“Lách luật” để hưởng chế độ

Lợi dụng Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 quy định, phòng Giáo dục & Đào tạo được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện lên làm việc, nhiều địa phương đã “lách luật” theo kiểu “biệt phái tại chỗ” đối với những viên chức đã làm việc thâm niên lâu năm ở phòng để hưởng chính sách sai quy định.

Đó là sự việc diễn ra ở phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Con Cuông, đơn vị  đang được đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị thu hồi hơn 1 tỷ đồng của 10 giáo viên biệt phái tại phòng. Đây cũng là việc được xem là “cực chẳng đã” nhưng việc thu hồi là cần thiết, khi mà  nhiều năm trước, lợi dụng chính sách biệt phái, không ít cá nhân ở phòng Giáo dục & Đào tạo đã thực hiện sai quy định. Hệ quả, cho đến thời điểm này…rất khó giải quyết dứt điểm.

Trước đó, cũng như nhiều phòng Giáo dục & Đào tạo khác, phòng Giáo dục huyện Con Cuông bố trí cán bộ làm việc vừa là công chức, vừa làm viên chức. Trong đó, công chức chủ yếu là trưởng, phó phòng và một số bộ phận như kế toán, thủ quỹ. Còn lại, đều là viên chức được điều động từ các trường học lên. Thời điểm những năm 2012, người được điều động nhiều nhất cũng trên 20 năm. Trong quá trình điều động, các viên chức dù đang làm việc ở phòng nhưng không được hưởng chế độ phụ cấp công chức 25% như các phòng ban khác ở Ủy ban. Họ cũng không được hưởng các phụ cấp thâm niên, đứng lớp hay các phụ cấp khác như giáo viên khác đang công tác ở các trường học.

Có thể cũng bởi sự thiệt thòi này, nên năm 2012, sau khi có Công văn số 6612/UBND – TH về biên chế phòng giáo dục nhằm đảm bảo chế độ cho người lao động đang công tác ở phòng Giáo dục & Đào tạo thì phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Con Cuông cũng áp dụng ngay.  Đồng thời, áp dụng với cả những viên chức đã làm việc thâm niên lâu năm ở phòng. Đây cũng chính là “kẽ hở” để các đơn vị lợi dụng chính sách biệt phái để chi trả chế độ cho giáo viên, trái quy định.

Trường hợp của thầy giáo Nguyễn Đình Phúc – thời điểm đó đang phụ trách công tác tổ chức của phòng là một trường hợp khá hi hữu. Để được hưởng chính sách biệt phái, thầy Phúc dù đang công tác ở phòng nhưng đã được điều động về Trường Tiểu học Môn Sơn 1 (một trường thuộc vùng biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông). Tuy nhiên chỉ sau đó khoảng 1 tuần, vì trường đã đủ biên chế, phòng lại có một quyết định khác điều động thầy về làm giáo viên ở Trường Tiểu học Môn Sơn 2. Hơn một tuần sau, đang từ giáo viên vùng khó, thầy được điều về phòng Giáo dục & Đào tạo dưới hình thức giáo viên biệt phái. Như vậy, bằng hình thức này, chỉ trong 17 ngày, riêng thầy giáo Nguyễn Đình Phúc đã có 3 quyết định điều chuyển. Song song với đó, đang hưởng mức lương của một giáo viên, thầy được cộng thêm tiền thâm niên, phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp ưu đãi và tất cả đều được hưởng ở vùng đặc biệt khó khăn.

Với thâm niên gần 30 năm công tác, thầy Phúc cũng là một trong những người được nhận tiền biệt phái cao nhất. Thời điểm đoàn  thanh tra về kiểm tra, số tiền mà đoàn yêu cầu thu lại từ thầy Phúc do chi sai quy định cũng đứng đầu danh sách với số tiền 137.763.649 đồng. Theo kết luận 900 của Uỷ ban Kiểm tra về việc kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì việc thầy Phúc được hưởng khoản phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản với hệ số 4.67 là sai quy định. Tương tự đó là cô Nguyễn Thị Hương, thầy Đàm Đại cũng là những giáo viên được điều về trường trong khi chẳng có giờ nào đứng lớp rồi lại biệt phái về phòng, hai quyết định điều chuyển chỉ được thực hiện trong vòng  khoảng 1 tháng.

Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng Giáo dục và Đào tạo, trong đó yêu cầu, ngoài biên chế công chức, phòng GD-ĐT được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện. Viên chức biệt phái chịu sự phân công và quản lý của Trưởng phòng GD-ĐT; ngoài công việc chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục & Đào tạo, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; viên chức biệt phái được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra về việc kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn huyện Con Cuông thì trong số 12 giáo viên biệt phái có tới 4 người biệt phái sai tinh thần Công văn 6621/UBND – TH. Bên cạnh đó, đoàn cũng yêu cầu 12 giáo viên biệt phái của huyện phải trả lại một phần chi trả theo chế độ biệt phái vì việc chi trả không đúng theo quy định.

Tuy nhiên, mặc dù đã có kết luận thanh tra nhưng việc thu hồi không dễ dàng bởi hiện đã có 3 giáo viên về hưu. Bên cạnh đó, những người đang công tác họ cũng có những lý do riêng. Thầy Lê Văn Thông hiện làm công tác tổ chức phòng Giáo dục huyện Con Cuông từng có đơn cho rằng việc bị thu hồi của thầy không thoả đáng vì thầy đúng là giáo viên biệt phái từ vùng khó lên. “Tôi từng là giáo viên trường THCS Môn Sơn đã có nhiều năm đứng lớp và được ghi nhận là giáo viên giỏi chuyên môn. Thế nên khi được điều động lên đây theo chính sách biệt phái tôi yên tâm công tác vì các chế độ vẫn đảm bảo giống như ở trường. Tôi chỉ bất ngờ, vì sao mình đúng là giáo viên biệt phái, ở vùng khó lên nhưng lại bị thu hồi với số tiền hơn 98 triệu đồng. Cũng như thầy Thông, thầy Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu phó trường THCS Môn Sơn cũng đang trần tình về việc thầy có đơn kiến nghị khi bị thu hồi gần 30 triệu đồng từ khoản trợ cấp 30% phụ cấp đặc biệt dành cho giáo viên được biệt phái từ vùng khó khăn. “Lý do mà chúng tôi nhận được là do chúng tôi hiện không công tác tại vùng khó thì không được hưởng chính sách từ vùng khó”. Thầy Tuấn  cũng cho rằng việc thu hồi này không đúng với tinh thần chính sách biệt phái, bởi theo Điều 36 của Luật Công chức thì viên chức biệt phái sẽ được hưởng các chính sách như đang công tác tại nơi cũ.

Thầy Nguyễn Đình Phúc – nguyên viên chức biệt phái lại cho rằng, bản thân thầy và các đồng chí công tác tại phòng rất thiệt thòi so với giáo viên về hưu cùng thời điểm (lương hưu thấp hơn 2 triệu đồng/tháng) vì công tác tại phòng Giáo dục không có chế độ thâm niên. Vì thế, việc thầy đã công tác rất lâu ở phòng nhưng chỉ mới được hưởng 3 năm nay lại bị thu hồi với số tiền gần 138 triệu đồng thì “không biết lấy đâu mà trả”.

Trước những vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Nam – Trưởng phòng Nghiệp vụ 4 UBKT Tỉnh uỷ cho biết: “Nếu thực hiện biệt phái mà không tham gia giảng dạy như yêu cầu thì không được hưởng chính sách. Hơn nữa, khi đã làm việc ở phòng thì đương nhiên không thể  hưởng phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn, bởi chính sách này chỉ được thực hiện đối với đối tượng đang làm việc tại vùng khó. Vì vậy, việc thu hồi lại 0,2 % phụ cấp đứng lớp được chi cho giáo viên vùng khó khăn là chính xác”.

Cho đến thời điểm này, dù kết luận của đoàn kiểm tra đã khá rõ ràng nhưng việc thu hồi vẫn đang rất khó khăn, trong đó có nguyên nhân về kinh tế. Về phía các thầy giáo cô giáo bị thu hồi lại số tiền chi sai, họ cũng khẳng định: Lỗi sai này nếu có cũng là do khách quan và bản thân các thầy cũng chưa hiểu hết về các chính sách. Việc sai này, cũng có trách nhiệm của các cơ quan quản lý  là UBND huyện Con Cuông, phòng Giáo dục & Đào tạo, phòng Tài chính khi tham mưu chưa chính xác và thiếu sự giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

Cũng bởi chưa thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra nên các thầy giáo bị  thu hồi cũng đang đứng trước thực tế đó là không được đánh giá, không được xếp loại thi đua vì chưa hoàn thành trách nhiệm. Nhiều giáo viên biệt phái, sau “cú sốc” này cũng đã xin trở lại các trường làm việc vì e ngại sẽ thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và lâu dài. Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Con Cuông, Lê Thanh An cho biết: “Hiện phòng còn thiếu 2 vị trí nhưng chúng tôi không điều chuyển được viên chức nào theo chính sách biệt phái nữa”. Theo ông An thì lý do mà các giáo viên có năng lực tại các trường không muốn lên phòng là bởi đa số họ là những cán bộ quản lý đã quá độ tuổi quy hoạch, hơn nữa về phòng họ không được các khoản phụ cấp như phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp đặc biệt nên vì thế có nhiều cán bộ thu nhập chỉ còn ½ so với mức thu nhập ở trường.

(Còn nữa …)