Kỳ 3: Băn khoăn hướng xử lý hơn 10 tỷ đồng phụ cấp đã chi trả

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đồng loạt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái. Kết quả cho thấy, tổng số giáo viên biệt phái và có hưởng phụ cấp trong giai đoạn 2021 – 2022 tại 19 huyện, thị (ngoại trừ TX. Cửa Lò và TP. Vinh), là 281 người, trong đó năm 2021 là 143 người, năm 2022 là 138 người. Tổng số tiền các loại phụ cấp đã chi trả cho những người này trong 2 năm là hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, những địa phương chi trả khoản tiền phụ cấp khá lớn như Kỳ Sơn là hơn 1,8 tỷ đồng, Thanh Chương hơn 1 tỷ đồng, Quỳ Châu hơn 1,1 tỷ đồng, Tương Dương hơn 970 triệu đồng…

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành gặp khó khăn khi nhiều giáo viên biệt phái xin chuyển công tác xuống cơ sở.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành gặp khó khăn khi nhiều giáo viên biệt phái xin chuyển công tác xuống cơ sở.

Tuy nhiên, cũng qua thanh tra, kiểm tra, UBND các huyện có quan điểm khác nhau về xử lý đối với số tiền phụ cấp đã chi trả cho các giáo viên biệt phái. Cụ thể, có 15/19 địa phương kiến nghị bảo lưu, không truy thu số phụ cấp mà giáo viên biệt phái đã được hưởng chưa phù hợp quy định. Vì các giáo viên này được hưởng chế độ thiệt thòi hơn so với các giáo viên đang dạy tại nhà trường. Mặt khác, nhiều giáo viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác nên khó thực hiện truy thu.

2 địa phương thì cho rằng, việc vận dụng, chi trả các phụ cấp giáo viên biệt phái là phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn, đảm bảo chế độ, chính sách, quyền lợi và khuyến khích, động viên giáo viên biệt phái yên tâm công tác. Ngoài ra, có 2 địa phương kiến nghị truy thu số phụ cấp mà các giáo viên biệt phái đã được hưởng chưa phù hợp với quy định.

Để tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý, sau khi có kết quả kiểm tra, Sở Tài chính cũng đã đề nghị Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án xử lý đối với số tiền phụ cấp đã chi trả cho các giáo viên biệt phái chưa đúng quy định. Có thu hồi, nộp trả ngân sách hay không?…

Trong văn bản phản hồi, dù khẳng định việc chi trả phụ cấp là chưa phù hợp với quy định và về nguyên tắc phải truy thu toàn bộ số tiền đã chi, nhưng phía Thanh tra tỉnh cho rằng, thực tế cán bộ, giáo viên biệt phái được hưởng các chế độ chính sách thiệt thòi hơn so với những người đang giảng dạy ở trường học và công chức Phòng Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Thanh tra tỉnh đề xuất Sở Tài chính căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra và kiến nghị của cấp huyện để xem xét, tham mưu biện pháp xử lý đối với số tiền đã chi trả chưa phù hợp với quy định.

Các giáo viên biệt phái ở các phòng giáo dục và đào tạo đều là giáo viên dạy giỏi được ngành Giáo dục điều động làm nhiều nhiệm vụ về chuyên môn.
Các giáo viên biệt phái ở các phòng giáo dục và đào tạo đều là giáo viên dạy giỏi được ngành Giáo dục điều động làm nhiều nhiệm vụ về chuyên môn.

Trong khi đó, phía Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quan điểm và đề nghị không thực hiện việc truy thu các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo biệt phái làm các nhiệm vụ chuyên môn ở phòng giáo dục và đào tạo. Sở này cho hay, trước thực tế khó khăn, vướng mắc trong bố trí công chức cũng như chế độ viên chức làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo, ngày 24/9/2012, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6612 về biên chế phòng giáo dục và đào tạo. Từ đó đến nay, trên cơ sở số người làm việc được giao và nguồn ngân sách được phân bổ, UBND cấp huyện đã thực hiện bố trí giáo viên biệt phái theo hướng dẫn tại Công văn số 6612, đảm bảo chế độ cho nhà giáo, ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức công tác tại phòng giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ theo tinh thần Công văn số 6612 và Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh.

Còn Sở Nội vụ, trong văn bản phản hồi đã không nêu quan điểm về việc có truy thu hay không truy thu. Sở này chỉ đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Thanh tra tỉnh tham mưu theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Sau khi tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo, ngày 14/6/2023, Sở Tài chính đã có văn bản về việc tham mưu xử lý phụ cấp chi trả cho giáo viên biệt phái. Trong đó, Sở Tài chính cho rằng, “về nguyên tắc, số tiền đã chi trả cho cán bộ, giáo viên biệt phái không đúng quy định phải được thu hồi về ngân sách nhà nước”.

Đến ngày 7/8/2023, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị dừng chi trả các khoản phụ cấp không đúng quy định đối với giáo viên biệt phái công tác tại phòng giáo dục và đào tạo cho đến khi có quy định của cấp có thẩm quyền. Đồng thời, giao Sở Tài chính hướng dẫn các huyện xử lý các khoản phụ cấp đã chi trả không đúng quy định.

Các giáo viên biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương băn khoăn khi các chế độ cho giáo viên biệt phái bị thay đổi.
Các giáo viên biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương băn khoăn khi các chế độ cho giáo viên biệt phái bị thay đổi.

Trong văn bản hướng dẫn, Sở Tài chính đề nghị UBND cấp huyện giao phòng Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp phòng Nội vụ, Phòng Tài chính – Kế hoạch căn cứ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 263/UBND-KT ngày 12/01/2023 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc biệt phái, hưởng chế độ phụ cấp giáo viên biệt phái để xác định niên độ kiểm tra, rà soát; Căn cứ ý kiến của Thanh tra tỉnh tại Văn bản số 399/TTR-P1 ngày 09/6/2023 để xác định các khoản phụ cấp theo quy định của pháp luật tại nơi đến công tác và vị trí công tác mà cán bộ, giáo viên đó đảm nhận, thực hiện kiểm tra, rà soát số kinh phí đã chi trả cho cán bộ, giáo viên biệt phái công tác tại phòng giáo dục và đào tạo để xác định các khoản phụ cấp và số kinh phí đã chi trả không đúng quy định niên độ ngân sách các năm 2021, 2022, 2023; tổng hợp tham mưu UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi về ngân sách cấp huyện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, ngay sau khi có hướng dẫn truy thu của Sở Tài chính, nhiều huyện đã có ý kiến mong các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh xem xét, thay đổi quyết định. Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An ngày 5/9, ông Phạm Xuân Sánh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, địa phương cũng vừa có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo liên quan đến vấn đề này.

“Việc dừng chi trả và truy thu đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, vật chất lẫn tinh thần đối với giáo viên được biệt phái khi phải dừng tất cả các khoản phụ cấp (ưu đãi, thâm niên…). Như vậy, thu nhập giáo viên biệt phái ở phòng sẽ thấp hơn nhiều so với giáo viên đang công tác tại các trường (có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi…). Đấy là chưa kể sau khi về hưu họ sẽ không được tính các khoản phụ cấp để hưởng bảo hiểm”, ông Sánh nói.

Cũng theo ông Sánh, trước khi được biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo, những người này đều là những cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn ở các trường (hầu hết là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng). Vì vậy, nếu họ không có bất cứ một chế độ phụ cấp nào thì tạo nên sự bất bình đẳng trong đội ngũ công chức, viên chức ở phòng giáo dục và đào tạo. Hơn thế, các huyện gặp khó khăn trong việc điều động cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về công tác tại phòng giáo dục và đào tạo, ảnh hưởng trong việc quản lý chuyên môn theo yêu cầu.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò tổ chức hội thảo về chuyên đề giáo dục Trường học hạnh phúc cho đội ngũ cốt cán trong toàn ngành.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò tổ chức hội thảo về chuyên đề giáo dục Trường học hạnh phúc cho đội ngũ cốt cán trong toàn ngành.

Lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu kiến nghị, thời gian trước mắt để đảm bảo viên chức biệt phái làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo yên tâm công tác, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, thì có thể bố trí viên chức biệt phái tại phòng giáo dục và đào tạo về trường trực tiếp dạy một số tiết và được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên theo quy định của Nhà nước.

Chưa nói đến vấn đề truy thu, thời điểm này việc giữ chân giáo viên biệt phái ở các phòng giáo dục và đào tạo hay tìm “lối ra” cho các giáo viên biệt phái ở phòng giáo dục và đào tạo đều đang lúng túng. Tại huyện Yên Thành, ông Lê Đình Cẩn – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết, địa bàn huyện rộng, dân số lại đông, nhưng hiện nay chỉ mới được bố trí 4 công chức, trong đó có 1 trưởng phòng, 1 phó phòng và 2 chuyên viên. Còn lại đơn vị đang phải sử dụng 10 giáo viên biệt phái, trong đó người lâu nhất cũng hơn 20 năm.

“Sau khi có văn bản của Sở Tài chính, phần lớn các giáo viên biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Thành hiện đều hoang mang và có nguyện vọng trở lại trường cũ. Nhưng trước mắt, chúng tôi chỉ mới sắp xếp được 2 người, trong đó có một giáo viên nguyên là hiệu phó về làm giáo viên, một giáo viên là hiệu trưởng sẽ về làm hiệu phó. Những người còn lại chưa biết bố trí thế nào cho phù hợp vì tất cả các vị trí ở các nhà trường đều kín chỗ. Gần đây phòng có điều động một hiệu trưởng từ Trường THCS Lăng Thành về biệt phái ở phòng. Ban đầu thầy giáo này đã đồng ý, nhưng nay từ chối vì chế độ không đảm bảo”, ông Cẩn nói.