Từ một chủ trương nhân văn, chính sách biệt phái hiện nay lại đang bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Chính sách này, hiện cũng không còn “thu hút” các giáo viên ở cơ sở vì thiếu tính ổn định và lâu dài.
Ngày 15/4/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2012/NĐ-CP quy định về chế độ phụ cấp công vụ (25%) đối với công chức. Số viên chức được điều động về làm việc ở Phòng GD-ĐT không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp công vụ và cũng không được hưởng các phụ cấp nhà giáo như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (thiệt thòi so với đồng nghiệp), dẫn đến số viên chức này có nguyện vọng trở về trường công tác để được hưởng các khoản phụ cấp.
Trước tình hình đó, thực hiện Điều 36 của Luật Viên chức, Sở Nội vụ – Sở Giáo dục & Đào tạo tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng Giáo dục & Đào tạo, trong đó yêu cầu, ngoài biên chế công chức, phòng GD-ĐT được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện. Viên chức biệt phái chịu sự phân công và quản lý của Trưởng phòng GD-ĐT; ngoài công việc chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ viên chức ngành Giáo dục & Đào tạo, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; viên chức biệt phái được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo.
Công văn 6612 ra đời, cũng được xem là “phao”, giúp “cởi trói” và là nguồn động viên cán bộ, chuyên viên làm việc tại các phòng giáo dục. Thực hiện Công văn 6612, các phòng Giáo dục & Đào tạo các huyện cũng vận dụng để tạo cơ hội cho những giáo viên đang làm việc tại phòng nhiều năm nhưng chưa được hưởng chính sách biệt phái để tránh thiệt thòi. Vì vậy, rất nhiều viên chức đang công tác tại phòng, được điều động về các trường trong một thời gian ngắn. Sau đó, họ lại được điều động ngược trở lại phòng để được hưởng các chế độ và phụ cấp ưu đãi như giáo viên ở trường.
Việc điều động trong thời điểm ấy cũng có thể chấp nhận được nếu như một số địa phương không lợi dụng “kẽ hở” để vận dụng sai và điều động sai quy định để hưởng các ưu tiên. Liên quan đến nội dung này, năm 2016, Sở Nội vụ cũng đã có kiểm tra 4 huyện là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và phát hiện các đơn vị này đều bố trí viên chức biệt phái vượt quá số lượng quy định tại Công văn số 6612 là 20 người (theo quy định từ 13 – 17 người) và tập trung tại một số trường vùng đặc biệt khó khăn, rẻo cao, biên giới.
Hay như ở Quỳ Châu, từ khi có CV 6612/UBND – TH, các giáo viên đang công tác tại phòng cũng được điều về các trường vùng khó để hưởng chính sách biệt phái. Ngoài ra để “hợp thức hóa”, các giáo viên vẫn được bố trí dạy ở các trường theo hình thức “mỗi tháng chúng tôi được bố trí dạy 1-2 tiết, và đứng lớp các chương trình tập huấn. Như vậy là sát với quy định và tinh thần của Công văn 6621/UBND- TH” – một cán bộ đang công tác tại phòng chia sẻ.
Nhờ có chính sách biệt phái và được vận dụng linh hoạt nên nhiều năm liên tục, rất nhiều giáo viên được điều động lên các phòng giáo dục, làm việc ở vùng thuận lợi vẫn được hưởng lương và các chế độ như giáo viên ở vùng sâu, vùng xa và mức lương các giáo viên nhận được có nơi cao gấp đôi so với ở vùng thuận lợi. Sự việc chỉ được “tuýt còi” sau khi có đợt thanh kiểm tra công tác chi ngân sách của Sở Tài chính ở một số huyện miền núi (trong đó có huyện Quỳ Châu). Đến đầu năm 2018, trước tình trạng này, Sở Tài chính cũng đã yêu cầu tạm dừng việc chi trả chế độ chính sách biệt phái ở tất cả các phòng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Khi Sở Tài chính có đợt kiểm tra và có công văn yêu cầu dừng chi trả chính sách biệt phái, các giáo viên biệt phái đang công tác tại phòng Giáo dục & Đào tạo chỉ còn được hưởng khoảng ½ mức thu nhập so với trước. Đứng trước bài toán kinh tế, nhiều giáo viên biệt phái đã xin chuyển công tác về trường. Chia sẻ về điều này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Tân – nguyên là cán bộ ở phòng Giáo dục huyện Tương Dương tâm sự: “Trước khi được biệt phái về phòng, tôi đã làm hiệu trưởng ở một trường THCS thuộc vùng khó trên địa bàn và mức lương được hưởng gần 20 triệu đồng/tháng. Nay, nếu ở lại, công việc nặng nề hơn nhưng mức lương lại giảm khiến chúng tôi buộc phải suy nghĩ, cân đo đong đếm”.
Tại huyện Con Cuông, thầy giáo Đàm Đại – nguyên viên chức biệt phái phòng Giáo dục cũng đã làm một bảng tính để so sánh mức lương giữa một giáo viên ở trường và một giáo viên biệt phái ở phòng. Theo đó, nếu ở trường với hệ số lương 2,34 mỗi tháng thầy sẽ có thu nhập khoảng 8,5 triệu đồng (bao gồm lương, phụ cấp khu vực (0,5%, chức vụ: 0,2%, ưu đãi: 70%, phụ cấp đặc biệt: 30% và phụ cấp thu hút 116: 70%). Trong khi đó, về phòng thầy chỉ được nhận 4,9 triệu đồng (khu vực: 0,3%, phụ cấp ưu đãi: 70%), số lương thực nhận bị giảm đi gần 3,6 triệu đồng/tháng.
Nhưng, đó là những giáo viên đang may mắn ở diện biệt phái. Tuy nhiên, thời gian này không thể kéo dài bởi theo các văn bản hướng dẫn, giáo viên biệt phái chỉ được tăng cường tối đa 3 năm. Sau 3 năm, nếu không được cân nhắc, tuyển dụng sang công chức thì theo quy định họ phải trở lại cơ sở công tác. Song song với đó, các phòng Giáo dục sẽ điều chuyển những giáo viên mới để làm công tác ở phòng Giáo dục với hình thức biệt phái.
Quy định là vậy, nhưng hiện nay, ở các phòng Giáo dục đang tồn tại tình trạng “đi không được, ở không xong”. Các giáo viên thuộc diện biệt phái thì tự nhận mình là “dở dơi, dở chuột”: “Nhiều người mong muốn được về trường cũ nhưng đâu về được, vì chỗ cũ đã có người khác “trám” vào” – thầy Lê Hải Hà – viên chức biệt phái tại phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Châu cho biết. Một điều nữa khiến thầy Hà băn khoăn, đó là hiệu quả công việc, bởi cho đến thời điểm này thầy đã chuyển lên phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Châu 10 năm và chủ yếu phụ trách mảng công tác cán bộ. Nay, trở lại trường làm công tác giảng dạy thầy buộc phải học hỏi, làm quen lại hết sức khó khăn, nhất là trong giai đoạn giáo dục đổi mới liên tục như hiện nay.
Với thực tế này, việc điều viên chức lên phòng Giáo dục thực sự khó khăn. Ở phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quỳ Châu hiện thiếu một vị trí phụ trách môn tiếng Anh nhưng không tuyển được về phòng. Tại Quế Phong, tình hình cũng không khả quan hơn. Nói về điều này, ông Lữ Thanh Hà – Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quế Phong nói rằng: “Công việc chuyên môn tại phòng Giáo dục chủ yếu dựa vào đội ngũ biệt phái bởi phòng chúng tôi có 11 người thì 9 người đã là giáo viên biệt phái. Hiện tại, phòng đang thiếu 3 – 5 giáo viên biệt phái nữa nhưng không vận động được ai trở về phòng. Trước đó, trong năm nay, phòng cũng có 6 viên chức biệt phái xin chuyển về trường nhưng huyện chỉ sắp xếp được 1 người. Số còn lại, gọi là viên chức biệt phái nhưng nhiều người đã quá thời hạn quy định. Vì vậy, giờ ở lại họ chỉ còn được hưởng lương và phụ cấp khu vực với thu nhập thấp hơn khá nhiều so với công chức ở các phòng khác trong Ủy ban và quá xa so với các giáo viên đang công tác tại các trường dù mang tiếng là “cấp trên”, là “cán bộ cốt cán””.
Vì thiếu giáo viên, hiện tại có một số địa phương tạo điều kiện cho giáo viên biệt phái bằng cách vẫn để họ làm việc tại trường nhưng “thỉnh thoảng” lên phòng để “làm thêm”. Nhưng điều này, rõ ràng không hiệu quả vì khối lượng công việc ở các phòng Giáo dục khá nặng nề và đòi hỏi phải quán xuyến thường xuyên. Trong khi đó, ở trường họ lại bị ràng buộc bởi chuyên môn, thời khóa biểu đã được sắp xếp ổn định nên khó điều động thường xuyên và khó có thể làm tròn trách nhiệm “2 vai”.
(Còn nữa …)