“Dùng dằng” chế độ, chính sách đối với giáo viên biệt phái?

Hơn 10 năm trước, các phòng giáo dục và đào tạo ở Nghệ An trong cảnh thiếu người, trong khi nhu cầu công việc lại ngày càng tăng. Hầu hết tại các phòng giáo dục và đào tạo chỉ có khoảng 5 người, bao gồm cả lãnh đạo để làm khối công việc rất lớn. Trước thực trạng đó, ngày 24/9/2012, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 6612 về việc biên chế phòng giáo dục và đào tạo.

Học sinh huyện Nam Đàn trong lễ khai giảng năm học mới.
Học sinh huyện Nam Đàn trong lễ khai giảng năm học mới.

Nội dung văn bản này nêu: Căn cứ vào nhu cầu công tác và vị trí việc làm, chủ tịch UBND cấp huyện có thể biệt phái viên chức tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về công tác tại phòng giáo dục và đào tạo. Viên chức biệt phái chịu sự phân công và quản lý của trưởng phòng giáo dục và đào tạo. Ngoài công việc, công tác chuyên môn, viên chức biệt phái còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục; tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. “Viên chức biệt phái được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các khoản phụ cấp khác theo quy định. Số lượng viên chức biệt phái ở mỗi phòng giáo dục và đào tạo từ 4 đến 8 người”, văn bản nêu rõ.

Hầu hết những người được lựa chọn để biệt phái đều là hiệu phó, hiệu trưởng, các giáo viên có thành tích xuất sắc. “Họ đều là những người giỏi cả. Phải nói là tinh hoa từ các nhà trường. Vì có như thế thì mới làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo được, mới có thể giúp phòng chỉ đạo các nhà trường được”, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu nói.

Các giáo viên biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu đều là những người có năng lực được tuyển chọn từ cơ sở.
Các giáo viên biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu đều là những người có năng lực được tuyển chọn từ cơ sở.

Thời gian đầu biệt phái lên làm việc ở phòng giáo dục và đào tạo, những người này đều được giữ nguyên mức thu nhập giống như cũ. Sau 6 tháng, những trường hợp từng là hiệu phó, hiệu trưởng sẽ bị cắt phụ cấp chức vụ đúng như quy định. Tuy vậy, họ vẫn được chi trả các khoản phụ cấp khác như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên nghề.

Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên biệt phái được xem là “cánh tay phải” của các phòng giáo dục và đào tạo, bởi họ đảm nhiệm công tác chuyên môn của phòng. Thực tế hiện nay, biên chế cho các phòng giáo dục và đào tạo chỉ có từ 4-6 người và chủ yếu đảm nhận các chức vụ như trưởng, phó phòng. Một số ít phòng có thêm từ 1- 2 biên chế để phụ trách chuyên môn. Để bù vào “khoảng trống” này, việc biệt phái giáo viên từ các trường là tất yếu và có những người dù đã công tác tại phòng giáo dục và đào tạo từ 10 – 15 năm vẫn là giáo viên biệt phái. Theo nhiều giáo viên đang biệt phái, khi họ quyết định (biệt phái) lên làm việc tại các phòng giáo dục và đào tạo, chủ yếu là vì trách nhiệm với ngành. Còn lại, nếu so sánh hoặc “cân đo đong đếm” thì có phần chưa thỏa đáng.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, dù mức thu nhập có giảm so với trước khi được biệt phái, nhưng tất cả những giáo viên diện biệt phái đều không có ý kiến, tận tâm cống hiến cho ngành Giáo dục. Việc thực hiện chế độ cho viên chức biệt phái theo hướng dẫn tại Công văn số 6612 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 24/9/2012 đã đảm bảo chế độ cho viên chức, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo.

Việc chi trả chế độ cho những viên chức biệt phái trong ngành Giáo dục đều được các địa phương triển khai theo đúng với Công văn số 6612 trong suốt nhiều năm liền. Tuy nhiên, đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An đã có văn bản cho rằng, việc chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi này không đúng với tinh thần trong Quyết định số 42/QĐ-TTg, ngày 5/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về bảo lưu chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục. Quyết định 42 đã hết hiệu lực từ tháng 5/2015 (Quyết định ban hành có căn theo Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015), vì vậy, Sở Tài chính cho rằng, chỉ có các trường hợp có quyết định điều động, biệt phái trong thời gian từ 1/9/2010 đến 31/5/2015 mới được hưởng chế độ bảo lưu phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành gặp khó khăn khi nhiều giáo viên biệt phái xin chuyển công tác xuống cơ sở.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành gặp khó khăn khi nhiều giáo viên biệt phái xin chuyển công tác xuống cơ sở.

Trong khi đó, Công văn số 6612 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành ngày 24/9/2012 đã hướng dẫn, viên chức biệt phái được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các khoản phụ cấp theo quy định. Về vấn đề này, Sở Tài chính cho rằng, công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành mà chỉ mang tính chất hướng dẫn. Do đó, việc UBND cấp huyện căn cứ Công văn 6612 để ban hành quyết định điều động, biệt phái viên chức về công tác tại phòng giáo dục và đào tạo và chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề là không đúng quy định.

Ngày 9/2/2018, Sở Tài chính Nghệ An đã kiến nghị UBND tỉnh hủy hoặc bãi bỏ Công văn số 6612, đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện dừng chi trả phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nghề đối với giáo viên được điều động, biệt phái làm công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo theo đúng quy định tại Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 23/2/2018, UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh về việc thực hiện điều động, biệt phái, luân chuyển viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo và chi trả chế độ phụ cấp theo đúng quy định hiện hành. Sau đó, ngày 5/4/2018, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với viên chức phòng giáo dục và đào tạo.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đơn vị sau đó đã tham mưu dự thảo các văn bản đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng Nghị quyết quy định biên chế, số người làm việc và chế độ hỗ trợ đối với viên chức giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, khi xin ý kiến thì một số ngành (Sở Tư pháp, Sở Tài chính…) cho rằng, chưa cần thiết hoặc băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc xây dựng văn bản nên nội dung này chưa được thông qua.

Trước năm học mới, nhiều phòng giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn khi có sự xáo trộn về đội ngũ giáo viên biệt phái về công tác tại phòng. Trong ảnh Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu.
Trước năm học mới, nhiều phòng giáo dục và đào tạo gặp nhiều khó khăn khi có sự xáo trộn về đội ngũ giáo viên biệt phái về công tác tại phòng. Trong ảnh Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu.

Do vẫn chưa có văn bản nào của cấp có thẩm quyền quy định về chính sách hỗ trợ nên hầu hết các huyện sau đó vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp ưu đãi cho những viên chức biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo. Đến ngày 30/8/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 15 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2019-2020, theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo “bố trí việc làm cho lãnh đạo và chuyên viên các phòng giáo dục và đào tạo đủ biên chế; những nơi chưa bố trí được thì cho phép điều động cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trực thuộc đến làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo và được hưởng chế độ như công tác tại trường ở địa bàn trung tâm”.

Sau khi Chỉ thị số 15 ban hành, ngày 20/11/2019, Sở Tài chính Nghệ An tiếp tục có văn bản về việc chế độ cho giáo viên được điều động, biệt phái đến công tác tại phòng giáo dục và đào tạo. Sở Tài chính cho biết, qua kiểm toán tại các huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2018, Kiểm toán Nhà nước khu vực II cũng đã kết luận việc chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo được điều động, biệt phái đến công tác tại phòng giáo dục và đào tạo chưa đúng quy định theo Quyết định số 42 của Thủ tướng Chính phủ. Sở Tài chính một lần nữa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện dừng chi trả các khoản phụ cấp không đúng quy định đối với nhà giáo được điều động, biệt phái đến công tác ở phòng giáo dục và đào tạo cho đến khi có quy định của cấp có thẩm quyền. Tuy vậy, ý kiến này đã vấp sự phản đối từ Sở Giáo dục và Đào tạo.