Thương về dáng núi

Cuối cùng thì cơn mưa mùa hạ cũng đến, sau những ngày liên tiếp lửa bùng cháy trên những cánh rừng.

Những đứa con “quá nửa đời phiêu bạt”, đang ngóng về những dãy rừng quê rừng rực cháy, bỗng như trẻ nhỏ. Hôm qua, hôm kia thấy tim mình đau quặn muốn khóc òa, hôm nay bỗng thấy lòng như được tưới mát bởi một cơn mưa  xa hàng nghìn cây số.

Xót xa cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh
Xót xa cháy rừng trên núi Hồng Lĩnh

Một người bạn phương Nam có chút ngạc nhiên xen lẫn nghi ngờ khi thấy nhiều người cùng xót thương một cánh rừng xa xôi bị cháy. Bạn hỏi tôi về núi Hồng, dãy núi mà lão nông vô tình đốt cháy trong những ngày qua ấy, bạn hỏi sao đau lòng nhiều người Nghệ đến thế?

Tôi đọc bạn nghe câu ca dao: “Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình”. Núi Hồng đã gắn với những đứa trẻ xứ Nghệ từ lời ru ban sơ của mẹ. Núi Hồng chập chùng giăng trước tầm mắt tôi, bên kia con sông Lam ngày nhỏ vẫn theo mẹ ra sông giặt chiếu. Núi Hồng ẩn hiện trong mây với bao bí mật truyền thuyết, thần thoại qua lời mẹ kể.

Núi Hồng gắn với tôi những ngày theo mẹ đi làm, hồi 6, 7 tuổi. Mẹ làm thống kê công ty 479, có lần phải đi công tác xa nhà gần 10 km, ở một mỏ đá ngay chân núi Hồng. Sáng tinh mơ, đã ngồi sau xe đạp mẹ chở qua cầu Bến Thủy đi làm. Những ngày hè tha thẩn chân núi với tôi vẫn còn rất rõ trong vùng kí ức trong xanh. Mỏ đá mẹ làm, tôi chẳng thể nhớ tên dù vẫn nhớ như in tiếng rào rào của thác nước trắng xóa đổ từ trên núi xuống, nhớ tới cả những vạt cây lạc tiên mọc non xanh ven chân núi mà tôi vẫn thường háo hức tìm quả chín để ăn. Và buổi trưa ngắn ngủi ở mỏ đá ấy, vẫn nghe thông reo, vẫn cảm nhận tinh dầu thông men theo từng cơn gió lào bỏng rát. Tinh dầu ấy đang cạn khô bởi lửa cháy. Phòng làm việc của mẹ hướng ra phía chân núi tôi vẫn chơi đùa. Từng bước đi, bước chạy của con đều nằm trong tầm mắt mẹ.

Núi Hồng với tôi chỉ là một kỷ niệm bé thơ đã lưu luyến nhường ấy, đã khiến tim mình lặng đi trong những ngày đợi chờ một cơn mưa, đã thấy niềm vui vỡ òa khi mưa tới. Thì huống chi, những bạn bè xứ Nghệ của tôi, lớn lên bên dáng núi ấy lại không nghẹn lòng.

Đêm qua, núi đồi hiện về trong giấc mơ của tôi.  Là mảnh đồi phía sau nhà bà nội, đầy  những tiếng chim gì nghe chẳng biết ngoài tiếng chim bắt cô trói cột với câu truyện cổ ám ảnh bà kể.  Những tiếng chim không biết tên ấy chỉ cất lên thôi là nghe đủ đầy yêu thương, như một lời chào ban mai tươi tắn.

Nhà bà nội tôi ở Ngọc Sơn, Đô Lương, miền núi. Nơi ấy, nhà ai cũng sở hữu quả đồi tròn lủm phía sau nhà. Đồi phủ đầy những mía, chè, na, mít bà trồng… và không đếm hết những lùm bụi lúp súp sim mua, quả mâm xôi, thù lù mọc dại. Dường như quả đồi ấy là cả thế giới  cổ tích với trẻ con. Tôi thường mang cảm giác hãnh diện kì lạ mỗi khi dẫn bạn bè ở phố về quê, leo lên quả đồi sau nhà bà. Chỉ cần bước vài bước lên đồi là gặp những lùm sim nở hoa tím dịu dàng, gặp những trái sim già tím rịm, căng tròn má mịn lông tơ và những quả mâm xôi chín đỏ, ngọt lịm. Ở đồi của bà còn có những cây chay thân cao tít. Lũ trẻ vẫn thường háo hức đón chờ những trái chay ngọt thanh chim ăn rụng xuống đất. Hết thảy đều như những món quà đặc biệt dành riêng cho con nít.

Lên đến đỉnh đồi, sẽ thấy gần hơn với mây, với gió. Nhìn xuống sẽ thấy đập nước êm ả, phẳng lặng như tấm gương khổng lồ in bóng những hàng tre xanh um, xa xa hơn là những con đường dốc dẫn về ruộng lúa xanh mướt chấp chới cò trắng bay. Chúng tôi thường leo lên tới  đỉnh đồi, ở đó nhất định có những gốc sim sum suê chi chít trái chín vì ít người ngại leo để hái.

Tôi thích nhất cảm giác như chơi trò ú òa khi gặp những lùm hoa dẻ bên những lưng đồi nhà bà nội. Hoa dẻ hao gầy với những cánh cong cong, thuôn dài như những ngón tay. Khi còn non, những đóa hoa có màu xanh, và lặng lẽ chuyển màu vàng rộm từ lúc nào chẳng rõ. Chỉ biết rằng trong một sáng mai đầy nắng hạ, mùi hoa dẻ thức giấc ngay góc đường trước khi rẽ vào con dốc nhà bà.  Mùi hoa dẻ lừng thơm, tựa một loại quả lạ, ngọt ngào, nồng nàn. Thực sự khó để dùng những từ ngữ miêu tả đúng mùi hoa ấy, chỉ biết rằng, sau những ngày hè lùng sục từng bụi từng bờ làm bạn với hoa dẻ, mùi hương ấy đã trở thành vệt nhớ sâu đậm trong tôi.

Nhà bà, căn nhà cấp 4 dựa lưng vào núi. Có một con dốc nhỏ dẫn lên nhà, phía bên trái là cây cau giàn trầu bà vẫn ra hái mỗi sáng, phía bên phải là giếng nước thanh ngọt. Lần cùng bố ghé về nhà bà gần nhất, tôi ngẩn ngơ nhìn mãi con dốc nhỏ, sực nhớ rằng ngày mình còn bé, đã từng nhớ rằng con dốc ấy cao lắm, leo đến là mỏi chân nhưng giờ chỉ vài bước đã đi hết con dốc. Ngày tôi tầm 7,8 tuổi, bà đã ngoài 70. Bà bỏm bẻm nhai trầu, tay chắp phía sau, phăm phăm đi trước, đầu hơi chúi nhưng bước chân nhanh thoăn thoắt. Đứa cháu nhỏ lũn tũn chạy theo sau. Chân bà dường như không bao giờ biết mỏi như chân cháu.

Con dốc nửa quen nửa lạ ấy từ lâu chẳng còn bóng bà. Trước ngày mừng thọ 100 tuổi, bà không may trượt chân xuống đập nước trước nhà. Đôi khi nhìn đập nước trong xanh, phủ viền bởi những rặng tre xanh và được những chân núi ôm vào lòng, tôi vẫn tự hỏi, sao cảnh đẹp đến vậy mà mặt nước kia nỡ kéo bà đi. Rồi tự nhủ, hay có khi bà tôi yêu nơi này quá đỗi, bà chẳng nỡ giận đâu mà, mình giận làm chi cảnh sắc ấy.

Bà tôi mê núi đến mức, nhớ tới bà là nhớ tới câu chuyện thật như bịa. Mỗi lần xuống phố Vinh, bà vẫn chọn cái ghế cao nhất trong nhà rồi kéo ra trước thềm nhà, ngồi vắt vẻo trên đó. Ghế bà ngồi phải ngang tán cây bàng xanh xanh. Người lạ người quen nhìn thấy bà vẫn tò mò hỏi chuyện. Bà nói rất thành thật mà ai nấy đều phì cười: Bà ở trên cao quen rồi, xuống thấp không quen.

Tôi đã có những mùa hè tưởng như bất tận niềm vui khi loanh quanh bên chân bà, đợi một quả mít chín dần thơm trên lưng đồi, đợi những tiếng chim ríu ran trên vòm chay, thả cả tiếng chim lẫn theo quả chay vàng ươm xuống đất. Cổ tích với trẻ con chỉ đơn giản như thế thôi chẳng cần phải có hậu “ăn khế trả vàng”.

* * * * *

Tôi kể bạn tôi về những cánh rừng, đồi núi tuổi thơ gắn với tôi cũng như nhiều bè bạn mà bạn nỡ nghi ngờ “theo trend” cháy rừng ấy. Tôi nói với bạn rằng, bọn trẻ lớn lên ở xứ Nghệ, hầu hết đều yêu núi. Núi ở xứ Nghệ không cao, không quá nhiều như Tây Nguyên, Tây Bắc… nhưng đủ làm nên vùng kí ức xanh thẳm. Bạn nhớ bài thơ ngày xưa trong sách tập đọc tụi mình học không? “Tinh mơ em thức dậy/ Rửa mặt rồi đến trường/ Em bước vội trên đường/ Núi dăng hàng trước mặt.

Sương trắng viền quanh núi/ Như một chiếc khăn bông/ – Ồ, núi ngủ lười không!/ Giờ mới đang rửa mặt…”

Hồi học bài thơ ấy, cho đến mãi sau này, lạ thế, mình vẫn nghĩ tác giả bài thơ có lẽ học ở ngôi trường nào đó loanh quanh gần trường mình. Mà không, có khi là trường tiểu học của mình ấy. Nơi mỗi sáng mỗi chiều đi học vào mùa Đông đi học ngang qua núi Quyết vẫn có thể nhìn sương giăng mờ mờ như chiếc khăn mỏng viền quanh đỉnh núi, hay xa tít hơn nữa, là dãy Trường Sơn (nếu leo lên sân thượng khu nhà tầng vẫn có thể nhìn thấy mờ mờ xa xa), là núi Hồng mà bạn hỏi.

Sài Gòn không có núi, sông Sài Gòn chảy qua hàng loạt cao ốc, dĩ nhiên bạn không có cảm giác thương một dáng núi nhớ một dáng sông. Và rồi, bạn bảo, có chút ghen tị với những người lớn lên bên sông, bên núi như tôi…