Như Báo Nghệ An đã phản ánh trong kỳ trước, ngày 20/11/2019, Sở Tài chính lần thứ 2 có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện dừng chi trả các khoản phụ cấp không đúng quy định đối với nhà giáo được điều động, biệt phái đến công tác tại phòng giáo dục và đào tạo theo Quyết định 42 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau công văn này, ngày 20/12/2019, UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh theo đề nghị của Sở Tài chính. Đến ngày 9/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản tham mưu gửi UBND tỉnh.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chế độ phụ cấp của nhà giáo được điều động đến công tác tại phòng giáo dục và đào tạo hiện hưởng không phải là chế độ bảo lưu phụ cấp ưu đãi theo Quyết định 42 của Thủ tướng Chính phủ (quy định chế độ bảo lưu phụ cấp ưu đãi cho những nhà giáo được tiếp nhận, tuyển dụng thành công chức cơ quan quản lý giáo dục và đã hết hiệu lực thi hành ngày 31/5/2015). Mà đây là các chế độ phụ cấp dành cho giáo viên đứng lớp, cán bộ quản lý, nhà giáo được điều động ở cơ sở giáo dục trực thuộc đến làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo. Ngoài công việc tham mưu, hướng dẫn công tác quản lý chuyên môn giáo dục trên địa bàn huyện, họ trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn giáo dục cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục; tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại cơ sở giáo dục trực thuộc (chức danh nghề nghiệp giáo viên và hưởng lương tại các cơ sở giáo dục). Số người này nằm trong tổng số người làm việc được giao cho ngành Giáo dục cấp huyện.
“Thời gian trước mắt, trong khi chưa bố trí đủ công chức, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tiếp tục thực hiện chế độ theo tinh thần Công văn 6612 của UBND tỉnh ban hành ngày 24/9/2012 và Chỉ thị số 15 ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh”, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo nêu. Chính vì thế, nhiều huyện sau đó vẫn tiếp tục chi trả các khoản phụ cấp đều đặn cho các giáo viên biệt phái.
Không chỉ tranh luận về chế độ phụ cấp này có phải là chế độ bảo lưu phụ cấp ưu đãi theo Quyết định 42 của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành cũng không chung quan điểm về cách hiểu trong điều khoản của Luật Viên chức.
Theo đó, mới đây Sở Tài chính đã đề nghị Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về quy định tại Khoản 4, Điều 36, Luật Viên chức năm 2020. Cụ thể nội dung này quy định, “trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức”. Sở Tài chính đề nghị các sở, ngành nói trên xác định các “quyền lợi khác” của viên chức, cụ thể những khoản phụ cấp giáo viên biệt phái được hưởng.
Phản hồi về vấn đề này, theo quan điểm của Thanh tra tỉnh, “quyền lợi khác của viên chức” là quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật tại nơi được biệt phái đến công tác và vị trí công tác. Tức là các loại phụ cấp theo quy định của pháp luật tại nơi đến công tác và vị trí công tác mà cán bộ, giáo viên đó đảm nhận. “Cán bộ, giáo viên được điều động biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo, không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị trường học mà được hưởng các loại phụ cấp tương ứng là chưa phù hợp với quy định…”, Thanh tra tỉnh nêu quan điểm.
Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quan điểm và một lần nữa cho rằng, giáo viên biệt phái làm các nhiệm vụ chuyên môn ở phòng giáo dục và đào tạo được hưởng đầy đủ chính sách đối với nhà giáo là phù hợp bởi vì ngoài công việc tham mưu, quản lý chuyên môn, họ còn trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục, bồi dưỡng học sinh giỏi, các lớp năng khiếu hoặc tham gia dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, những người này dù đã biệt phái nhưng họ vẫn giữ chức danh nghề nghiệp là giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) và hưởng lương tại các cơ sở giáo dục. Chế độ này đã thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 36, Luật Viên chức 2020.
Còn Sở Nội vụ thì nêu quan điểm ngắn gọn “ngoài tiền lương viên chức biệt phái được hưởng các loại phụ cấp, chính sách ưu đãi và chế độ chính sách khác (nếu có); được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cho rằng, việc chi trả phụ cấp cho các giáo viên biệt phái là làm đúng theo Luật Viên chức. “Trong Luật đã nêu rõ, trong thời gian biệt phái đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, phụ cấp thâm niên chi trả cho viên chức biệt phái phòng giáo dục và đào tạo được hưởng là đúng quy định. Phụ cấp đứng lớp được hưởng cũng là đúng, nếu chứng minh được viên chức đó tham gia dạy chuyên đề, bồi dưỡng học sinh giỏi”, ông Vĩnh nói.
Cuối năm 2022, vấn đề chi trả chế độ phụ cấp cho giáo viên biệt phái lại một lần nữa được lật lại. Lần này, Thanh tra tỉnh cho biết, trong đợt thanh tra năm 2022 tại huyện Kỳ Sơn đã phát hiện một số vi phạm trong việc chi trả các chế độ phụ cấp đối với các giáo viên biệt phái.
Thanh tra tỉnh nhận thấy hiện tượng vi phạm trên là phổ biến ở các địa phương, tuy nhiên cách thức, nội dung vi phạm của từng địa phương có khác nhau. Do vậy, để có biện pháp xử lý chung, đảm bảo thống nhất, công bằng, đúng quy định trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chi trả chế độ cho các giáo viên biệt phái; cho ý kiến chỉ đạo việc xem xét, thống nhất biện pháp xử lý các vi phạm trong việc chi trả các chế độ cho giáo viên biệt phái; đồng thời, chỉ đạo UBND cấp huyện thực hiện việc biệt phái giáo viên và chi trả chế độ phụ cấp cho họ theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên trên địa bàn tỉnh.
Trước kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ngày 22/11/2022, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, tham mưu UBND tỉnh xử lý. Sau đó, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh, Sở Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về những nội dung này bằng văn bản.
Về vấn đề này, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên quan điểm như trước. Theo đó, Sở này vẫn tiếp tục đề nghị thực hiện chế độ theo tinh thần Công văn số 6612 và Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh. UBND cấp huyện điều động cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trực thuộc đến biệt phái làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo và được hưởng chế độ công tác đối với giáo viên tại các trường ở địa bàn trung tâm.
Còn ý kiến của Sở Nội vụ là thống nhất với các kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đối với viên chức biệt phái, có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Nghị quyết được thông qua, thay thế các chế độ, chính sách quy định tại Công văn 6612 ban hành năm 2012 của UBND tỉnh.
Sau khi tổng hợp ý kiến từ các sở, ngày 29/12/2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện khẩn trương tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chi trả chế độ cho các giáo viên biệt phái, kỳ thanh tra năm 2021 và 2022.