Xây dựng kịch bản tạo nguồn thu ngân sách: Bài cuối: Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững

Năm 2021, Nghệ An đặt ra chỉ tiêu hoàn thành vượt từ 3 – 5% dự toán ngân sách. Trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ thu ngân sách từ nay đến cuối năm không hề dễ dàng, tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực thực hiện các giải pháp tích cực, đồng bộ mới đạt được mục tiêu đề ra.

Năm 2020, bên cạnh 13 khoản thu đạt và vượt dự toán giao, thì Nghệ An vẫn còn 4 khoản không đạt dự toán được giao; một số khoản thu mặc dù vượt dự toán nhưng thực chất vẫn còn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Sở Tài chính, có 4 khoản thu chưa hoàn thành dự toán, đó là khoản thu từ doanh nghiệp Trung ương chỉ đạt 563 tỷ đồng, đạt 75,1% dự toán và bằng 78,1% so với cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh 4.701 tỷ đồng, đạt 92,7% dự toán và bằng 100,1% so với cùng kỳ; thu phí và lệ phí 269 tỷ đồng, đạt 94,4% dự toán; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước 392 tỷ đồng, đạt 95,6% dự toán.

Công nghiệp dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền
Công nghiệp dệt may đã được đầu tư ở nhiều địa phương, thu hút nguồn lao động tại chỗ. Ảnh: Thu Huyền

Ông Trịnh Thanh Hải – Cục trưởng Cục Thuế cho biết: Mặc dù hoàn thành nghĩa vụ thu ngân sách năm 2020, nhưng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tỉnh vẫn còn nhiều nỗi lo. Ngoài 3-4 khoản thu dự kiến không đạt, qua rà soát, tỉnh vẫn còn một số khoản thu tiềm ẩn thiếu bền vững. Các khoản thu trên, chỉ cần Quốc hội hoặc Chính phủ có thay đổi về chính sách vĩ mô hoặc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh tế – xã hội bị ngừng trệ, hoặc thiên tai… thì nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng lớn, đưa ngành vào thế bị động.

Ông Nguyễn Viết Hưng – Trưởng phòng Ngân sách, Sở Tài chính cho rằng, về lâu dài cần có những giải pháp, lộ trình để xây dựng những khoản thu bền vững hơn. Hiện HĐND tỉnh đã thông qua về biểu giá đất mới đối với doanh nghiệp trong Khu kinh tế (KKT) Đông Nam, các KCN, theo đó có giảm và hợp lý hơn so với trước đây.

Khi biểu giá đất mới có hiệu lực sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng tính toán lại để hạ giá đất cho thuê nhằm tăng sức cạnh tranh so với các tỉnh bạn. Đây là động lực tích cực để thu hút thêm các nhà đầu tư lớn đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN; mặt khác, các nhà đầu tư có mặt bằng cũng thu hút được dự án lớn, có ý nghĩa động lực tạo nguồn thu lâu dài (thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân) cho ngân sách thay vì nhìn vào khoản thu từ tiền thuê đất như lâu nay.

Sản xuất cá hộp tại nhà máy Royal Foods (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng
Sản xuất cá hộp tại nhà máy Royal Foods (Khu kinh tế Đông Nam). Ảnh: Lâm Tùng

Bên cạnh đó, theo Ban quản lý KKT Đông Nam, hiện nay các doanh nghiệp khi đầu tư vào KKT này vẫn băn khoăn về “điểm nghẽn” hạ tầng cảng biển cũng như các dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, khiến hoạt động thu thuế xuất, nhập khẩu của tỉnh không phát triển được. Để tăng doanh thu từ xuất nhập khẩu, tỉnh cần đầu tư nâng cấp cảng Cửa Lò cũng như một số cảng biển khác theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải.

Bên cạnh đó là kiến nghị Chính phủ đầu tư mở rộng để thông thương Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Kỳ Sơn) và Cửa Khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) để hàng hóa từ nước bạn Lào sang Cửa Lò hoặc ngược lại, qua đó sẽ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu lên. Nếu gỡ được nút thắt này, thu ngân sách từ XNK Nghệ An sẽ có tăng trưởng đột biến và ổn định hơn trong thời gian tới…

Đại diện một Hiệp hội Doanh nghiệp thẳng thắn: Năm 2020 mặc dù khó khăn nhưng tỉnh vẫn hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách là nhờ khoản thu từ tiền sử dụng đất. Năm nay, do những điều tiết vĩ mô của Nhà nước nên đất đai và bất động sản ấm lên, thu ngân sách đang gặp thuận lợi; chỉ cần giá đất chững lại hoặc giao dịch đóng băng thì sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu nguồn thu. Vì vậy, tỉnh cần có kịch bản ứng biến với điều kiện giá đất đai, bất động sản bị đóng băng…

Ông Phan Văn Việt – Chi cục trưởng Chi cục Thuế Vinh cho rằng: Sắp tới tăng cường các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và thuế, phí đối với các giao dịch chuyển nhượng đất đai. Hiện nay, các hoạt động này tại khu vực đô thị rất sôi động nhưng hiện tại giấy tờ, thông tin giao dịch đều do cơ quan quản lý cung cấp; các giao dịch thương mại điện tử thì do nhà mạng quản lý nên ngành thuế rất khó nắm bắt được doanh thu thực để làm cơ sở tính thuế.

Cục Thuế Nghệ An tập huấn các nghiệp vụ thuế. Ảnh: Lâm Tùng
Cục Thuế Nghệ An tập huấn các nghiệp vụ thuế. Ảnh: Lâm Tùng

Năm 2021, ngành Thuế Nghệ An được Bộ Tài chính giao dự toán thu 11.912 tỷ đồng, trừ tiền sử dụng đất là 9.562 tỷ đồng; HĐND tỉnh và UBND tỉnh giao dự toán thu là 12.782 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất so với dự toán Bộ Tài chính giao.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, trên cơ sở các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra, trong đó chỉ tiêu lớn nhất là hoàn thành vượt từ 3-5% dự toán giao, đại diện các Chi cục Thuế đã có kiến nghị đề xuất các giải pháp. Theo đó, cùng với bám sát tiến độ thu ngân sách tại các địa phương và các doanh nghiệp có doanh số nạp thuế lớn để có chỉ đạo kịp thời khi tình huống, kịch bản mới phát sinh.

Lãnh đạo Cục thuế tỉnh đối thoại, trả lời các vướng mắc của các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải
Lãnh đạo Cục thuế tỉnh đối thoại, trả lời các vướng mắc của các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Phân tích về những khả năng, kịch bản thu ngân sách diễn ra trong năm mới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình kinh tế – xã hội năm 2021 có thể không có gì khác hơn năm 2020, thậm chí khó khăn hơn bởi dịch bệnh diễn biến chưa lường được, những khó khăn của năm 2020 sẽ gây ảnh hưởng kéo dài cho những năm sau. Hiện nay, các hoạt động chủ yếu ở dạng duy trì: sản xuất, kinh doanh, du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn… chưa có bứt phá, chưa thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh.

Năm 2021, Nghệ An đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 7,5 – 8,5%; thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chung của giai đoạn 2021 – 2025 là 9,5 -10,5%. Nguyên nhân là năm 2021 vẫn chịu tác động những khó khăn của năm 2020. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì tăng trưởng kinh tế rất khó đạt được; kéo theo đó, thu ngân sách cũng khó đạt chỉ tiêu đề ra.

Ở diễn biến khác, dự báo năm 2021 ngành Thuế Nghệ An có nhiều cơ sở để hoàn thành vượt mức kế hoạch bởi về mặt đầu tư, một số dự án hiện nay tương đối rõ. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư; một số dự án trọng điểm sau khi đi vào hoạt động và hết thời gian hưởng các chính sách ưu đãi sẽ đóng góp lớn hơn cho ngân sách tỉnh thông qua thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. Điển hình là Nhà máy Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm chủ yếu phục vụ xuất khẩu; dự án sản xuất viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam và Công ty CP Năng lượng DKC (công suất 120.000 tấn SP/năm và 60.000 tấn SP/năm); dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare – ICT (công suất 62,5 triệu SP/năm); dự án dây chuyền sản xuất đường lỏng Glucose (công suất 150 tấn/ngày);

Hệ thống hạ tầng trong Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 đã sẵn sàng. Ảnh: Trân Châu
Hệ thống hạ tầng trong Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 đã sẵn sàng. Ảnh: Trân Châu

Cũng năm 2021, tỉnh tập trung mạnh vào hoạt động thu hút đầu tư, phấn đấu thu hút vào tỉnh từ 80 – 100 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 20.000 – 25.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 600 – 700 triệu USD. Với việc thu hút được các nhà đầu tư lớn vào đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai I,… cũng sẽ tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án thứ cấp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đây là cơ sở để nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, thay vì các khoản thu đột biến, thiếu ổn định như thời gian vừa qua.

Bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách VCCI Chi nhánh Nghệ An kiến nghị: Năm 2020 ngành Thuế Nghệ An đã phối hợp với Chi nhánh tổ chức một số diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tuyên truyền, giải đáp về chính sách thuế mới nên góp phần hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bước sang năm 2021, với một số chính sách mới về thuế và nhiều doanh nghiệp Nghệ An với phần lớn quy mô nhỏ và vừa đang khó khăn, nên ngành Thuế phải tiếp tục làm tốt việc này để doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh bình thường để làm tốt nghĩa vụ với ngân sách.

Ngoài ra, để giảm thất thu thuế đối với thuế kinh doanh vận tải tại các địa phương, cần có sự phối hợp liên ngành tại các địa phương thì mới mang lại hiệu quả; tích cực tuyên truyền để có giải pháp thu thuế phù hợp đối với kinh doanh taxi công nghệ… Năm 2020 mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng cả nước, trong đó một số tỉnh đã xuất khẩu được nhiều nông sản có giá trị đi Mỹ và các nước châu Âu, nên đã góp phần làm tăng thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước trên 317 ngàn tỷ đồng. Nghệ An mặc dù là tỉnh sản xuất nông nghiệp và nhiều hàng hóa có thể xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng năm còn hạn chế và nhiều năm chưa có tăng trưởng đột biến.

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2021 là rất quan trọng. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương, ngay từ đầu năm phải đặt ra quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có những hành động cụ thể để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Tỉnh Nghệ An đầu tư lắp đặt đường điện 110kv đến hàng rào KCN WHA tại Nghi Lộc.
Tỉnh Nghệ An đầu tư lắp đặt đường điện 110kv đến hàng rào KCN WHA tại Nghi Lộc.

Để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2021, mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong quý I và cả năm 2021. Nhiệm vụ đầu tiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh là phải bắt tay thực hiện ngay các chương trình, đề án theo Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch hành động của UBND tỉnh, với quyết tâm hoàn thành ngay trong năm đầu của nhiệm kỳ.

Đồng thời, tập trung triển khai ngay 25 Nghị quyết vừa được kỳ họp HĐND tỉnh thông qua. Các ngành được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai kế hoạch trước ngày 30/12/2020. Các ngành, địa phương căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, phải xây dựng kịch bản tăng trưởng, đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương quan tâm rà soát nguồn thu, đảm bảo chặt chẽ ngay từ những ngày đầu năm. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ nguồn chi, thực hiện tiết kiệm những hoạt động không cần thiết.