Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề đối với đời sống kinh tế, xã hội khiến hàng triệu lao động mất việc làm, thu nhập và hơn thế là an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa. Trong tình thế không có lựa chọn nào khác, hàng chục ngàn lao động Nghệ An tại các tỉnh phía Nam và phía Bắc đã phải về quê tránh dịch. Giải pháp nào cho vấn đề di biến động dân cư này? Liệu Nghệ An có thể giữ chân lao động ở lại quê hương làm ăn đang là vấn đề đặt ra hiện nay?
Nghệ An là tỉnh có dân số đứng thứ 4 cả nước, hàng năm có gần 50 ngàn người bước vào độ tuổi lao động nên được đánh giá là tỉnh có nguồn nhân lực lao động vô cùng dồi dào. Theo số liệu thống kê năm 2020, dân số tỉnh Nghệ An là 3,36 triệu người, trong đó khoảng 1,93 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,3% dân số. Đây là nguồn lực và thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có được.
Trên thực tế, những năm gần đây, khi các dự án thu hút đầu tư nước ta ngày càng nhiều, nhất là lĩnh vực điện tử, dệt may cần lượng lao động lớn, Nghệ An luôn là thị trường được các địa phương chú ý. Tại Bắc Giang, Bắc Ninh sau khi một loạt doanh nghiệp lớn đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trên liên tục về các miền quê Nghệ An tuyển dụng. Do nhu cầu lớn và điều kiện tuyển dụng đơn giản, chỉ cần lao động phổ thông và đi làm có mức thu nhập rõ ràng, ổn định nên nhiều lao động nông thôn chỉ cần đủ tuổi lao động là đi ngay.
Quế Phong, một trong những huyện vùng cao Nghệ An dân cư còn thưa nhưng hiện có hơn 7.000 lao động làm ăn xa, trong đó riêng lao động làm nhà máy tại Bắc Giang, Bắc Ninh là 1.700 người.
Ông Lô Minh Điệp cho biết thêm, huyện vẫn còn gần 2.000 lao động đi theo diện người thân, bạn bè rủ nhau, nay do dịch đang muốn về. Tình hình cũng tương tự tại huyện Quỳ Châu khi huyện chỉ có gần 57.000 dân nhưng có 4.900 lao động đi làm ăn xa, trong đó gần 1 nửa làm ăn tại các tỉnh phía Nam.
Tại các huyện đồng bằng và miền núi thấp, do dân số đông nên số lao động bước vào độ tuổi lao động hàng năm khá cao. Do trên địa bàn vẫn thiếu các nhà máy, công ty thu hút, sử dụng lao động nên chủ yếu đi làm ăn xa. Đại diện Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết thêm: thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 con em làm ăn ở ngoại tỉnh, trong đó khoảng 40.000 lao động làm việc tại các tỉnh phía Bắc và 60.000 lao động làm việc tại các tỉnh phía Nam. Nhiều nhất là huyện Quỳnh Lưu hơn 10.000 người, huyện Thanh Chương 9.000 người, huyện Diễn Châu trên 8.000 người, huyện Yên Thành 7.000 người,…
So với các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, nhờ có hệ thống mạng lưới đào tạo nghề khá đông đảo gồm 10 trường, từ hệ trung cấp, cao đẳng nghề đến đại học với nhiều ngành nghề đa dạng, từ dệt may, thủ công mỹ nghệ đến điện tử, điện công nghiệp nên tỷ lệ lao động Nghệ An qua đào tạo nghề khá cao. Bình quân mỗi năm tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho các trường sơ cấp đến trung cấp và cao đẳng từ 15.000-21.000 lao động.
Nhờ nguồn “cung” lao động dồi dào nên mỗi năm, Nghệ An đưa gần 20.000 lao động qua đào tạo nghề vào thị trường lao động. Thông qua kết nối “cung – cầu” lao động, hàng năm ngành lao động tư vấn, giới thiệu việc làm cho từ 37.000 – 40.000 lao động; 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tỉnh đã kết nối, giải quyết việc làm cho 17.325 người. Đến thời điểm hiện tại, năm học mới bắt đầu, các cơ sở dạy nghề đã tiếp nhận gần 1.500 hồ sơ đăng ký dự tuyển; tuyển sinh trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 20.598 lượt người.
Cũng như nhiều tỉnh miền Trung khác, dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của Nghệ An được thống kê khá cao (năm 2020 là 65%) nhưng thực chất, số lao động có văn bằng chứng chỉ mới đạt 25,3%, trong đó tham gia làm việc trong nền kinh tế chỉ là 20,97%. Điều đó đồng nghĩa với chỉ gần 1 số lao động được đào tạo tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, mặc dù bình quân thu nhập lao động Nghệ An giai đoạn 2016-2020 tăng 9,8% nhưng năng suất lao động của tỉnh qua chỉ số GDP chỉ đạt 75,812 triệu đồng/người/năm 2020, bằng với mức trung bình chung cả nước.
Xét theo vị thế việc làm, số người lao động ăn lương là 703.310 người, chiếm 36,89%; lao động tự làm và lao động gia đình chiếm tới 61,15% (1,165 triệu người), số còn lại là ngành nghề khác. Nhìn vào cơ cấu vị trí việc làm trên cho thấy nền kinh tế của tỉnh vẫn phụ thuộc vào nông lâm thủy sản và dịch vụ là chính, công nghiệp xây dựng chưa thực sự phát triển.
Đơn cử tại địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu, mặc dù hàng năm có khoảng 3.000 người bước vào độ tuổi lao động nhưng gần 10 năm lại đây, 2 huyện gần như không có dự án nào thu hút được trên 50 lao động. Trong đó huyện Quế Phong, có một số nhà máy thủy điện nhưng cần nhân lực kỹ thuật cao và đơn vị duy nhất là Dự án Sản xuất than hoạt tính tại xã Đồng Văn chỉ sử dụng được khoảng 40 lao động phổ thông theo mùa vụ; huyện Quỳ Châu chưa có nhà máy nào sử dụng trên 20-30 lao động. Tình hình tại các huyện miền núi khác như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp… cũng tương tự. Trên thực tế, tại các huyện trên cũng có hoạt động kinh tế như: khai thác khoáng sản hay chế biến nông lâm sản nhưng chủ yếu chỉ sử dụng lao động gia đình và lao động nam nên các lao động nữ trẻ thường phải đi làm ăn xa.
Trong khi đó, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu được định hướng là cực tăng trưởng kinh tế phía Bắc của tỉnh, trong đó Hoàng Mai trước khi được thành lập được định hướng là đô thị công nghiệp. Từ năm 2011, tỉnh quy hoạch 2 KCN là Đông Hồi và KCN Hoàng Mai I để kêu gọi thu hút đầu tư qua đó giải quyết việc làm cho lao động các huyện phía Bắc của tỉnh. Tuy nhiên, do đến nay chưa có nhà kinh doanh hạ tầng vào làm hạ tầng cho thuê đất nên mục tiêu phát triển kinh tế chưa đạt được, các lao động bước vào đội tuổi lao động buộc phải đi làm ăn xa.
Mặt khác, so với các tỉnh, mức thu nhập của lao động tại Nghệ An khá khiêm tốn. Thống kê của Phòng Tiền lương – tiền công, Sở LĐ-TB&XH cho thấy, 2 năm lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên bình quân thu nhập của lao động tại Nghệ An chỉ đạt 5,8 triệu/người/tháng, giảm 6,45% với mức tiền lương bình quân năm 2019 và thấp hơn bình quân chung cả nước.
Mới đây, theo xếp hạng thu nhập của Hiệp hội Doanh nghiệp cả nước, thu nhập của lao động trong DN Nghệ An đứng thứ 52/63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, theo đại diện một doanh nghiệp cho biết: mức lương tối thiểu vùng từ 3,07-3,43 triệu/người/tháng là khu vực thấp nhất của cả nước. Chỉ số này thoạt nhìn là lợi thế nhưng khá thiệt thòi cho lao động và khó thu hút lao động về.
Khách quan mà đánh giá, vài năm lại đây, Nghệ An đã có nỗ lực nhờ đó tạo được chuyển biến trong thu hút đầu tư mang lại cơ hội lớn để thu hút lao động. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lại phát sinh nên tiến độ triển khai gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ lấp đầy các KCN còn chậm. Đại diện BQL Khu Kinh tế Đông Nam bộc bạch: hiện tỉnh thu hút được một số dự án đầu tư thứ cấp vào thuê đất để sản xuất kinh doanh nên nhu cầu nhân lực tăng lên. Tuy nhiên, do các dự án cần lao động trên đang trong quá trình san lấp mặt bằng, lắp đặt thiết bị chưa đi vào hoạt động nên thực tế chưa tuyển dụng.
Trong bối cảnh đó, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên xuất khẩu lao động, một trong những “kênh” tạo việc làm hiệu quả của tỉnh bị đứt gãy nên số lao động tạo nguồn cung ứng xong không đi được bị dồn ứ lại. Toàn tỉnh có 20 doanh nghiệp được cấp phép tạo nguồn cung ứng lao động xuất khẩu. Trước khi có dịch Covid-19, mỗi năm Nghệ An làm thủ tục xuất khẩu khoảng 13.000 lao động đi các nước nhưng từ năm 2020 đến nay, do dịch nên số lao động xuất khẩu giảm gần 1 nửa…
(Còn nữa)