng đã tiếp nhận, đào tạo gần 4.000 lao động, đang cần 1.500 lao động; tiếp tục phối hợp với KKT Đông Nam xử lý vướng mắc để triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy may xuất khẩu tại Diễn Thịnh.

Tổ hợp Nhà máy may và giày da Nghi Diên sử dụng gần 1 ngàn lao động. Ảnh: Nguyễn Hải
Tổ hợp Nhà máy may và giày da Nghi Diên sử dụng gần 1 ngàn lao động. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Yên Thành, với khoảng 3.500 lao động đã về quê, trong đó 1/2 lao động ngoài độ tuổi lao động nên không dễ để kiếm việc làm. Đại diện Phòng Lao động – TB&XH huyện Yên Thành cho hay: Hiện tại, huyện chưa thống kê khảo sát được nhu cầu, nguyện vọng xin việc, ở lại của bà con nhưng thực tế khó kỳ vọng về nguồn nhân lực này. Giải pháp khả dĩ là vận động bà con ở lại quê hương làm các mô hình cây, con vụ đông để giải quyết khó khăn trước mắt, chờ từ nay đến cuối năm dịch bị đẩy lùi mới tính tiếp.

Đối với huyện Quỳnh Lưu có khoảng 13.000 lao động làm ăn xa, trong đó chủ yếu ở miền Nam. Từ giữa tháng 7 đến ngày 2/9 đã có 2.282 người về quê đang cách ly tại địa phương. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm và giữ chân số lao động này như thế nào đang là bài toán khó.

Đón 60 lao động người Mông Kỳ Sơn từ Bình Thuận trở về. Ảnh: CTV
Đón 60 lao động người Mông Kỳ Sơn từ Bình Thuận trở về. Ảnh: CTV

Ở một khía cạnh khác, qua tìm hiểu, so với năm trước, đến thời điểm này dù có trên 22.000 người mất việc về quê tránh dịch nhưng số người đến làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp chưa nhiều. Nguyên nhân là do toàn tỉnh đang có dịch hạn chế đi lại, nhưng có một thực tế là thấy phần lớn các lao động hồi hương lần này là lao động phổ thông, làm nghề tự do và ngoài độ tuổi lao động nên không có bảo hiểm thất nghiệp; còn các lao động đang làm việc theo hợp đồng đều được các bố trí “3 tại chỗ” nên vẫn trụ lại. Mất việc phải về quê và không có bảo hiểm thất nghiệp là thiệt thòi lớn đối với người lao động, vì ngoài tiền lương thất nghiệp trong 6 tháng, các lao động sẽ được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi việc làm trong vòng 6 tháng, mỗi tháng 1,5 triệu đồng, trường hợp học nghề cần thời gian dài còn được hỗ trợ thêm…

(Còn nữa)