Gieo chữ ở miền khó – Bài 3: “Vĩ thanh” nơi miền biên ải

Một ngày của cô giáo Lầu Y Pay – giáo viên Trường Mầm non Tri Lễ (Quế Phong) thường bắt đầu từ hơn 5h sáng. Sau khi chuẩn bị cơm nước cho con, chị lại lên chiếc xe máy cũ, vượt hơn 25km đường rừng để đến với bản Huồi Mới – 1 trong 9 điểm trường lẻ của nhà trường và nằm trong danh sách điểm trường khó khăn, gian nan nhất. Hơn 10 năm gắn với điểm trường này, cô giáo Lầu Y Pay kể rằng, mình đã hư mất 2 chiếc xe máy và từ một người nhút nhát, chị trở thành một tay lái lụa, có thể luồn lách mọi cung đường, dù trời mưa, nắng hay cả khi lầy lội. 10 năm qua, cô giáo Lầu Y Pay từng có nhiều cơ hội để được về điểm trường trung tâm, rút ngắn quãng đường 50km đi, về mỗi ngày. Nhưng chị nói, mình mà đi thì đồng nghiệp khác lên thay sẽ vất vả lắm. Trong khi đó, học sinh ở đây, bà con ở đây đã quen với chị và chị thì cũng quen với tiếng nói, với phong tục tập quán của người dân bản xứ.

Cô giáo Lầu Y Pay.
Cô giáo Lầu Y Pay.

Cô giáo Lầu Y Pay (SN 1986) là một trong ít giáo viên người Mông ở Trường Mầm non Tri Lễ. Dạy học ở Quế Phong nhưng cô Pay lại sinh ra và lớn lên ở xã Đọoc Mạy – một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Kỳ Sơn. Ngày nhỏ, bố mẹ chị làm nông, nuôi đến 8 người con nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. Điều khác biệt của gia đình chị so với nhiều gia đình khác trong bản đó là dù nghèo nhưng bố mẹ chị vẫn luôn muốn các con được học đến nơi đến chốn và sau này cả 8 người con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Lớn lên trong môi trường đó, cô Pay cũng kể rằng, mình là “người lạ” ở trong bản” bởi nữ sinh người Mông, thường 14, 15 tuổi đã bỏ học, theo chồng. Ai muộn hơn thì cũng 17, 18 tuổi. Cả bản khi đó, vào thị trấn để học cấp III chỉ có 2 người, trong đó có cô Y Pay. Những ngày đi học vất vả, nhiều người cũng từng xúi tôi nên nghỉ học để lấy chồng. Nhưng tôi thì nghĩ khác, nếu không đi học, không có chữ thì mình cũng sẽ như bố mẹ, cũng như các bạn trong bản, sẽ luẩn quẩn trong đói nghèo, vất vả.
Tốt nghiệp lớp 12, cô Pay đăng ký vào Trường Cao đẳng Sư phạm mầm non bởi chị thích hát, thích múa và thích trẻ con. Ra trường, chị được phân công về dạy ở Trường Mầm non Tri Lễ. Cô giáo Lầu Y Pay tâm sự thêm, với Tri Lễ chị có duyên bởi dù Kỳ Sơn và Quế Phong chỉ cách nhau một đoạn đường. Ngày trước vì cách núi, cách sông, mỗi lần từ nhà sang trường chị phải đi mất gần 1 ngày, ngược xuống Vinh rồi mới có xe lên Quế Phong. Sau này, chị chọn Tri Lễ làm nhà, làm quê hương thứ hai bởi ở đây chị đã gặp một nửa của mình. Chồng chị cũng làm giáo viên tiểu học ở xã nên cả hai có nhiều điều kiện để hỗ trợ lẫn nhau. Hơn 10 năm chị cắm bản ở Huồi Mới, chồng cũng là người đỡ đần, giúp đỡ chị để chị yên tâm công tác.

Cô giáo Lầu Y Pay là một trong ít giáo viên người Mông ở Trường Mầm non Tri Lễ.
Cô giáo Lầu Y Pay là một trong ít giáo viên người Mông ở Trường Mầm non Tri Lễ.

Kể về công việc của mình, cô Pay nói rất say sưa và mỗi công việc chị đều dành trọn tâm huyết và tình cảm. Gắn bó với Huồi Mới, cô Pay và các đồng nghiệp cũng đã chứng kiến được sự thay đổi ở vùng đất này, nhất là thấy được sự thay đổi trong nhận thức của người dân về việc học: Khi tôi mới vào, người dân trong bản không muốn cho con đi học mầm non vì họ quan niệm trẻ con người Mông cứ sinh ra là sẽ tự lớn. Để vận động học sinh đến trường, chúng tôi phải đến từng nhà nói chuyện, thuyết phục để phụ huynh hiểu, phụ huynh nghe. Khó nhất là vận động để phụ huynh cho con em ăn bán trú ở trường. Trước đây khó khăn vì trường xuống cấp và thiếu thốn, không có chỗ cho con em ngủ nên tuyên truyền bà con không thấy thuyết phục. Nhưng ba năm trở lại đây điểm trường chúng tôi được xây dựng lại, phòng học khang trang, có chỗ ngủ cho các con buổi trưa nên phụ huynh đồng tình. Sáng nào, phụ huynh cũng dậy sớm lo cơm, lo thức ăn để các con đưa đến trường.
Sự tận tụy, vì học trò của cô giáo Pay đã được phụ huynh ở bản Huồi Mới ghi nhận. Thậm chí, có đôi lúc, họ quên cô giáo Pay là người từ huyện Kỳ Sơn sang mà đã trở thành con, thành dâu, thành người thân trong nhà. Bản thân cô Pay, làm việc bằng tâm, bằng trách nhiệm và chưa từng nghĩ đến thành tích nên mới đây khi biết mình được nhà trường, phòng và sau này là Sở và Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh là nữ giáo viên tiêu biểu toàn quốc chị thực sự rất vui và bất ngờ. Mừng hơn, bởi chị không nghĩ rằng, một giáo viên cắm bản ở một xã xa xôi lại được quan tâm ưu ái và đó là động lực để chị gắn bó hơn nữa với công việc, với quê hương.

Đến nay, thầy giáo Phan Văn Quang (41 tuổi, giáo viên dạy toán Trường THCS thị trấn Mường Xén) đã có 19 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở huyện miền núi cao Kỳ Sơn. Thầy giáo Quang kể: Trong 19 năm ấy, tôi đã gắn bó với 3 ngôi trường, ở ngôi trường, vùng đất nào cũng dạt dào kỷ niệm yêu thương…

Thầy giáo Phan Văn Quang có 19 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ờ Kỳ Sơn.
Thầy giáo Phan Văn Quang có 19 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục ờ Kỳ Sơn.

Ngôi trường đầu tiên thầy Quang vào công tác là Trường THCS Na Ngoi. Thời điểm những năm 2004, đường vào Na Ngoi là một thử thách ngay cả với những người dân miền núi. Quãng đường từ Khe Kiền (Quốc lộ 7) vào xã Na Ngoi chỉ khoảng 30km nhưng phải mất tới 3h đi xe máy để vào đến nơi, vượt qua nhiều đèo dốc, khe suối. Đồng lương giáo viên mới chỉ 600 ngàn đồng/tháng thì tiền thuê xe lai chở vào trường đã hết 450 ngàn đồng/chuyến.
Na Ngoi lúc này là địa bàn nhiều không (không điện, không sóng điện thoại, không chợ). Người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông với những tập tục, ngôn ngữ, lối sống khác biệt với dân tộc Kinh. Họ lên rẫy từ sáng tinh mơ, đến tối mịt mới về, rất ít giao lưu với người xung quanh. Cuộc sống của người giáo viên nơi đây chỉ quẩn quanh trong khuôn viên ngôi trường nhỏ.
Cuộc sống đã vậy, công việc càng khó khăn hơn. Khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh nơi đây còn nhiều hạn chế khi mà rất nhiều em nghe, nói tiếng Việt kém. Các em nhút nhát, ngại chuyện trò với thầy cô. Phụ huynh học sinh không mấy quan tâm đến việc học hành của con cái. Nhớ lại những ngày đầu tiên, thầy giáo Phan Văn Quang thú nhận đã có lúc thực sự nản lòng trước những khó khăn của cuộc sống và trong công tác giảng dạy của mình. “Nhưng rồi, tôi đã nhận được rất nhiều sự động viên của gia đình, của anh chị em đồng nghiệp. Và tôi quyết tâm ở lại, quyết tâm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ dạy học của mình”.

Từ năm 2014 đến nay, thầy Quang có thêm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và năm nào cũng có học sinh đạt giải.
Từ năm 2014 đến nay, thầy Quang có thêm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và năm nào cũng có học sinh đạt giải.

Để có được những tiết học thành công, thầy giáo Quang đã cố gắng học tiếng Mông; tích cực tiếp xúc, chuyện trò, gần gũi hơn với học trò của mình. Thầy cũng không ngừng trau dồi chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp. Năm 2006, thầy được nhà trường cử đi thi giáo viên dạy giỏi huyện và đạt được thủ khoa trong kỳ thi này. Đây cũng là tiền đề để thầy đến với Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn.
Ở ngôi trường thứ hai này, thầy giáo Phan Văn Quang được tiếp xúc với một môi trường, điều kiện công tác mới. Cuộc sống ở thị trấn Mường Xén có bề dễ dàng hơn song yêu cầu giảng dạy lại cao hơn. Thầy giáo Phan Văn Quang chia sẻ: “Tôi công tác tại Trường THCS dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn từ năm 2006 đến năm 2014. Năm 2014 thì Trường THCS dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn chia tách thành hai trường, tôi được phân công về trường THCS thị trấn Mường Xén dạy cho đến nay… Trong những năm qua, năm nào tôi cũng có những sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và 2 lần được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh. Từ năm 2014 đến nay, tôi được nhà trường giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và năm nào cũng có học sinh đạt giải”. Các sáng kiến, kinh nghiệm của thầy đều được đúc rút từ thực tế nên có tính ứng dụng và lan tỏa. Kinh nghiệm “5 phút khởi động” là một trong số đó: Tuỳ theo đối tượng học sinh mà có cách dạy riêng. Ví dụ là cách khởi động vào tiết học, với đối tượng là học sinh lớp 6, thầy giáo sẽ kể một câu chuyện hài có tính giáo dục để khơi gợi nhẹ nhàng, dẫn dắt hứng thú của học sinh vào bài học. Với đối tượng học sinh lớp 7, 8, 9 thầy giáo sẽ dành 5 phút đầu tiết học này để kể một câu chuyện mang tính liên hệ giữa bài học với thực tế để kích thích sự tò mò của học sinh – thầy Quang kể thêm.
Cũng theo thầy giáo Quang: Phương pháp dạy học là rất quan trọng song tinh thần, tâm thế của người giáo viên còn quan trọng hơn thế. Để nâng cao chất lượng dạy học, người giáo viên nói chung và giáo viên miền núi nói riêng cần thật sự gần gũi, yêu thương, đồng cảm và tôn trọng học sinh của mình. Có như thế, khoảng cách giữa thầy trò được rút ngắn; việc dạy học không còn là sự nhồi nhét. Học sinh được tôn trọng sẽ thêm yêu trường, yêu lớp và cố gắng, chủ động tiếp thu kiến thức từ giáo viên… Ngoài ra, người giáo viên cần phải nhiệt tình, trách nhiệm và hy sinh với nghề. Với giáo viên miền núi nếu chỉ nghĩ về chuyện thu nhập, đời sống thì sẽ không thể làm tốt được công tác, nhiệm vụ.

Thầy Quang nỗ lực hướng các em học sinh tăng cường sự kết nối tri thức với cuộc sống, thúc đẩy toán học ứng dụng.
Thầy Quang nỗ lực hướng các em học sinh tăng cường sự kết nối tri thức với cuộc sống, thúc đẩy toán học ứng dụng.

Sau 19 năm công tác ở vùng cao, thầy giáo Phan Văn Quang đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có 2 lần được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh vào năm 2009 và năm 2012; năm 2013, được nhận Quỹ tài năng giáo dục tỉnh Nghệ An; năm 2019 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh là đoàn viên công đoàn xuất sắc tiêu biểu; được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An… Hiện nay, thầy giáo Phan Văn Quang đang được ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn tôn vinh, đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Nói về tâm nguyện của mình trong thời gian tới, thầy giáo Phan Văn Quang chia sẻ: Cuộc sống ngày càng tiến bộ, công tác giáo dục cũng đang có những bước tiến mới. Trong thời đại 4.0 này đang đòi hỏi mỗi người phải có tư duy sáng tạo. Bản thân tôi đang nỗ lực hướng các em học sinh của mình tăng cường sự kết nối tri thức với cuộc sống; thúc đẩy toán học ứng dụng để tạo nên những sáng tạo khoa học kỹ thuật hữu ích trong thực tiễn.